Không cần đến bệnh viện, người dân vẫn có thể được chăm sóc sức khỏe từ A-Z

2016-06-07 17:51
- Để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, lãnh đạo Bộ y tế cho biết sẽ tập trung phát triển mô hình bác sĩ gia đình từ nay đến năm 2020.

Bác sĩ gia đình, họ là ai?

Sáng ngày 7/6, trong Hội thảo phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) và bệnh mãn tính, Thứ trưởng Bộ y tế PGS.TS Phạm Lê Tuấn cho biết: “Hiện nay, hệ thống y tế của Việt Nam nói chung và hệ thống y tế cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Do mô hình bệnh viện của Việt Nam là mô hình bệnh viện kép. Trong khi đó các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng, sự già hóa của dân số khiến cho nhu cầu khám chữa bệnh tăng. Điều này khiến cho bệnh viện của Việt Nam luôn ở trong tình trạng quá tải”.

Cũng theo PGS.TS Phạm Lê Tuấn, mô hình bác sĩ gia đình đã được phát triển rộng rãi trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mô hình này cũng đã được triển khai theo đề án của Bộ y tế từ năm 2013-2016, bước đầu đã có kết quả nhất định.

Không cần đến bệnh viện, người dân vẫn có thể được chăm sóc sức khỏe từ A-Z
Thứ trưởng Bộ y tế Phạm Lê Tuấn chia sẻ muốn học hỏi thêm kinh nghiệm của đại sứ quán Đan Mạch trong việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình và quản lý bệnh nhân mãn tính (Thứ trưởng đang đứng nói).

PGS.TS Phạm Lê Tuấn cho hay, BSGĐ sẽ là người đảm nhận chăm sóc sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật cho người dân ngay tại tuyến cơ sở. Các BSGĐ cũng được đào tạo về chuyên môn 6 năm học tập và cũng có thời gian làm việc trong bệnh viện. Các BSGĐ hoàn toàn làm việc ở phòng khám của mình và nhận một số bệnh nhân nhất định để theo dõi và quản lý. Họ sẽ là người khám sàng lọc ban đầu và giới thiệu bệnh nhân tới các bác sĩ chuyên khoa nếu thấy cần thiết.

Lợi ích của mô hình bác sĩ gia đình

PGS.TS Phạm Lê Tuấn cho rằng tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn đang cần được giải quyết triệt để. Việt Nam cần phải đổi mới phương thức quản lý và cung ứng dịch vụ Y tế cơ sở là điều rất cần thiết. Việc thiết lập mô hình BSGĐ sẽ giải quyết được các vấn đề sau: Quản lý tốt các bệnh mãn tính và giảm thiểu các tai biến, biến chứng; Thuận lợi triển khai các chương trình tầm soát ung thư định kỳ theo các tiêu chuẩn thống nhất; Giảm chi phí khám chữa bệnh của xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến…

Theo đó, các BSGĐ có thể theo dõi tốt cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như: tiểu đường, tim, phổi… Trong trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng sức khỏe, BSGĐ có thể giúp đỡ hoặc tư vấn cho bệnh nhân tới bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp cần phải đến bệnh viện là khi có biến chứng nguy hiểm cần xử lý như hôn mê, tăng đường huyết, tai biến mạch máu não...

Để đảm bảo thu nhập cho BSGĐ, PGS.TS Phạm Lê Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Bộ y tế sẽ nghiên cứu cơ chế tài chính cho nhóm bác sĩ này.

Hy vọng với đề án BSGĐ sẽ giúp cho bệnh nhân và người thân giảm bớt được chi phí khám chữa bệnh, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vạch trần 6 con giáp thường hay "ném tiền qua cửa sổ"