Mùa đông da con nứt nẻ như 'trái cà chua', mẹ làm theo kiểu này để chữa có ngày ân hận thì đã muộn màng

Thu Hà 2017-11-09 06:45
- Mùa này, thấy má đứa trẻ “đỏ ửng như quả cà chua” do viêm da cơ địa trong mùa lạnh, không ít mẹ vội vắt sữa thoa vào má trẻ nhằm trị bệnh.

Thực hư vắt sữa mẹ thoa mặt làm da mịn màng trở lại

Đồng ý sữa mẹ rất tốt. Nhưng có không ít người “cuồng sữa mẹ” đến nỗi coi đây là thuốc trị bách bệnh. Chỉ cần một cú click chuột trên mạng sẽ ra cả tá mẹo chữa bệnh bằng sữa mẹ. Vụ việc mới đây nhất là một bà mẹ đã dùng sữa mẹ nhỏ vào mắt làm con có nguy cơ bị thủng giác mạc. 

Ngoài ra, nhiều người còn mách nhau dùng sữa mẹ thoa lên mặt trẻ bị bệnh viêm da cơ địa dị ứng (dân gian hay gọi là chàm sữa, lác sữa) sẽ giúp trẻ khỏi bệnh. 

Bôi sữa mẹ vào hai má “đỏ ửng như cà chua” của trẻ sơ sinh, coi chừng làm hỏng da!

Chàm sữa là bệnh rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, khiến hai má trẻ đỏ ửng như quả cà chua. Ảnh minh họa. 

Chị Nguyễn Ngọc Loan (Sóc Sơn, Hà Nội) bị bệnh viêm da cơ địa nhiều năm nay. Cứ mỗi khi mùa đông đến, chị Loan ngứa dấm dứt, không thể ngủ nổi.

Theo đó, con gái chị cũng bị di truyền bệnh viêm da cơ địa của mẹ. “Ngay từ khi sơ sinh, cứ trời khô hanh là hai má con như hai quả cà chua. Ngứa ngáy, con lấy tay gãi, cào xước cả da mặt”, chị Loan cho biết. Một cái vòng xoắn bệnh lý rất oái oăm, càng ngứa, càng gãi lại càng ngứa dữ dội. Chỉ cần chị trót ăn đồ có thể gây dị ứng như hải sản, hoặc trời đang nóng trở lạnh là mẹ con chị lại khổ sở vì ngứa. Chỉ khi mùa lạnh đi qua, cái nắng ấm áp tới thì tình trạng da con chị Loan mới được cải thiện.

Bôi sữa mẹ vào hai má “đỏ ửng như cà chua” của trẻ sơ sinh, coi chừng làm hỏng da!

Sữa mẹ rất tốt nhưng không phải là thuốc "vạn năng". Ảnh minh họa. 

Lần đầu tiên nuôi con nhỏ, chị thực sự rất lúng túng, hoang mang trước cái sự ngứa oái oăm này của con. Một vài người hàng xóm đã mách chị Loan vắt sữa mẹ thoa lên mặt con mỗi khi con ngứa. Bởi theo người hàng xóm, sữa mẹ mát, có kháng thể tự nhiên có thể giúp da con chóng lành. Chị Loan làm theo nhưng trong lòng thấy khá lo lắng.

“Tôi chỉ dám bôi một chút vì sợ sữa ngọt, kiến nghe mùi, bò lên mặt con thì khổ”, chị bộc bạch.

Chị Thu Trang (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) đã bôi sữa mẹ lên mặt con vì thấy mặt con bị đỏ ửng, khô nẻ khi trời trở lạnh. “Nghe mọi người mách thoa sữa mẹ sẽ làm da con mịn màng trở lại. Nhưng thoa được hai ngày, tình trạng của con càng trở nên nghiêm trọng, phải vác đến bác sĩ da liễu điều trị”, chị Trang than thở.

Sau lần đó, chị Trang “cạch”, không dám bôi bất cứ thứ gì lên mặt con theo lời truyền miệng. Chị Trang nghĩ: “Sữa mẹ được coi là thức ăn thực phẩm của bé thì chỉ nên làm tác dụng cho bé no bụng, giúp bé khoẻ mạnh, mau lớn thôi. Còn hăm tã, kiến đốt... thậm chí là dưỡng da thì nên dùng sản phẩm chuyên dụng. Sữa mẹ rất lành, không gây ra tác dụng phụ nhưng không nên coi là “thuốc vạn năng” trị bách bệnh”. 

Không chỉ bôi sữa mẹ, mọi người còn truyền miệng nhau một cách nghe qua đã thấy rất kinh dị là lấy nước bã trầu đang nhai trong miệng bôi lên mặt để trị bệnh chàm sữa. 

Muốn khỏi cần dưỡng ẩm da và điều trị lâu dài

Bác sĩ Lương Trường Sơn, Phó viện trưởng viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh, phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diều cho biết: “Bệnh viêm da dị ứng cơ địa rất hay gặp ở trẻ em dưới 1 tuổi, thường xảy ra ở trẻ có cơ địa dị ứng. Bệnh xuất hiện do sự tương tác phức tạp của yếu tố di truyền và môi trường, bao gồm chất gây kích ứng da, nhiệt độ, thời tiết…”.

Bôi sữa mẹ vào hai má “đỏ ửng như cà chua” của trẻ sơ sinh, coi chừng làm hỏng da!

Bác sĩ Lương Trường Sơn, Phó viện trưởng viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh. 

Giai đoạn cấp tính, bệnh biểu hiện da bị viêm, đỏ ửng, mụn nước, phồng rộp và đôi khi rỉ dịch. Sau khi khỏi, da có thể trở nên bình thường hoặc chuyển thành thể chàm mãn tính, da khô, dày, ngứa ngáy rất khó chịu. Với trẻ sơ sinh, má là nơi đầu tiên và thường xuyên bị chàm. Các khu vực thường quấn khăn, tã như cổ, bẹn có thể cũng bị kích ứng.

Trẻ lớn hơn, bệnh chàm có thể xuất hiện ở nếp gấp khuỷu tay, đầu gối, mí mắt, dái tai, cổ, da đầu. Nhiều trẻ phát triển viêm da dị ứng hình dạng đồng tiền rải rác khắp cơ thể, dễ bị nhầm lẫn với nhiễm nấm.

15 – 20% trẻ em bị viêm da dị ứng cơ địa. Tỉ lệ bệnh ở người lớn là 1 – 2%. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Để điều trị bệnh và phòng bệnh viêm da dị ứng cơ địa, bác sĩ Trường Sơn khẳng định trẻ cần được bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên. Đây là việc làm rất quan trọng để duy trì hàng rào bảo vệ da, làm mát da trẻ. Bên cạnh đó là bôi thuốc có corticoid hoặc một số thuốc khác theo đúng chỉ định của bác sĩ da liễu, tránh lạm dụng thuốc. 

“Tốt nhất, nếu có biểu hiện đỏ ửng má, ngứa nhiều mỗi khi trời lạnh, người bệnh cần được đi khám tại bác sĩ chuyên khoa da liễu để đánh giá đúng tình trạng bệnh và kê thuốc điều trị hợp lý. Viêm da cơ địa dị ứng cần nhiều tháng điều trị và tuân thủ lộ trình điều trị nghiêm ngặt, không thể khỏi trong một sớm một chiều bằng những mẹo truyền miệng. Chưa kể, không ai lường trước được chữa bằng mẹo còn làm bội nhiễm thêm cho làn da đang bị tổn thương”, bác sĩ Trường Sơn nhắn nhủ. 

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

6 dấu hiệu người ta yêu thật lòng