Điều trị cắt cơn nghiện ma túy đá: Học viên da bọc xương 8 lần cai nghiện la hét đến kinh hoàng

Thu Hà 2017-09-27 06:45
- Có thể bị người “ngáo đá” tấn công trở lại, nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng. Đó là điều các y, bác sĩ điều trị và cán bộ làm công tác y tế cắt cơn nghiện ma túy đá hàng ngày phải đối diện.

Cai nghiện đến lần thứ 8 vẫn la hét “bác sĩ cho em về”

Bất cứ người cai nghiện ma túy nào cũng phải trải qua quy trình 15 ngày cắt cơn theo phác đồ rồi mới được đưa lên đội lao động trị liệu. Cơ thể vốn quen có ma túy đá giờ phải tách biệt thứ có ma lực mãnh liệt ấy bắt đầu xuất hiện hội chứng cai.

Khác với sự vật vã, cảm giác kiến bò trong xương khi cai nghiện heroin, người cai nghiện ma túy đá rất dễ bị kích động. Ma túy đá tác động vào hệ thần kinh trung ương, gây biến đổi các hoạt chức năng của não bộ khiến trong đầu họ hoang tưởng bị theo dõi, ảo giác, ảo thanh có tiếng nói xúc giục. Ảo thị khiến họ luôn cho rằng cán bộ điều trị là người truy bắt. 

Cơn “vật” ma túy đá khiến người cai chửi bới, gào thét, trèo tường, đập cửa bỏ trốn, tự hủy hoại bản thân, không kiểm soát được hành vi. Và khi đó, các y, bác sĩ điều trị sẽ là người đầu tiên đối mặt với những hiểm nguy do học viên cai nghiện gây ra.

Những hiểm nguy KHÓ LƯỜNG bác sĩ điều trị cắt cơn nghiện ma túy đá phải đối diện 24/24

Khu vực điều trị cắt cơn tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2. Ảnh: Thu Hà

Người cai nghiện ma túy đá la hét, chửi bới bác sĩ điều trị là điều hết sức bình thường. Chửi bới không được thì quay ra nịnh, tìm mọi cách để được cán bộ cho về. Có những học viên ra vào đây đến tám lần, da bọc xương mà lần nào cai nghiện cũng đập phá, la hét như vậy”, Y sĩ đa khoa Phùng Công Lợi, Phó trưởng Phòng y tế phục hồi sức khỏe, Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2 chia sẻ với Emdep.vn về công việc của mình.

Nỗi sợ bị phơi nhiễm những căn bệnh xã hội

Bởi học viên cai nghiện không kiểm soát được hành vi của mình nên các y, bác sĩ điều trị, cán bộ y tế tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2 buộc phải có những “ngón nghề” nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và cho chính học viên.

Điều đầu tiên là căn phòng điều trị cắt cơn buộc phải tối giản đồ đạc. Đa phần chỉ có một chiếc phản kê dưới sàn, không có bàn ghế hay đồ vật sắc nhọn nhằm tránh việc học viên “lên cơn” có thể gây sát thương cho bản thân và y bác sĩ.

“Thuốc cắt cơn, dụng cụ khống chế, liệu pháp tâm lý là ba thứ quan trọng bác sĩ cần sử dụng cho học viên cai nghiện trong suốt 15 ngày cắt cơn. Dụng cụ khống chế là que đè lưỡi đề phòng học viên cắn lưỡi, dây vải buộc tay chân, còng số 8… Bất đắc dĩ, chúng tôi mới phải dùng đến”,  Y sĩ Công Lợi cho biết.

Những hiểm nguy KHÓ LƯỜNG bác sĩ điều trị cắt cơn nghiện ma túy đá phải đối diện 24/24

Buồng cắt cơn học viên lưu trú. Ảnh: Thu Hà

Các y bác sĩ điều trị cắt cơn nhận định đây là công việc vừa cai vừa phải dỗ học viên. Một mặt, nếu học viên còn đủ tỉnh táo để xin xỏ cán bộ, bác sĩ sẽ động viên các em cố gắng vượt qua cắt cơn để chóng được đi lao động trị liệu và trở về nhà. Trong trường hợp học viên đập phá, bỏ trốn, tấn công cán bộ hoặc tự hủy hoại bản thân thì bác sĩ cắt cơn buộc phải dùng biện pháp khống chế và thuốc an thần.

Một nỗi sợ hãi luôn thường trực với các bác sĩ điều trị cắt cơn là mối nguy cơ phơi nhiễm bệnh xã hội từ người nghiện. “Ở đây đã có bác sĩ bị phơi nhiễm HIV, lao phổi trong quá trình điều trị cho người bệnh. Chúng tôi gọi đó là bệnh nghề nghiệp, bác sĩ điều trị cắt cơn cũng phải trang bị cho mình những kỹ năng xử lý khôn khéo để tránh hiểm nguy một cách tối đa”, Y sĩ Lợi trầm ngâm.

Những hiểm nguy KHÓ LƯỜNG bác sĩ điều trị cắt cơn nghiện ma túy đá phải đối diện 24/24

Tình yêu thương là chất xúc tác giúp học viên cai nghiện ma túy thành công. Ảnh: Thu Hà

Hàng ngày tiếp xúc với học viên cai nghiện, các bác sĩ hiểu ra đằng sau lớp vỏ hung dữ khi “lên cơn”, người nghiện lại trở về với nỗi đau bị gia đình, làng xóm kỳ thị. Có nhiều học viên nữ đã tâm sự với y bác sĩ điều trị rằng “em rất tủi thân vì không được gia đình lên thăm”.

Những mảnh đời lầm lạc tới đây đa phần do hoàn cảnh khó khăn, gia đình trục trặc, thiếu sự quan tâm của bố mẹ. Trước khi chia tay chúng tôi, các bác sĩ tại Trung tâm gửi lời nhắn nhủ: “Mong rằng những câu chuyện sẽ gióng lên một hồi chuông cảnh báo gia đình quan tâm sát sao tới con em hơn nữa. Đừng để các em dính vào tệ nạn đang rình rập ngoài cánh cửa. Nếu con em chẳng may dính vào nghiện ngập ma túy, cha mẹ hãy đưa con đi cai. Các em cai nghiện thành công hay không, phần lớn là nhờ sự quan tâm của gia đình. Tôi không khỏi trăn trở khi bắt gặp có những cụ già 70 tuổi vẫn chống gậy lên thăm cháu cai nghiện. Có gia đình phải bay từ miền Nam ra đây thăm con cai nghiện, khổ tới nhường nào!”.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Muốn trở thành một cô nàng trendy trong Hè này, đây là các kiểu trang phục mà bạn nên “thuộc lòng”