Bác sĩ 'mát tay' chữa vô sinh': Nghĩ cảnh bệnh nhân bán nhà, nguy cơ chia tay phải dốc sức mỗi ngày
Tin liên quan
Nữ bác sĩ bị mê hoặc bởi chuyên ngành hiếm muộn
Chúng tôi đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vào cuối giờ chiều nhưng số lượng bệnh nhân xếp hàng chờ đợi Ths.Bs Lê Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện - Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) đọc kết quả tư vấn khá đông.
Trong khi ngồi đợi tới lượt khám, chị Nguyễn Thị Thu (36 tuổi, Thái Bình) chia sẻ: “Tôi đã đi khám hiếm muộn ở rất nhiều nơi nên cũng biết rất nhiều bác sĩ giỏi. Tuy nhiên, bác sĩ giỏi điều trị hiếm muộn mà lại mát tay như bác sĩ Hiền quả thực không nhiều. Nhờ có bác sĩ Hiền mà vợ chồng tôi chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Nếu không có bác sĩ Hiền chắc kiếp này vợ chồng tôi không thể sống được cùng nhau”.
Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Hiền là người phụ nữ đôn hậu, nhẹ nhàng và tinh tế trong từng lời nói cử chỉ. Chị luôn muốn dành thật nhiều thời gian để tâm sự và hiểu hơn về bệnh nhân trước khi tư vấn về bệnh lý cho họ. Bản thân tiếp xúc với nhiều cặp vợ chồng vô sinh nên bác sĩ Hiền thông cảm được những e ngại, mặc cảm, nỗi đau mà họ đang mang. Chị đã tự dặn lòng mình phải cố gắng, phải thực hiện thành công giúp đỡ cho bệnh nhân có cơ hội được làm cha mẹ.
Là một người bác sĩ giỏi và được nhiều bệnh nhân khen mát tay nhưng bác sĩ Hiền rất khiêm tốn khi nói về bản thân.
Nói về cơ duyên tới với chuyên ngành hiếm muộn, bác sĩ Hiền cho hay, đó là một cơ duyên rất tự nhiên. Cách đây 12 năm (2005), chuyên ngành hiếm muộn còn khá mới mẻ với bác sĩ và bệnh nhân, khi đó chị đang làm ở một phòng khám trên đường Hoàng Quốc Việt (tiền thân của Bệnh viện Nam học Hiếm muộn ngày nay).
“Tiếp xúc tư vấn với bệnh nhân hiếm muộn, tôi thấy được nỗi khổ sở của họ. Thời điểm đó, tôi được TS. Lê Vương Văn Vệ khuyên đi học sâu hơn về hiếm muộn, một chuyên ngành mới và rất hay. Nhận được lời động viên từ bác sĩ Vệ, tôi có động lực tìm hiểu sâu hơn về chuyên ngành hiếm muộn. Càng đọc tôi càng thấy bị cuốn hút và muốn hiểu về nó nhiều hơn”, bác sĩ Hiền tâm sự.
Thời gian đó, bác sĩ Hiền đã lên mạng lục tìm mọi tài liệu liên quan tới hiếm muộn. Như bị ma lực của chuyên ngành hiếm muộn lôi cuốn nên năm 2009 bác sĩ Hiền đã quyết định đi học về phôi ở Trung tâm công nghệ phôi, Học viện Quân Y 103. Sau đó, bác sĩ Hiền đi vào các bệnh viện ở miền Nam như Từ Dũ, Hùng Vương, Vạn Hạnh, An Sinh để học hỏi thêm kiến thức của đồng nghiệp.
“Khi đó, tôi như một đứa trẻ mới bắt đầu đi học vậy, học cái gì cũng thấy thích thú, tò mò và khao khát muốn được thực hành”, bác sĩ Hiền chia sẻ.
Hơn 12 năm theo đuổi ngành hiếm muộn, 5 năm làm thụ tinh ống nghiệm (IVF), bác sĩ Hiền không thể nhớ chính xác đã thực hiện thành công cho bao nhiêu ca nhưng con số có thể lên tới hàng nghìn ca.
Ca bệnh đầu tiên tự tay chị làm IVF đó là trường hợp của bệnh nhân vô sinh hiếm muộn 7 năm. Người chồng không có tinh trùng do bị tắc ống dẫn tinh. Trước đó, bệnh nhân đã từng phải đi xin tinh trùng để thụ tinh nhân tạo nhưng không thành công.
“Ca bệnh này thực ra không có điều gì quá đặc biệt. Nhưng cảm giác thực hiện thành công mang lại hạnh phúc cho gia đình bệnh nhân là niềm vui “không thể tả nổi”. Tôi cảm thấy hạnh phúc tới nghẹn ngào, sung sướng như cảm giác của gia đình bệnh nhân”, bác sĩ Hiền nói.
“Công lao không chỉ riêng của bác sĩ”
Đó là câu trả lời rất thẳng thắn và khiêm tốn của nữ bác sĩ khi nhận được lời khen “mát tay” từ rất nhiều bệnh nhân. “Nhận được lời động viên của bệnh nhân tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Điều này sẽ là động lực để tôi cố gắng, toàn tâm hơn nữa. Lời khen đó thực sự quá ưu ái cho tôi vì để có sự thành công của bệnh nhân đằng sau là cả một ekip không phải riêng công lao của bác sĩ”, bác sĩ Hiền tâm sự.
Bác sĩ Hiền đang tư vấn cho cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.
Theo bác sĩ Hiền, để có được một ca thụ tinh ống nghiệm thành công đòi hỏi sự làm việc chuyên nghiệp và nghiêm túc của cả một ê kíp. Trong đó, những chuyên viên phôi học những “người hùng” thầm lặng phía sau bác sĩ. Ngoài ra, còn có công sức rất lớn của, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, nhân viên làm hồ sơ giấy tờ, quản lý, tổ quản lý chất lượng, nhân viên tạp vụ…
Bác sĩ Hiền cho hay: “Một mình bác sĩ không thể làm được hết tất cả các công việc đó. Nếu không có một ê kíp hỗ trợ cộng với sự hợp tác của bệnh nhân thì rất khó có thể thành công”.
Qua tiếp xúc với bệnh nhân hiếm muộn, bác sĩ Hiền mới hiểu được mỗi một cặp đôi là một hoàn cảnh éo le. Không ít gia đình bán nhà bán đất để đi tìm kiếm đứa con, có những gia đình chỉ vì không có con mà phải đường ai nấy đi.
Điều bác sĩ Hiền trăn trở nhất với nghề là hiện nay mặc dù tỷ lệ chuyển phôi đã được cải thiện nhưng vẫn có phần trăm thất bại. Tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn, tỷ lệ chuyển phôi tươi thành công khoảng 40% và chuyển phôi đông lạnh lên tới gần 60%.
“Bệnh viện tôi lấy bệnh nhân làm trung tâm, nếu kiểm tra thấy bệnh nhân có niêm mạc tốt, các chỉ số ổn, cơ hội chuyển phôi tươi tốt chúng tôi sẽ làm cho bệnh nhân. Như vậy sẽ giảm được chi phí, đỡ tốn thời gian chờ đợi và đi lại của bệnh nhân”, bác sĩ Hiền nói về tỷ lệ chuyển phôi đông lạnh thành công nhiều hơn.
Trong bài tiếp theo bác sĩ Hiền sẽ chia sẻ những cảm xúc đặc biệt về những ca bệnh khó mà chị đã thực hiện thành công. Kính mời độc giả đón đọc.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất