Xót cảnh người phụ nữ neo đơn bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối liêu xiêu trong căn nhà trống hoác

Thanh Thảo 2017-04-25 19:00
- Căn bếp liêu xiêu được dựng bằng những tấm vách lá. Gia vị chẳng có gì, chỉ có một chai nước mắm và một gói muối nhỏ, nên chúng tôi cũng hiểu phần nào về cơ thể gầy nhom, ốm yếu và gương mặt xanh xao hốc hác kia của cô Lai.

 

Về thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi tìm gặp cô Trần Thị Lai (1953). Đón chúng tôi là căn nhà lặng thinh, trống vắng, cô Lai đang nằm co ro trên chiếc giường gỗ giữa nhà. Sau lời chào hỏi, cô gắng gượng dậy để tiếp khách.

Người phụ nữ neo đơn chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Cô Lai bên giường bệnh

Được biết cô Lai sống một mình đã lâu. Ba mẹ cô mất từ năm 1991, nhà có hai chị em nhưng em gái cô lại lấy chồng xa tận huyện Nông Sơn (Quảng Nam). Là người không họ hàng thân thích, cô lại không chồng không con, nên suốt gần 30 năm qua cô sống một mình ở căn nhà tình thương địa phương xây dựng lại.

Người phụ nữ neo đơn chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Căn nhà tình thương được địa phương xây dựng lại.

Với nghề nông quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không có của ăn của để, từ khi cô lâm bệnh, hoàn cảnh càng khó khăn hơn.

Theo lời cô Lai, tháng 11/2015 cô phát hiện mình mang trong người căn bệnh ung thư quái ác. “Năm đó, từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam (bệnh viện Điện Bàn) giới thiệu ra bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, rồi bệnh viện này lại tiếp tục chuyển cô ra Huế, nhưng cô không có tiền đi. Mãi đến năm 2016, bệnh tình trầm trọng, cô mới phải đi áp xạ ở bệnh viện 175 thành phố Hồ Chí Minh", cô Lai kể.

Người phụ nữ neo đơn chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Cô đã phải chữa trị hết nơi này đến nơi khác.

Người phụ nữ neo đơn chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Cứ mỗi một tháng, cô lại vào viện để xạ trị

Đến nay, căn bệnh ung thư cổ tử cung đã bước sang giai đoạn cuối nên cô hoàn toàn không còn khả năng lao động.

Cô cho biết: “Ruộng nương cô đưa lại cho người ta làm hết, chứ sức đâu mà làm. Mỗi ngày đi quanh quanh trong nhà mà cũng như muốn té rồi".

Người phụ nữ neo đơn chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Dù có bảo hiểm hộ nghèo, chi phí chữa chạy cũng vẫn quá lớn đối với cô.

Cô Sáu, một người hàng xóm thân cận của cô Lai vừa kể vừa nghẹn ngào: “Hoàn cảnh cô Lai tội nghiệp lắm, đau mấy năm nay mà không có người chăm nom. Từ ăn uống, giặt giũ đều phải tự làm. Ngày nào hàng xóm ở đây ai rảnh thì qua giúp được ít, còn những đợt xuống mùa như hôm nay thì bận lắm”.

Dù có bảo hiểm hộ nghèo, nhưng số tiền chạy chữa bao nhiêu năm nay cũng đã khá lớn. Ngôi nhà vốn đã trống hoác vì không có gì, nay ngay cả những vật dụng sinh hoạt cần thiết cũng thiếu trước hụt sau.

Người phụ nữ neo đơn chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Căn bếp trống hoác.

Sau một hồi trò chuyện với chúng tôi, cô Lai gắng gượng dậy đi nấu cơm, làm thức ăn cho cả ngày.

Cô nói: “Cô đâu có đi chợ được, cũng không có ai mà nhờ, mỗi ngày mấy người bán hàng ngang qua, họ cũng quen rồi nên tạt vào cho cô mua dăm đồng rau, cá. Có đau mấy cũng phải cố dậy nấu nướng, ngày nào mệt lắm thì cô đành nhịn luôn”.

Trong căn bếp nhỏ ọp ẹp, cô tự mình nhóm bếp lửa, xào mấy trái đậu, ghé vài củ khoai nướng. Thỉnh thoảng cơn đau ập tới, nhưng cô không kêu ca nửa lời. Có lẽ người phụ nữ neo đơn này đã quen với những cơn đau, cũng như quen với sự cam chịu, vì có kêu ca thì chẳng ai biết, ai nghe cho.

Người phụ nữ neo đơn chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Ấm nước thuốc bên căn bếp nguội lạnh.

Căn bếp này được dựng bằng những tấm vách lá, sáng bừng bởi ánh mặt trời chiếu vào buổi trưa. Gia vị chẳng có gì, chỉ có một chai nước mắm và một gói muối nhỏ.

Nhìn cách chế biến sơ sài của cô Lai, chúng tôi cũng hiểu phần nào về cơ thể gầy nhom, ốm yếu, và gương mặt xanh xao hốc hác kia. Một người bệnh lẽ ra phải được chăm sóc đặc biệt, bồi dưỡng cho cơ thể mà nay lại phải tự lo cho bản thân, ăn uống thiếu thốn như vậy, thật khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Người phụ nữ neo đơn chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Tất cả là thức ăn cho một ngày của cô

Người phụ nữ neo đơn chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Sự mệt mỏi, đau đớn hằn sâu trên khuôn mặt người phụ nữ bất hạnh

Người phụ nữ neo đơn chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Dù đau, dù mệt cũng phải tự lo cho miếng ăn, giặt giũ

Cô tâm sự: “Nhiều lúc nửa đêm đau, cô cũng phải ráng chịu chờ trời sáng, chứ không biết kêu ai. Đau mà không có ai bên cạnh, buồn tủi lắm. Suốt ngày thui thủi một mình, hàng xóm có qua thì vui được chút, rồi họ lại về lo cho gia đình họ”.

Lúc chúng tôi sắp về thì gặp em gái cô Lai từ Nông Sơn xuống. Cô đi từ sáng mà bây giờ mới về đến đây. Vừa vào nhà, em gái cô Lai đã tất tả quét dọn, coi cơm, nấu nước cho chị.

Cô vừa lau mồ hôi vừa buồn rầu kể: “Cả tháng trời cô mới về được, vì ngày mai cô Lai đi tái khám ở bệnh viện Ung Bướu. Cô xoay xở mượn tiền xong là chạy về ngay để sửa soạn quần áo, tiền nong cho chị. Chị đau mà cô ở xa, không chăm lo được, thấy buồn mà bất an lắm”.

Người phụ nữ neo đơn chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Cô Sáu - hàng xóm của cô Lai thường qua giúp đỡ, trò chuyện với cô.

Hàng xóm của cô Lai thì ngậm ngùi nói: “Sáng dậy việc đầu tiên là tôi chạy qua nhà chị Lai trước, coi thử có chuyện chi không rồi mới yên tâm về vác cuốc ra đồng”.

Ông Phan Văn Tám, trưởng thôn Phù Sa cho biết: "Trường hợp của cô Lai, địa phương cũng rất quan tâm giúp đỡ. Hoàn cảnh cô tội nghiệp lắm. Cô Lai ở một mình lại đau ốm. Bà con hàng xóm ở đây cũng hay tới lui thăm nom. Riêng chú cũng động viên cô nhiều để cố gắng chữa bệnh".

Thanh Thảo

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Màu tóc nào cũng dám nhuộm, Vbiz ai 'tắc kè hoa' hơn Quỳnh Anh Shyn