Nên tắm nắng hay chỉ bổ sung vitamin D cho trẻ - câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ

2018-10-02 18:39
- Nhiều bố mẹ thắc mắc có nên tắm nắng hay chỉ bổ sung vitamin D cho trẻ. Câu trả lời sau đây của bác sĩ Trí Đoàn sẽ khiến nhiều người bất ngờ.

Nên tắm nắng hay không nên tắm nắng mà chỉ bổ sung vitamin D cho trẻ - đây là vấn đề luôn gây tranh cãi trên mọi diễn đàn chăm sóc con nhỏ. Mới đây, câu chuyện này lại được lôi ra bàn tán sôi nổi sau khi nhà báo Thu Hà – hot mom nổi tiếng và là mẹ của hai cô công chúa Xu và Sim lên tiếng về việc không nên cho trẻ tắm nắng.     

   Có nên cho trẻ tắm nắng hay không? (Ảnh minh họa: Parenting)     

Theo kinh nghiệm dân gian, tắm nắng được cho là cách giúp trẻ nhỏ hấp thụ vitamin D, chống bệnh còi xương. Bởi thế sẽ không lạ khi thấy hình ảnh những em bé sơ sinh da còn đỏ hỏn nằm trong xe đẩy được bà/ mẹ vạch áo lên, cho hở bụng và lưng để ánh nắng chiếu trực tiếp vào. Từ trước đến nay, việc phơi nắng cho trẻ, kể cả trẻ sơ sinh được khuyến cáo và hướng dẫn chi tiết trong các tài liệu y khoa. Thế nhưng gần đây có thông tin cho rằng không nên cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi tắm nắng, thay vào đó là bổ sung vitamin D. Vậy đâu là đáp án chính xác?  

Mẹ Xu Sim: Đừng coi tắm nắng như một liệu pháp thần thánh  

Chia sẻ quan điểm cá nhân về việc tắm nắng cho trẻ nhỏ, nhà báo Thu Hà (mẹ Xu Sim) cho biết cách đây 12 năm, chị cũng được các bác sĩ khuyên nên cho con tắm nắng như vậy. Bản thân chị cũng nhiều lần chứng kiến cảnh các bà các mẹ cho con đi phơi nắng sáng sớm trên hè phố.  

Nhà báo Thu Hà chia sẻ: “Nhìn thấy cái xe đẩy đi cùng dòng xe máy, ô tô, tôi thấy xót ruột. Có ai để ý không nhỉ, cái cửa xe đẩy luôn ngang đúng tầm với ống bô xe máy. Có nghĩa là hàng chục cái ống bô xe máy phun trực tiếp vào mặt bé. Toàn là những khí độc và rất rất độc, độc cho hệ hô hấp và độc cho lục phủ ngũ tạng, độc toàn thân. Với các bé nhỏ thì càng nguy hiểm, vì cơ quan hô hấp của bé còn rất non, và bé lại thở nhiều hơn, mạnh hơn người lớn.  

Khí thải xe máy, xe hơi là nitơ-oxit (khí NOx), carbon monoxide, sulfur dioxide, benzen, formaldehyde và muội than... Theo WHO, ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của gần 600.000 người tại châu Á mỗi năm. Hè phố Việt Nam là nơi nồng độ ô nhiễm không khí cực cao, nhất là Hà Nội và Sài Gòn”.  

Không đồng tình với việc cho trẻ sơ sinh tắm nắng, nhà báo Thu Hà cho biết theo quan sát của chị, ở nhiều quốc gia, trẻ sơ sinh không tắm nắng. Trái lại việc chơi dưới nắng lại rất được quan tâm với các bé mẫu giáo, tiểu học, trung học. Chị cho rằng cho trẻ sơ sinh tắm nắng ngoài trời như cách các bố mẹ vẫn làm hiện nay là phản khoa học, vì “khi sơ sinh thì chăm tắm nắng, đến khi đi học thì cả ngày ngồi trong nhà, rồi lại than sao cứ mãi lùn gần nhất châu Á”.  

“Việc cho bé đi ra ngoài trời, ra thiên nhiên vẫn cần thiết cho sự phát triển chung của bé. Nhưng hãy chọn nơi sạch sẽ, nhiều cây xanh, không khí trong lành, chứ không nhất nhất phải tắm nắng sáng sớm như một nhiệm vụ, một liệu pháp thần thánh, phải tuân thủ với bất cứ giá nào” , mẹ Xu Sim bày tỏ quan điểm.  

"Tắm nắng sáng sớm thì không tác dụng, tắm nắng ban trưa thì gây hại da"     

   Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn. (Ảnh: Vicare)     

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn (Phòng khám Đa khoa Quốc tế Victoria Healthcare), để có câu trả lời thỏa đáng có nên cho trẻ nhỏ tắm nắng, phơi nắng da để tổng hợp vitamin D, mọi người cần phải hiểu bản chất của tắm nắng.  

Theo bác sĩ, bản chất ánh sáng mặt trời là sóng. Ánh sáng mặt trời bao gồm rất nhiều bước sóng khác nhau, gồm những bước sóng từ dài đến ngắn, mà mắt người chúng ta chỉ nhìn thấy được những tia sáng có bước sóng trong phổ từ đỏ đến tím (bảy sắc cầu vồng theo thứ tự là đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím, những màu có bước ngắn dần).  

Nếu ngắm mặt trời mọc lúc 5 giờ sáng hay lúc mặt trời lặn, sẽ thấy ánh sáng mặt trời có màu đỏ hay vàng cam, bởi vì chỉ có những tia sáng của phổ màu đỏ đến vàng cam đến được mặt đất (do chúng là những tia sáng có bước sóng dài, có khả năng xuyên qua bầu khí quyển). Còn những tia sáng khác chưa thể đến được mặt đất.  

Khi da của hầu hết loài động vật có xương sống, trong đó có con người, tiếp xúc tia cực tím B (UVB) thì da sẽ tổng hợp vitamin D. Tia cực tím (UV) có bước sóng còn ngắn hơn tia tím, khoảng 10-400 nm, trong đó tia UVB có bước sóng từ 280-315 nm.  

Vì tia cực tím UVB có bước sóng rất ngắn nên nó bị chặn lại bởi bầu khí quyển, và chỉ khi mặt trời đứng bóng (khoảng từ 10h sáng đến 3h chiều) thì cũng chỉ có khoảng 3% tia UVB đến được mặt đất.  

“Do đó, nếu muốn tắm nắng thì phải cho bé ra tiếp xúc ánh sáng mặt trời từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều (có nghĩa là tiếp xúc với tia UVB) để da có thể tổng hợp được vitamin D. Khuyến cáo hiện tại ở Việt Nam là cho bé ra tắm nắng trước 8-9h sáng sẽ khiến da bé không tổng hợp được vitamin D, bởi vì giờ đó tia UVB chưa đến được mặt đất”, bác sĩ Trí Đoàn cho biết  

Da của bé nhỏ rất mỏng manh và nhạy cảm, hệ thống bảo vệ da chưa hoàn chỉnh, nên việc cho bé tắm nắng (tức là tiếp xúc tia UVB) sẽ gây hại cho bé (gây ung thư da, lão hoá da hay, ngay tức thời, gây bỏng da). Do đó, theo bác sĩ Trí Đoàn, bé không được tắm nắng (theo đúng nghĩa của từ “tắm nắng”). Vì bé không được tắm nắng, nên phải bổ sung vitamin D cho bé uống mỗi ngày 400-1000 UI nếu bé bú mẹ hoàn toàn hay một phần (vì sữa mẹ có rất ít vitamin D) hay bú sữa công thức ít hơn 800-1000ml mỗi ngày.  

Theo Vietnammoi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Tiết lộ 4 con giáp không thể yêu xa