"Sống dở chết dở" vì lời mời gọi từ mảnh giấy dán chi chít bờ tường, cột điện
Tin liên quan
Vợ một mình chăm con, còn chồng thì mải miết…trốn nợ
Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng càng cao, dịch vụ cho vay tiền càng trở nên “nóng”. Đi tới đâu người ta cũng có thể gặp những mảnh giấy dán khắp bờ tường, cột điện với nội dung “Alo là có tiền!”, “Cho vay tín chấp”, “Hỗ trợ tài chính”, “Giải ngân sau 30 phút”.
Cho vay tiền nghe rất đơn giản nhưng thế nhưng hãy tỉnh táo bởi đằng sau đó là những phiền toái khó lường và cái “bẫy” lãi suất không thể tưởng tượng. Câu chuyện có thật của những nạn nhân chỉ vì một phút cả tin đã đẩy mình vào kiếp sống chui lủi là lời cảnh báo cho những ai có ý định “vay nóng”.
Cuối năm, chi chít bờ tường là những mảnh giấy quảng cáo dịch vụ cho vay tiền. Ảnh: Thu Hà
Chị Bùi Thị Hồng (Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại những ngày trốn nợ. Mẹ con chị đã phải đi lánh nạn vì bọn đầu gấu liên tục đến nhà đòi nợ, quấy nhiễu.
Khi đầu gấu rầm rộ đến, cả nhà mới tá hỏa chồng chị đang nợ số tiền khoảng 80 triệu đồng của dịch vụ cho vay tiền. Bữa trước, chúng đã chặn đánh “dằn mặt” chồng chị ở khu đất gần nhà vì tội trốn nợ.
“Có hôm chúng ném mắm tôm khắp cổng ra vào. Cách một hai hôm lại đến nhà đòi nợ làm cả nhà không thể ăn ngon ngủ yên”, chị Hồng kể.
Chị mới sinh con được ít ngày, hai mẹ con chị đành về nhà ngoại tá túc để tránh mọi phiền phức. Còn chồng chị thì…biệt tăm biệt tích, điện thoại lúc nào cũng trong tình trạng “tò te tí”. Hai vợ chồng chỉ liên lạc với nhau chốc lát qua zalo, facebook.
Đi làm được bao nhiêu tiền lương, chồng chị đều “cống” cả cho bọn đầu gấu để trả nợ, để mặc vợ tự xoay sở sữa bỉm cho con.
“Giờ hai mẹ con tôi chỉ biết trông cậy vào đồng lương của chồng. Thực lòng rất giận chồng chỉ vì một phút nông nổi để có tiền tiêu xài mà gây ra nợ nần rồi không có khả năng trả nợ, làm đảo lộn cuộc sống gia đình. Số tiền nợ đó có thể cho con sữa bỉm cả năm, nghĩ mà cay kinh khủng. Nhưng chồng đang vô cùng căng thẳng nên tôi cũng không dám làm quá lên, chỉ sợ anh ấy nghĩ quẩn”, chị Hồng bộc bạch.
Sinh viên, người giàu cũng trốn chui lủi
Theo nhận định của Luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn Luật sư Hà Nội, có tới 60% đơn thư gửi tới công ty ông là của các vụ việc vay nợ cá nhân, hoặc cá nhân với các tổ chức cho vay tiêu dùng. Trong đó, sinh viên, dân văn phòng, người giàu có cũng trở thành “con nợ” của “vay nóng”.
Trường hợp của cậu sinh viên M. tại một trường Đại học tại Hà Nội khiến luật sư Long không khỏi bùi ngùi khi nhắc lại. Trong lúc khó khăn, M. đã vay nóng số tiền 10 triệu đồng của dịch vụ tài chính online. Sau này, do chưa có khả năng thanh toán nợ nần, M. bị ép viết thêm một giấy vay nợ khác.
Ai đó đã bóc giấy quảng cáo cho vay tiền đi, nhưng không xuể...
Chỉ sau một thời gian ngắn, lãi mẹ đẻ lãi con và tổng số tiền M. nợ đã “nở” ra thành 70 triệu đồng. Trước sự truy lùng ráo riết của chủ nợ, M. phải bỏ học, trốn chui lủi, đi làm thêm để có tiền trả nợ mà vẫn không xuể. Không thể chịu được áp lực, M. đã tìm tới văn phòng luật sư cầu cứu.
Luật sư Long gặp không ít trường hợp, cả hai vợ chồng đều là dân công chức công việc ổn định nhưng “rủ nhau” đi vay lãi để có vốn làm ăn. Chuyện làm ăn không suôn sẻ, họ bị xiết nhà, xiết xe, thậm chí phải bỏ việc để tránh sự truy lùng ráo riết của chủ nợ.
Theo nhận định của luật sư Minh Long, mấu chốt khiến sinh viên, dân công sở cũng như giới làm ăn rơi vào cái bẫy cho vay tiền này là do ban đầu quá tự tin có khả năng trả nợ, chỉ quan tâm đến nhu cầu vay trước mắt mà đọc kỹ các điều kiện ràng buộc, lãi, phạt bất lợi cho mình ra sao. Chính vì thế, có nhiều nạn nhân tuy đã trả được nợ gốc nhưng vẫn không thể thoát khỏi “cơn ác mộng” lãi suất.
Hãy tỉnh táo trước những mảnh giấy “alo là có tiền” dán đầy bờ tường, bởi bi kịch của những con nợ là chưa bao giờ có hồi kết.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất