Vợ con người quay phim kẻ cưỡng ép phụ nữ sợ hãi, không dám rời nhà

2020-04-21 18:02
- Vợ con anh H. (người quay clip) cho biết họ sợ đến nỗi không dám đứng trước cửa hay ra khỏi nhà sau những bình luận đe dọa, chỉ trích của dân mạng.

Ngày 19/4, Trương Gia Huy (21 tuổi) đến công an đầu thú vì hành vi khống chế, giở trò đồi bại với một phụ nữ có biểu hiện tâm thần, lang thang ở TP.HCM.  

Cùng lúc đó, anh T.C.H. (43 tuổi, trú tại đường Lão Tử, quận 5), người đã quay được hành động của tên này và đưa lên mạng xã hội , đã nhận nhiều chỉ trích vì không trực tiếp can thiệp, giải vây cho nạn nhân.  

Trước những tranh cãi của cộng đồng mạng, gia đình anh H. nhiều lần lên tiếng giải thích. Tuy nhiên, khi nghi phạm mới đây đã đầu thú, các bằng chứng đã được giao nộp đầy đủ cho phía công an, anh H. và người thân chỉ muốn mọi việc nhanh chóng lắng xuống.  

“Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh trước khi phán xét” 

Đọc những bình luận không hay trên mạng, vợ anh H. cảm thấy vừa buồn lẫn bức xúc. “Nếu là mọi người, thử hỏi có ai dám truy hô hay mở cửa lúc đó. Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh trước khi phán xét chồng tôi”, vợ anh H. nói với Zing.  

Theo người nhà anh H. vụ việc xảy ra tại hẻm số 10 đường Lão Tử từ 1h sáng đến 1h30 sáng ngày 18/3. Trong khi đang ngủ trên gác lửng, anh H. vội thức dậy quan sát khi nghe tiếng động lạ vì con hẻm lâu nay nhiều trộm cắp.  

 Nơi xảy ra vụ việc người đàn ông cưỡng ép cô gái lang thang.  

Nghe có tiếng người cãi vã, ban đầu anh H. tưởng đó là cặp tình nhân đang giằng co. Tuy nhiên, khi thấy sự việc không đơn giản như vậy, anh vội lấy điện thoại quay phim đề phòng chuyện không hay và làm bằng chứng.  

Càng lúc càng thấy không bình thường khi người đàn ông bắt đầu có hành động bạo lực, anh H. đã lên tiếng cảnh cáo người đàn ông và dừng quay phim ở phút thứ 6.  

Anh H. giải thích nếu mình hô hoán ngay từ đầu có thể gây hại cho nạn nhân. Thứ hai, anh cũng lo lắng hung thủ có đồng phạm và nghi ngờ đây có thể là nhóm người dàn cảnh để trộm cướp, đặc biệt trong mùa dịch đường phố rất vắng vẻ.  

Ngoài ra, cửa sổ gác lửng nhà anh H. là loại cửa sổ kéo gồm 3 lớp (lớp cửa kính mờ, lớp lưới và khung sắt) cao chưa đầy 15 cm. Người bình thường không thể chui đầu qua, vì vậy không thể ném đồ vật vào người hung thủ như dân mạng bình luận.  

Ngay tối xảy ra vụ việc, anh H. đã đến trình báo Công an phường 11 (quận 5). Sáng hôm sau, công an đã đến xác minh, lấy lời khai của anh H. Với mong muốn nhanh chóng tìm ra hung thủ và cảnh báo bạn bè, anh H. cũng chia sẻ đoạn clip lên trang cá nhân.  

“Những ngày qua chúng tôi rất mệt mỏi” 

Hiện tại, anh H. và người nhà không dám nghe điện thoại sau khi liên tục nhận những cuộc gọi từ người lạ. Khi có quá nhiều người tới hỏi thăm về vụ việc, anh H. và vợ con thậm chí phải lánh mặt sang nhà người quen.  

“Những ngày qua chúng tôi rất mệt mỏi. Tôi quá nhức đầu vì những câu hỏi, thắc mắc của mọi người”, anh H. nói.  

 Phía trước hẻm 10, đường Lão Tử (quận 5, TP.HCM) sát nhà anh H.  

Trong khi đó, vợ con của anh H. cho biết họ sợ đến nỗi còn không dám đứng trước cửa hay ra khỏi nhà sau những bình luận đe dọa, chỉ trích nặng nề của dân mạng.  

Anh H. hiện sống cùng vợ, 2 con nhỏ và mẹ lớn tuổi. Gia đình có tiệm kinh doanh đồ gỗ ngay tại nhà. Sau vụ việc, vợ chồng anh vừa lo lắng cho sự an toàn của bản thân lẫn việc kinh doanh của gia đình.  

“Nhà thì bán buôn mà người lạ cứ ra vào hỏi thăm liên tục. Thực sự chúng tôi rất khó sống, giờ chỉ muốn làm ăn yên ổn” , người nhà anh H. nói.  

Sau khi công an vào cuộc điều tra, nghi phạm cũng đã đầu thú, gia đình anh H. hy vọng mọi chuyện nhanh chóng lắng xuống. Nói về những ý kiến tiêu cực trên mạng, anh H. cho biết bản thân cũng không còn muốn quan tâm nữa vì “việc mình làm không hổ thẹn với lương tâm”.  

Con trai lớn của anh H. nói thêm: “Đối với tôi bố làm việc tốt là được. Chúng tôi đâu muốn nổi tiếng nên cũng không muốn chịu thêm áp lực từ dư luận và mạng xã hội”.  

Vì sao quay phim mà không can thiệp? 

Tranh cãi xung quanh việc quay phim, chụp hình hành vi tội phạm đã xảy ra từ lâu, tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người cho rằng nhân chứng chỉ biết đứng nhìn tội ác diễn ra, có một phần trách nhiệm.  

Theo Sarah Ben-David, nhà tội phạm học tại Đại học Ariel, Israel, có thể chia nhân chứng thành 2 loại. Loại một, những người có thể cứu nạn nhân nhưng không làm gì. Loại hai, những người không thể cứu nạn nhân dù có làm gì hay không.  

 Trương Gia Huy (21 tuổi) đến công an đầu thú vì hành vi khống chế, giở trò đồi bại với một phụ nữ lang thang. Ảnh cắt từ video.  

Loại thứ nhất được xem là có lỗi còn loại thứ hai được nhận định là vô tội. Tuy nhiên, việc phân biệt ai là loại một, ai là loại hai thực sự khó khăn, thậm chí không thể. Không thể biết được chắc chắn liệu một hành động từ người ngoài có góp phần ngăn chặn tội ác hay không, nên chẳng thể kết luận chính xác nhân chứng có lỗi hay vô tội.  

Chính vì sự mơ hồ đó, con người đôi khi cảm tính trong việc nhận định.  

Ngoài ra, trong cuốn sách "Regarding the Pain of Others" (tạm dịch: Nỗi đau của người khác), nhà văn Susan Sontag lập luận rằng mọi người quay lưng lại với sự đau khổ của người khác không phải vì họ vô tâm, mà vì họ cảm thấy bất lực và sợ hãi.  

Thực tế, việc lao vào giúp một người trong tình huống nguy hiểm không hề đơn giản, nhiều người đã trở thành nạn nhân tiếp theo, thậm chí bị hiểu nhầm là thủ phạm.  

Theo Zing  

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

6 người đẹp Việt khiến cư dân mạng 'thót tim' vì diện váy xẻ quá cao