Cuối năm bận tối mắt, chủ shop online "gào thét" khắp mạng xã hội làm điều này, phát bực với khách hàng hỏi cho 'vui mồm'
Tin liên quan
Thả gà ra đuổi?
Kinh doanh đồ ăn vặt, bánh trái hai năm nay, chị Bích Ngọc (Thái Bình) chưa bao giờ tưởng tượng được thảm cảnh đòi nợ ngày Tết lại kinh hoàng như năm nay.
Suốt từ đợt làm bánh trung thu, chị cho khách đổ buôn nợ hai mươi triệu đồng tiền hàng. Vốn là khách quen, họ hứa sau trung thu công ty quyết toán sẽ trả đầy đủ, nên chị Ngọc đồng ý để họ nợ tiền hàng.
Cuối năm, dân bán hàng online treo đầy status đòi nợ. Ảnh minh họa.
Vậy mà “đời chẳng như mơ”, Tết Trung thu qua một tháng, khách vẫn chây ì không trả. Và cho đến thời điểm này là Tết Nguyên đán, khách vẫn không có dấu hiệu trả tiền.
“Năm hết Tết đến, ai cũng muốn giải quyết hết nợ nần năm cũ. Tin tưởng nên mới cho khách nợ. Ai ngờ khách chây ì không chịu trả tiền. Cảm giác ức chế như đang bị bùng tiền”, chị Ngọc cho hay.
Theo chị Ngọc, buôn bán nợ nần nhau là chuyện khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu vì khó khăn hay bất cứ lý do gì thì cũng nên có lời giải thích, khất nợ và trả nợ đúng hẹn. Vì chủ shop cũng mất tiền mua nguyên liệu, mất công làm đêm hôm chứ mọi thứ không “từ trên trời rơi xuống”.
Có không ít pha đòi nợ khiến chủ shop vô cùng ấm ức. Ảnh minh họa.
Cũng trong tình cảnh đòi nợ cuối năm, chị Thùy Linh, chủ một shop online chuyên đồ xách tay đã không ít lần “lên cơn tăng xông” trên Facebook. Ngoài chuyện ăn cắp ảnh, bán phá giá, khách chat hỏi hàng chục lần, câu hỏi dài “hàng cây số” rồi “lặn mất tăm” thì khách nợ nần cũng là một vấn đề khiến chủ shop online vô cùng đau đầu.
“Mỗi khách buôn nợ một ít, tổng cộng lại mấy chục triệu, sốt ruột như ngồi trên đống lửa. Tiền cũ chưa đòi được, trong khi vẫn phải ứng thanh toán trước tiền hàng cho chuyến mới.
Tài khoản luôn trong tình trạng âm, vừa hì hục đẩy vali hàng, vừa trả lời các thể loại inbox, comment mà không ai hiểu cho. Có mối mình giúp không công mà vẫn có ý đồ nợ nần, không sòng phẳng tiền hàng. Đòi thì bị kêu quá đáng. Nhưng không đòi thì lấy đâu ra vốn. Đi buôn kiểu này khác gì thả gà ra đuổi?”, chị Linh ấm ức.
Bị hiểu lầm chỉ vì…đòi nợ
Theo các chủ shop online, việc treo status “làm căng” việc đòi nợ trên Facebook là bần cùng bất đắc dĩ. Bởi Facebook là nơi bán hàng, chuyện “thị phi”, tranh cãi sẽ khiến khách hàng cảm thấy ác cảm và làm phiền phức đến người không liên quan.
Tuy nhiên, bởi “ức không chịu được” và khi con nợ có dấu hiệu “xù tiền”, họ buộc phải lên tiếng. Vì rốt cuộc, đây cũng là đồng tiền mồ hôi nước mắt, không dễ gì có được.
Tết đến bao nhiêu khoản chi tiêu mà còn đau đầu vì đòi nợ. Ảnh minh họa.
Vậy mà cái sự đòi nợ này không ít phen khiến chủ shop lao đao vì bị mọi người hiểu lầm. Chỉ vì đăng một cái status đòi nợ, nhắc khách chuyển khoản, chị Nguyễn Thị Quỳnh, chủ một shop online chuyên bán nước mắm đã bị mọi người tưởng vợ chồng chị đang…cãi nhau.
“Suốt buổi sáng, bao nhiêu người hỏi thăm chỉ vì cái status đòi nợ. Người tưởng mình bị làm sao? Người tưởng vợ chồng mình đang cãi nhau. Chốn Facebook thật lắm thị phi”, chị Quỳnh giãi bày.
Để tránh “thảm cảnh” đòi nợ cuối năm, từ tháng 10 dương lịch, chị Nguyễn Thùy Liên, chủ shop online chuyên đồ xách tay tại Q. Tây Hồ, Hà Nội đã tuyên bố thẳng với hàng hiệu đắt tiền, khách không chuyển khoản trước là không nhận order.
“Việc làm này có thể khiến khách mất lòng khách. Nhưng mất lòng trước, được lòng sau. Những khách chuyển khoản trước là khách có thiện chí lấy hàng. Còn khách không chuyển khoản, kỳ kèo mặc cả thì…mời sang hàng khác”, chị Liên thẳng thắn.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất