Đây là lúc có thể xảy ra nhầm lẫn giữa các trẻ sơ sinh, nhưng các nữ hộ sinh phải đảm bảo không để điều này xảy ra

2018-07-13 15:15
- Tại các bệnh viện lớn. quy trình quản lý trẻ sơ sinh và sản phụ nghiêm ngặt vì vậy rất khó có thể xảy ra chuyện nhầm lẫn.

Sự việc trao nhầm con sau 6 năm mới phát hiện xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì khiến cho không ít chị em chuẩn bị sinh con cảm thấy lo lắng. Vậy việc nhầm lẫn giữa các bé thường xảy ra ở công đoạn nào là mối quan tâm của nhiều người.

PGS.TS.BS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trước đây tại bệnh viện Bạch Mai cũng từng xảy ra việc nhầm lẫn trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, sau đó gia đình phát hiện nên các cháu được trả đúng về với bố mẹ ruột ngay.

Nhầm lẫn trẻ sơ sinh có thể xảy vào thời điểm này

Nữ hộ sinh tại Bệnh viện Bạch Mai đang thực hiện các thao tác vệ sinh sau khi tắm cho trẻ.

Hiện nay, tại Bạch Mai quản lý trẻ bằng mã số 2 vòng đeo chân nên không có sự nhầm lẫn đáng tiếc nào xảy ra. Đặc điểm vòng đeo chân không thể tháo ra nếu có người cố tình tháo ra thì vòng sẽ hỏng. Dây vòng được làm vừa khít chân nên rất khó có thể tuột ra.

“Trước khi bệnh nhân vào viện, bác sĩ sẽ giải thích rõ cho sản phụ và gia đình hiểu vòng tháo ra sẽ hỏng. Trong trường hợp vòng hỏng sẽ phải thay thế vòng mới. Tuy nhiên, việc vòng bị hỏng rất khó xảy ra trừ khi gia đình tự cắt tháo ra. Ngoài vòng cho con, bệnh viện sẽ có gắn vòng tay cho mẹ có định danh tên mẹ và tên con, vòng của con (tên con và mẹ) vòng của mẹ (tên mẹ và con). Khi bệnh nhân ra viện phải có đầy đủ giấy tờ và bảo vệ phải ghi vào sổ mới được ra viện”, bác sĩ Nha nói..

Trẻ dễ bị nhầm khi đi tắm

PGS.TS Nha cho hay, khả năng nhầm lẫn trẻ sơ sinh có thể xảy ra khi cho trẻ đi tắm, vòng đeo chân có thể rơi ra. Tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, trước khi trẻ đưa đi tắm sẽ được nhân viên y tế kiểm tra vòng đeo chân của con và vòng tay của mẹ, nếu thiếu sẽ bổ sung ngay.

Còn theo Ths.BS Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), trước đây, khi công nghệ còn kém, việc đánh số bằng mực natri lên tay hoặc chân trẻ nên có thể xảy ra nhầm lẫn. Còn tại các bệnh viện, nhà hộ sinh tại tuyến tỉnh, trước khi đẻ thường không đánh số nên có thể dẫn tới sự nhầm lẫn.

Hiện nay, tại các bệnh viện lớn, số lượng ca đẻ nhiều, cho nên các bác sĩ phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt từ khi mẹ nhập viện đến khi con trở về bên mẹ an toàn, tránh nhầm lẫn.

Sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ sẽ đến viện làm thủ tục tại phòng khám và được cấp mã số bệnh án. Đối với sản phụ sinh thường, khi trẻ ra đời, nữ hộ sinh sẽ đưa con lại giường để mẹ nhận diện giới tính, hình hài và đeo mã số giống hệt nhau vào mẹ và bé.

Sau sinh, bé sẽ được giao trực tiếp cho mẹ, nằm ngay cạnh mẹ trên giường sinh. Nhân viên y tế sẽ thực hiện vệ sinh, mặc đồ, quấn khăn cho bé ngay tại chỗ, bên cạnh mẹ. Đối với trường hợp sinh mổ, trẻ sinh ra được đeo mã số. Trong khi chờ các bác sĩ khâu vết mổ cho mẹ, bé tạm thời được chuyển về phòng đẻ, nằm trên giường ấm. Mã số đeo ở tay trẻ không được phép tháo rời và thay đổi.

“Trong thời gian trẻ sơ sinh ở trong viện sẽ được tắm rửa vệ sinh hàng ngày, quá trình này dễ xảy ra rơi hoặc mất vòng. Tuy nhiên, từ khi đi tắm cho tới khi trẻ được trả về gia đình, hộ sinh phải luôn đảm bảo mã số đeo ở tay (chân) của trẻ không bị tháo”, bác sĩ Khải nói.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Hồ Ngọc Hà - mỹ nhân có hồ sơ tình ái ồn ào và cái kết viên mãn