THỰC PHẨM BẨN 'tuồn' vào bếp ăn trường học: Phụ huynh có thể KHỞI KIỆN nếu con em bị đau bụng!
Tin liên quan
Sau vụ việc “ổ mủ” chảy ra từ miếng thịt lợn cung cấp vào bếp ăn trường phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark (tỉnh Hưng Yên), rất nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại về chất lượng bữa ăn bán trú của con em mình tại trường.
Phía nhà trường cho biết: “Khối lượng sản phẩm thịt lợn đã giao cho nhà trường ngày 15/8/2017, ngoài khu vực bị khối áp xe, vẫn đạt chất lượng. Toàn bộ thịt lợn ngày 15/8/2018 đã được đổi, trả theo yêu cầu của Nhà trường”.
Thế nhưng vụ việc xảy ra khi ngày khai giảng đang đến cận kề, phụ huynh càng thêm lo lắng. Trên mạng xã hội, có phụ huynh đã nghĩ đến giải pháp nấu cơm cho con mang đi học.
'
Thịt lợn "chảy mủ" khiến phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú của con em. Ảnh minh họa.
Nỗi lo "muôn thuở" về chất lượng bữa ăn ở trường . Ảnh chụp từ màn hình.
Tuy nhiên, khi ăn cơm bán trú ở trường là gần như phổ biến thì việc trẻ mang cơm đi học là bất khả thi. Khi đó, phụ huynh giám sát, lên tiếng, thậm chí khởi kiện là điều cần thiết để đảm bảo chất lượng bữa ăn trưa của con em mình tại trường.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): "Để bảo vệ quyền lợi cho con em mình, cha mẹ cần lên tiếng bằng nhiều cách nếu phát hiện đồ ăn cung cấp “bẩn”, không đạt chất lượng". Quy trình phản ánh, khởi kiện, các phụ huynh có thể tiến hành lần lượt như sau:
Cung cấp thông tin, bằng chứng
Trước tiên, phụ huynh cần làm đơn phản ánh, cung cấp những thông tin, bằng chứng về việc thực phẩm cung cấp, đồ ăn không đạt chất lượng tới các cơ quan có thẩm quyền như UBND tỉnh, thành phố nơi trường học con em họ đặt trụ sở; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố; Chi Cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố
Việc làm này là hoàn toàn đúng theo quy định tại Chỉ thị số: 06/2007/CT-TTg ngày 28 tháng 03 năm 2007 của Thủ tướng chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và Thông tư Liên tịch số 08/2008/TTLT-BYT –BGDĐT ngày 08 tháng 7 năm 2008 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc "Hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục”.
Khởi kiện nếu con bị ngộ độc, đau bụng
“Trong trường hợp con bị đau bụng, ngộ độc vì đồ ăn ở trường, phụ huynh có thể làm đơn khởi kiện đơn vị cung cấp đồ ăn đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”, Luật sư Minh Long khẳng định.
Theo đó, phụ huynh cần có các bằng chứng chứng minh về việc con bị ngộ độc tiêu hóa. Cụ thể là kết luận của Cơ quan y tế có thẩm quyền về việc con bị ngộ độc do ăn thức ăn ở trường.
“Trong trường hợp nhiều em cùng ngộ độc, tất cả các phụ huynh cùng làm đơn khởi kiện đơn vị cung cấp đồ ăn hoặc ủy quyền cho một người đại diện làm đơn khởi kiện. Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con em mình các phụ huynh nên đến các đơn vị tư vấn luật để được hỗ trợ pháp lý cũng như tư vấn cụ thể về thủ tục khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền”, Luật sư Long nói.
Nhà trường có trách nhiệm đến đâu?
Theo Luật sư Minh Long, nếu nhà trường cũng giám sát, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, khâu chế biến nấu nướng, khâu bảo quản, vận chuyển của các đơn vị cung cấp đồ ăn. Nhưng các đơn vị cung cấp đồ ăn vẫn cố tình làm sai dẫn đến hậu quả trên thì đơn vị cung cấp đồ ăn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc để xảy ra hậu quả nêu trên.
Luật sư Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon). Ảnh: NVCC
Trường hợp nhà trường không đảm bảo đúng việc kiểm tra các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các đơn vị cung cấp đồ ăn, cũng như giám sát, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, khâu chế biến nấu nướng, khâu bảo quản, vận chuyển của các đơn vị cung cấp đồ ăn để dẫn tới hậu quả học sinh bị ngộ độc thì nhà trường phải có trách nhiệm liên đới với các đơn vị cung cấp đồ ăn trong việc làm thiệt hại đến sức khỏe của học sinh.
Hiện đã có quy định tại Chỉ thị số: 06/2007/CT-TTg cũng như Thông tư Liên tịch số 08/2008/TTLT-BYT –BGDĐT ngày 08 tháng 7 năm 2008 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan ban ngành trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học.
Tuy nhiên, Luật sư Minh Long cho rằng phụ huynh cần chủ động, sự quan tâm nhất định đến vấn đề an toàn thực phẩm tại trường học của con em mình để kịp thời phát hiện báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền.
“Tránh tình trạng để đến khi gây ra hậu quả lớn thì gia đình mới biết được thông tin. Rõ ràng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, gia đình, nhà trường, Sở giáo dục đào tạo, Sở y tế và Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc giám sát các điều kiện an toàn thực phẩm của các đơn vị cung cấp đồ ăn trong các cơ sở giáo dục để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho học sinh”, Luật sư Long nhấn mạnh.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất