Sợ gà tiêm kháng sinh, bà nội trợ U60 Hà thành tận dụng ban công nuôi gà, chim bồ câu, trồng rau xanh ĂN TẾT
Tin liên quan
Ngày nào cũng đi xin cơm nguội nuôi gà
Dẫn chúng tôi lên ban công tầng ba, bác Hồng Minh hồ hởi kể về việc làm “nông dân thành thị” của vợ chồng bác ở tuổi về hưu. Chỉ nhìn trang trại mini gồm rau xanh, chuồng gà, chuồng chim bồ câu trên ban công của vợ chồng bác Minh thôi, nhiều người cũng đã phải xuýt xoa thán phục sự khéo léo, chịu khó của hai bác.
Chuồng nuôi gà và chim bồ câu ngoài ban công của vợ chồng bác Minh.
Hiện bác Minh có 8 con gà và gần 20 chú chim bồ câu “nuôi để dành ăn Tết”. “Còn gì thuận lợi và đảm bảo sức khỏe hơn là việc mình tự sản xuất ra nông sản và rau sạch cho gia đình. Tết này nhà có gà sạch, mỗi hôm thịt một con cả nhà ăn trong bảy ngày Tết””, bác Hồng Minh vui vẻ nói.
Từ những con gà giống bé bằng nắm tay, giờ bác Minh đã có một đàn gà khoảng 1.8kg/ con.
Mấy tháng trước, thấy chồng làm chuồng nuôi chim bồ câu giống Pháp, bác Minh đã đề nghị chồng nhân tiện làm thêm mấy cái chuồng nữa để bác nuôi gà ăn Tết. Bác Minh “đầu tư” mua 10 con gà giống, mỗi con gà bé bằng nắm tay, chỉ 30.000 đồng/ con.
Chim bồ câu giống Pháp con nào cũng béo tốt, mượt mà.
Thức ăn cho gà là cơm nguội, rau cỏ dư thừa trong gia đình. Thỉnh thoảng bác cho gà ăn thêm ngô, thóc, cám cho thơm thịt. “Hồi đầu, tôi thường đi mua cơm thừa của thợ xây giá 1 – 2.000 đồng/ túi. Thấy tôi đi mua cơm, bà con hàng xóm đã gọi cho cơm nguội hàng ngày để nuôi gà”, bác Minh kể.
Cơm xin về, bác Minh cho vào rá để cho róc nước. Sau đó bác trộn cùng cơm nguội có sẵn ở nhà, rau băm nhỏ. Bằng sự chịu khó, cần mẫn, đàn gà ngày nào bé như nắm tay giờ đã lớn phổng phao, nặng chứng 1.8kg/ con. Thành quả này khiến cho cả nhà bác Minh đều rất vui, có thêm động lực chăm đàn gà.
Niềm vui của “nông dân thành thị”
Bác Minh cho biết, hiện vợ chồng bác đã về hưu. Ngoài việc đi đón cháu nhỏ thì công việc mỗi ngày của vợ chồng bác chính là chăm đàn gà khu vườn nhỏ trên ban công tầng ba.
Ngoài nuôi gà, chim bồ câu, bác còn trồng rau trong các thùng xốp. Rau cải, diếp cá, lá xương sông và một số loại rau gia vị…
Rau cải xanh mơn mởn.
Để có được khu vườn như hiện tại, công đoạn khó khăn nhất vẫn là đất trồng. Khâu này con trai bác Minh đảm nhiệm. Mỗi ngày “tha” một tải đất từ tầng một lên tầng ba là có đất trồng rau. Sau khi đã có đất, bác chuyển qua khâu gom các thùng xốp, làm đất và giống cây để trồng.
Các loại rau xanh và rau gia vị đều có trong khu vườn mini này.
Theo bác Minh, do môi trường trồng rau ở trên cao, phạm vi đất chỉ thu hẹp trong thùng xốp nên càng phải tăng cường nhổ cỏ, tưới nước, chăm bón để đất có thêm dinh dưỡng, tơi xốp. Việc nuôi gà vừa cung cấp thực phẩm vừa giúp bác tận dụng phân gà bón cho cây chóng lớn. Nhờ sự tỉ mỉ và khéo tay, gia đình bác Minh đã có bữa ăn đầu tiên với rau sạch nhà trồng.
Để giữ gìn vệ sinh và tránh bị mùi chuồng trại, vợ chồng bác Minh đã chia thành các chuồng nhỏ, làm khay, máng đựng thức ăn, nước uống và chất thải của chim, gà. Mỗi ngày, bác trai vệ sinh chuồng trại hai lần. Ban công có cửa kính đóng kín để tránh “ám mùi” vào trong nhà.
Ở khu dân cư bác Minh đang sinh sống, rất ít gia đình có khoảng không gian để trồng rau, nuôi gà như vậy. “An toàn thực phẩm luôn là mối lo ngại của nhiều gia đình, đặc biệt là dịp Tết nhất. Ai cũng muốn có gà sạch, rau sạch để ăn Tết. Cho nên có vườn rau, chuồng gà tự nuôi trồng được để nhà ăn và biếu tặng nhau là quý lắm!”, bác Minh cho hay.
Với người đã về hưu như bác, làm vườn không chỉ mang lại thực phẩm sạch cho gia đình mà còn là cách đơn giản để rèn luyện sức khỏe và đem lại sự thư thái cho tinh thần. Niềm vui của vợ chồng bác Minh là khi nhìn thấy những thùng rau xanh tốt, những chú gà lớn lên mập mạp, khỏe mạnh mỗi ngày.
Bài và ảnh: Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất