Ăn uống quá nóng, coi chừng ung thư thực quản

2016-07-08 12:00
- Ăn, uống quá nóng dễ làm cho các tế bào thực quản bị tổn thương gây bỏng, lở loét thực quản, về lâu dài có thể mắc ung thư.

Thói quen ăn uống tưởng tốt lại hóa nguy hại

Quan niệm khi ăn phải nóng hổi “vừa thổi vừa ăn” vẫn được mọi người cho rằng rất hợp vệ sinh và an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, mới đây khoa học hiện đại đã chứng minh ăn uống quá nóng dễ gây hại cho thực quản.

Bác Đỗ Văn Cẩm, sống tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, khi ăn uống bác chỉ thích ăn nóng, thế mới thấy ngon miệng. Đồ ăn thức uống nguội tanh, nguội ngắt bác rất ít khi động đũa… Không chỉ bác Cẩm có thói quen ăn nóng mà đa phần người dân Việt Nam đang duy trì thói quen ăn uống này.

Ăn uống quá nóng dễ tổn hại thực quản, ung thư cận kề

Ăn và uống khi còn quá nóng dễ gây tổn hại lớp niêm mạc thực quản (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới nhất của IARC (Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế) thuộc tổ chức Y tế thế giới WHO, thói quen thích ăn đồ ăn quá nóng ở nhiệt độ 65 độ C rất có thể gây ung thư thực quản.

Nói về nguy cơ ung thư do thường xuyên ăn uống quá nóng, Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết: “Bản thân đồ ăn, thức uống không thể gây tổn thương cho niêm mạc thực quản. Nhưng đồ ăn, thức uống quá nóng có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản nghiêm trọng. Đặc biệt thói quen ăn canh mới sôi, uống chè pha bằng nước vừa sôi… dễ gây bỏng, lở loét thực quản nếu duy trì trong thời gian dài. Khi thực quản bị bỏng, lớp niêm mạc bị tổn thương nếu gặp phải các yếu tố bất lợi như: thức ăn bị nhiễm khuẩn, rượu, thuốc lá… sẽ tạo điều kiện cho các tế bào ung thư có cơ hội tấn công, phát triển và gây bệnh”.

Ăn đồ ăn quá nóng còn có thể làm tổn thương tế bào vị giác, suy giảm chức năng cảm giác mùi vị, gây ra tình trạng chán ăn không tốt cho tiêu hóa. Ăn uống khi thức ăn còn quá nóng khiến bạn khó có thể nhai kỹ thức ăn, tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa.

Bên cạnh đó, một trong những thói quen ăn uống xấu làm tăng các ca bệnh ung thư thực quản đó là thường xuyên ăn thực phẩm có chứa nitrosamine như: thịt muối, thịt hun khói, dưa cà, mắm… Nitrosamin có thể hình thành từ phản ứng của natri nitrit với các amin bậc hai trong môi trường axit (như trong dạ dày), vốn là một chất dễ gây ra ung thư thực quản. 

Ung thư thực quản thường có tiên lượng xấu

Ăn uống quá nóng, coi chừng ung thư thực quản

"Bản thân đồ ăn, thức uống không thể gây tổn thương cho niêm mạc thực quản. Nhưng khi đồ ăn, thức uống được ăn quá nóng có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản nghiêm trọng", GS. Đức nói.

Theo Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, bệnh ung thư thực quản ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì cụ thể. Khi đã phát triển thành bệnh, bệnh nhân thường có cảm giác nuốt vướng ở cổ khi ăn thức ăn thô. Bệnh tiến triển nặng ăn sẽ rất khó khăn, uống nước cũng bị nghẹn. Bệnh nhân có thể bị nôn dịch ra cả đường thở, gây ra viêm đường hô hấp, đau họng, ợ nóng, đau 2 xương bả vai, khi nói chuyện giọng bị khan… Bệnh ung thư thực quản thường có tiên lượng xấu vì vậy việc phát hiện sớm  là rất quan trọng.

Cho tới nay ung thư thực quản chưa xác định được rõ nguyên nhân. Yếu tố môi trường ô nhiễm, ăn uống kém khoa học được cho là có liên quan tới ung thư thực quản.

Để phòng tránh ung thư thực quản, Giáo sư Nguyễn Bá Đức cho rằng mọi người nên hạn chế ăn uống đồ ăn khi còn quá nóng, không uống rượu bia, thuốc lá… Nhiệt độ thức ăn, đồ uống thích hợp và tốt cho sức khỏe chỉ từ 18 độ C – 45 độ C, ở nhiệt độ này thức ăn chỉ âm ấm.

Ngoài ra, để phòng ngừa ung thư thực quản cần tăng cường ăn rau xanh và có chế độ luyện tập thể dục thường xuyên.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Sau Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng bị hỏi: 'Đã ra miền Trung viện trợ chưa?'