Mẹ dùng tăm bông ngoáy tai hại con thủng màng nhĩ

2016-07-07 15:42
- Thấy tai con có ráy tai, người mẹ lấy tăm bông “nạo vét” mà không biết đã làm thủng màng nhĩ của con. Đây là lỗi rất nhiều cha mẹ mắc phải nhưng không nhận ra hậu quả.

Sau lần lấy ráy tai, con gái 15 tháng tuổi của chị Thu (Đống Đa, Hà Nội) khóc ngằn ngặt. Chị Thu càng lo lắng khi thấy máu trong tai con rỉ ra ngoài. Đưa con đi khám, chị bàng hoàng khi bác sỹ cho biết con gái chị bị thủng màng nhĩ. Lý do vì chị đã dùng tăm bông (loại đầu nhỏ, dành cho trẻ sơ sinh) để ngoáy tai cho con. Dù rất nhẹ nhàng nhưng chị không biết tăm bông đã làm tổn thương, rách màng nhĩ của con.

Đây là “tai nạn” phổ biến của các bậc cha mẹ, vì cho rằng ráy tai là chất thải, bẩn, cần phải được “nạo vét”. Thậm chí, thói quen này của cha mẹ khiến nhiều trẻ bắt chước. Đã có không ít trường hợp trẻ nhỏ tự lấy tăm bông ngoáy tai rồi chọc thủng màng nhĩ của mình lúc nào không hay. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, trẻ có thể bị viêm nhiễm, thậm chí dẫn đến việc bị điếc, giảm thính lực.

Mẹ dùng tăm bông ngoáy tai hại con thủng màng nhĩ

Ảnh minh họa.

Hầu hết các phụ huynh đều nghĩ ráy tai là bẩn. Nhưng theo BS Trần Thu Thủy - Bệnh viện Nhi Trung ương thì ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ. Trái lại, thiếu các thành phần bôi trơn và diệt khuẩn của ráy tai, tai có thể bị khô và ngứa.

Ráy tai là hỗn hợp hòa tan trong nước của da chết, lông và chất tiết từ các tuyến nhầy ở ống tai, được hình thành ở 1/3 ngoài của ống tai, phần gần màng nhĩ không sản sinh chất này.

Ráy tai giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, không cho bụi và vi khuẩn đi sâu vào bên trong, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ.

Bình thường cha mẹ không cần làm vệ sinh ống tai cho bé nhờ cơ chế tự làm sạch của ống tai ngoài. Nhờ động tác nhai và chuyển động của hàm, ráy tai cũ và các tế bào da chết liên tục di chuyển từ phía màng nhĩ tới lỗ tai ngoài. Chúng khô dần và rơi ra ngoài.

Do đó, BS Thủy khuyến cáo: Đừng bao giờ dùng tăm bông ngoáy tai cho con. Rất nhiều trẻ đã bị thủng màng nhĩ do cha mẹ quá nhiệt tình "nạo vét", hoặc do bé tò mò, dùng tăm bông thọc vào tai mình đúng như cách mà mẹ vẫn làm với bé.

“Cách tốt nhất để xử lý ráy tai của trẻ là không làm gì cả. Hàng ngày, khi tắm cho bé, chỉ cần dùng khăn ướt lau nhẹ vùng tai ngoài là đủ” - BS Thủy cho biết.

Tuy nhiên, nếu ống tai ngoài quá nhỏ hoặc hình dáng khác thường có thể khiến ráy tai khó thoát ra ngoài, dẫn tới hình thành nút ráy tai. Nút ráy tai cũng xuất hiện khi chất này bị đẩy sâu vào trong ống tai. Nguyên nhân hay gặp nhất là do sử dụng tăm bông hoặc những vật dụng khác để lấy ráy tai. Động tác này chỉ giúp loại bỏ phần ráy tai ở nông bên ngoài, trong khi lại đẩy phần ráy tai còn lại vào sâu hơn bên trong, tạo điều kiện hình thành nút ráy tai.

Khi nào ráy tai có thể gây rắc rối?

Ráy tai chỉ thực sự gây rắc rối trong 2 trường hợp: Khi chúng tích tụ quá nhiều, cản trở việc quan sát màng nhĩ của bác sĩ trong lúc thăm khám hoặc khi chúng gây tắc nghẽn hoàn toàn ống tai ngoài. Lúc này thính lực của trẻ có thể bị giảm.

Cha mẹ có thể làm mềm ráy tai bằng dầu oliu hoặc bằng dung dịch oxy già pha loãng dưới sự hướng dẫn của bác sỹ.

 

 

Kim Yến

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 'Tuyệt tình Cốc' hút hồn phượt thủ khắp Việt Nam