5 hiệu ứng tâm lý ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời một người: Biết, thu lợi cả đời
Tin liên quan
Trong cuộc sống, sau khi chúng ta thoát ra được khỏi trạng thái thất vọng, ngoảnh lại ngẫm lại tình huống lúc đó, phát hiện ra dường như chỉ cần thay đổi góc độ nhìn nhận vấn đề, mọi thứ sẽ trở nên khác biệt. Cảm giác như khi đó, khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta tự tạo ra cho mình một chiếc lồng, xem mình như cái kén, trói buộc linh hồn và ý thức của bản thân vào bên trong đó.
Vì sao có những chuyện trông thì hợp lý nhưng lại không hợp lý, trông thì lý tính nhưng lại không hề lý tính? Vì sao chúng ta lại điên cuồng muốn giành những món đồ mà mình không cần? Hay là lựa chọn của người khác vì sao lại ảnh hưởng tới sở thích của chúng ta? Đằng sau những hành vi này là những hiệu ứng tâm lý mà chúng ta thậm chí còn không hề biết.
Hiệu ứng tâm lý là những hành động hoặc tác động của người hoặc sự vật này khiến người hoặc vật khác tạo ra những thay đổi tương ứng trong một phản ứng nhân quả hoặc dây chuyền. Bằng cách lý giải ảnh hưởng của những tác động tâm lý đến bản thân, phân tích những hành vi phi lý tính không dễ phát hiện của một người, người ta có thể hiểu rõ hơn về bản thân, hiểu người khác và nhìn thấu xã hội.
Nắm vững tác động của tâm lý học cho phép chúng ta đối xử với người khác một cách hợp lý hơn, giải quyết công việc và kiểm soát cuộc sống của chính mình tốt hơn.
Dưới đây là một vài tác động tâm lý điển hình đằng sau cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy sử dụng chúng như một tấm gương để soi rọi chính mình.
01. Định lý Giegler
Đặt ra một mục tiêu cao, đồng nghĩa với việc hoàn thành được một phần của mục tiêu.
Charles M Schwab, nhà sáng lập của Bethlehem Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ 2 tại Hoa Kỳ, sinh ra ở nông thôn, mức độ học vấn mà ông được hưởng là rất thấp. Năm 18 tuổi, Schwab đến làm việc trên một công trường xây dựng thuộc sở hữu của ông vua thép Carnegie. Ngay khi bước chân vào công trường, Schwab đã quyết tâm trở thành người xuất sắc nhất trong số các đồng nghiệp của mình.
Trong khi những đồng nghiệp khác ngồi tán gẫu, một mình Schwab ngồi một góc đọc sách. Đối mặt với sự ngờ hoặc của quản lý, sự dị nghị của đồng nghiệp, Schwab vẫn luôn tin rằng thứ công ty đang thiếu không phải là những nhân viên cơ sở, mà là những nhà quản lý hoặc nhân viên kỹ thuật, bản thân ông cũng không phải là đang làm việc cho ông chủ, mà là đang nỗ lực vì ước mơ và tiền đồ rộng lớn của bản thân.
Cứ mang trong mình một niềm tin như vậy, Schwab không ngừng nỗ lực tiến về phía trước, cuối cùng được Carnegie bổ nhiệm làm chủ tịch công ty thép. Sau này, Schwab tự mình thành lập Công ty thép Bethlehem của riêng mình và đưa công ty đạt được thành tích phi thường.
Nếu ngay từ khi bắt đầu đã có một mục tiêu cao vời, bạn sẽ có một tầm nhìn khác với những người bình thường xung quanh, rồi từ đó dần dần hình thành nên những thói quen và phương pháp làm việc hiệu quả, thúc đẩy bạn bước từng bước một theo hướng đúng đắn.
02. Công thức Carell
Dự tính cho điều tồi tệ nhất, sẵn sàng cho những chuẩn bị tốt nhất
Ở Mỹ có một quảng cáo chiêu binh vừa hài hước vừa thông minh. Nội dung như sau: "Đi lính nào! Đi lính không hề đáng sợ. Sau khi đi lính, có hai khả năng xảy ra: chiến tranh hoặc không có chiến tranh, không có chiến tranh thì việc gì phải sợ? Giả sử có chiến tranh thì cũng sẽ có hai khả năng: ở tiền tuyến hoặc không ở tiền tuyến, không ở tiền tuyến thì có gì phải sợ?
Ở tiền tuyến lại có 2 khả năng: bị thương hoặc không bị thương, không bị thương thì có gì đáng sợ? Bị thương rồi có hai khả năng: thương nặng hoặc thương nhẹ, thương nhẹ thôi thì có gì đáng sợ? Bị thương nặng có hai khả năng: có thể chữa trị và không thể chữa trị, có thể chữa trị thì có gì phải sợ nữa? Không thể chữa trị lại càng không đáng sợ, vì bạn đã chết rồi."
Khi con người ta đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận tình huống xấu nhất có thể xảy ra, điều này sẽ có lợi cho việc ứng phó hoặc cải thiện tình huống có thể xảy ra. Hoặc có thể nói, khi chúng ta có thể bình tĩnh đối mặt với tình huống xấu nhất có thể xảy ra, điều này ngược lại sẽ có lợi cho việc dùng một thái độ tích cực để khiến tình huống xấu nhất chuyển biến sang hướng tích cực hơn.
03. Hiệu ứng Wallach
Mỗi một người đều là thiên tài, chỉ cần tìm thấy điểm xuất phát tốt nhất của mình.
Otto Wallach là người đoạt giải Nobel Hóa học, và thành công của ông là huyền thoại. Khi Wallach bắt đầu vào cấp hai, bố mẹ ông đã chọn con đường văn chương cho ông, cuối học kỳ, cô giáo viết lời nhận xét: "Wallach rất chăm chỉ, nhưng lại quá cứng nhắc, khó mà nên được tài năng văn chương".
Vì vậy, cha mẹ chuyển ông sang hướng vẽ tranh sơn dầu, nhưng Wallach không giỏi về bố cục và đánh bóng, và điểm của ông lại đứng cuối lớp. Đối mặt với một học sinh "vụng về" như vậy, hầu hết các giáo viên đều cho rằng ông không có hy vọng thành công. Chỉ có giáo viên dạy môn hóa học cho rằng ông rất tỉ mỉ và có tố chất trong các thí nghiệm hóa học và đề nghị ông đi học môn hóa học. Ngọn lửa trí tuệ của Wallach lúc này được khơi dậy, và cuối cùng ông đã đạt được một thành tựu vô cùng to lớn.
Thành công của Wallach minh chứng cho một sự thật rằng: sự phát triển trí thông minh của học sinh là không đồng đều, chỉ khi tìm ra được điểm xuất phát tốt nhất để phát huy trí thông minh của chúng, đồng thời khiến trí thông minh ấy được thể hiện ra, thì chúng mới có thể đạt được những kết quả đáng kinh ngạc.
04. Định lý Goodman
Đôi khi im lặng là cách giao tiếp tốt nhất.
Trong một số hoạt động kinh doanh, im lặng đúng lúc cũng là một kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Một giám đốc nhà máy định thanh lý một lô máy móc cũ trong nhà máy với giá rẻ, ông dự tính mức giá tối thiểu là 500.000 USD. Trong quá trình thương lượng, một người mua đã phàn nàn về những thiếu sót của lô máy này, nói rằng chúng đã quá cũ, kiểu cách không đẹp, không có giá trị gì nhiều. Giám đốc nhà máy không nói gì, kiên nhẫn lắng nghe những phàn nàn của bên kia.
Cuối cùng, người mua khi không còn tìm được lời nào để chê bai nữa, đã nói: "Tôi chỉ có thể đưa cho anh nhiều nhất 800.000 đô la Mỹ cho lô máy này. Nếu nhiều hơn nữa, tôi thực sự không thể." Giám đốc nhà máy vui mừng khôn xiết, lập tức đồng ý với người mua. Im lặng, không nói một lời, và vị giám đốc nhà máy này đã dễ dàng kiếm thêm 300.000 đô la.
Người có giá trị nhất không nhất thiết phải là người có thể nói nhiều nhất. Biết lắng nghe là phẩm chất cơ bản nhất của một người trưởng thành. Khi bạn có thể ngầm hiểu được mọi thứ, im lặng tốt hơn ngàn lời nói.
05. Hiệu ứng võng mạc
Cuộc sống giống như chiếc gương, bạn khóc với nó, nó sẽ khóc lại với bạn, bạn cười với nó, nó sẽ cười lại với bạn.
Có lẽ ai cũng đã từng trải qua những trải nghiệm tương tự như này trong cuộc sống: chúng ta dành một thời gian dài để suy nghĩ rồi mới quyết định mua một đôi giày, đúng khi chúng ta đang cảm thấy vô cùng tự hào về quyết định này, thì lại phát hiện ra hình như đi đâu cũng bị đụng hàng; hoặc là cảm thấy chúng ta có một khuyết điểm, rồi lại thấy rằng người khác dường như cũng có khuyết điểm này.
Hiện tượng này được gọi là "hiệu ứng võng mạc" trong tâm lý học. Khi sở hữu một điều gì đó hoặc một đặc điểm nào đó, chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn đến việc "liệu những người khác có một điều hoặc một đặc điểm giống mình hay không" nhiều hơn những người khác.
Một người nhất định phải hình thành thói quen đánh giá cao và khẳng định bản thân. Một người có thể nhìn thấy ưu điểm của bản thân, dưới tác động của hiệu ứng võng mạc, cũng sẽ nhìn ra được ưu điểm của người khác. Có thể nhìn những người xung quanh với thái độ tích cực thường là điều kiện tiên quyết để có được mối quan hệ tốt giữa các cá nhân với nhau.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất