Phạt nghiêm tài xế sau khi uống rượu bia: Chị em ủng hộ, vợ nửa đêm nhận được cuộc gọi bất ngờ... đón chồng về

2020-01-06 14:30
- Người vợ kể chuyện bất ngờ khi nhận được cuộc gọi của chồng yêu cầu ra đón về.

Mấy ngày nay cư dân mạng xôn xao về chuyện phạt những người có nồng độ cồn vượt ngưỡng quy định khi điều khiển phương tiện giao thông. Nhiều ý kiến khác nhau, song đa số ý kiến vẫn là đồng ý. Nhưng những người vui mừng nhất có lẽ là chị em. Bởi, chẳng có chị em nào mong muốn chồng bù khú với bạn bè, nhậu nhẹt thường xuyên.

Chị Nga (Hà Nội) có chồng là trưởng phòng kinh doanh một công ty. Vì tính chất công việc nên anh Hải - chồng chị Nga phải thường xuyên tiếp xúc với đối tác và khách hàng. Mỗi lần như vậy là một cuộc nhậu. Có những khi nhậu 1-2 tiếng song có những lần xuyên tối đến tận 11-12h đêm. Những lần chồng say, chị Nga có thể phải đến tận nơi để lái xe và đưa chồng về. Mặc dù khuyên chồng nhiều nhưng có vẻ không thể bỏ được bởi công việc vốn dĩ đã như vậy. 

"Tôi khuyên chồng nhiều nhưng khó bỏ vì công việc phải gặp khách hàng, mà cứ gặp là nhậu nhẹt. Nay có quy định này tôi thấy chồng cũng sốt vó vì tiền phạt đủ nghiêm khắc. Tôi ủng hộ điều này, chưa nói chuyện phạt tiền khi vi phạm mà như vậy chồng cũng sẽ bớt nhậu. Nhậu nhẹt có gì tốt đẹp đâu, uống lắm hại người chưa kể hỏng hết các cơ quan gan, thận có ngày", chị Nga cho hay.

Phạt nghiêm tài xế sau khi uống rượu bia: Chị em ủng hộ, vợ nửa đêm nhận được cuộc gọi bất ngờ... đón chồng về

Cùng quan điểm như chị Nga, chị Trang bày tỏ sự đồng tình. "Tôi thấy chồng bắt đầu tiết chế bớt nhậu nhẹt mấy ngày nay. Trước đây, đồng nghiệp, bạn bè mời vài chén có thể uống nhưng mấy hôm nay thấy đã tích cực chấp hành không còn uống nữa. Hôm qua đi đám cưới, chồng tôi từ chối thẳng thừng và chỉ uống nước ngọt", chị Trang cho hay.

Theo chị Trang, rõ ràng những điều này là tốt. Thậm chí chị Trang còn mong mức xử phạt nghiêm hơn để chấm dứt cảnh ép rượu, ép bia đã tồn tại từ lâu.

"Có đi nhậu cùng chồng mới biết là cánh đàn ông hay có kiểu ép nhau uống, uống đến khi say mới thôi. Nói thật ai lại làm vậy, có gì hay ở chuyện uống cho say. Tôi ủng hộ cách này, uống nước ngọt cũng được, chứ uổng rượu chè cả ngày chẳng có gì tốt", chị Trang cho hay.

Nửa đêm... đi đón chồng

Cuối tuần vừa rồi, chồng đi họp lớp, chị Hà (Hà Nội) vẫn theo thói quen 10h tối cho con đi ngủ. Thông thường trước đây, chồng vẫn có khi cố gắng lái về hoặc đi taxi. Tuy nhiên, cuối tuần vừa rồi, chị Hà nhận được cuộc gọi của chồng. 

"Tôi đã đi ngủ rồi, chồng gọi ra đón về. Tôi thấy lạ thì ra chồng sợ bị phạt mấy chục triệu và bị tước bằng lái khi có hơi men trong người. Tôi bất ngờ nhưng vẫn vui vẻ ra dù ngoài trời mưa lạnh. Như vậy có nghĩa chồng tôi đã ý thức được trách nhiệm với bản thân cũng như cộng đồng", chị Hà nói.

Nhiều nam giới cho rằng, từ nay nếu say sẽ đi taxi, xe ôm hoặc gọi vợ ra đón về chứ không cố gắng lái vì như vậy nguy hiểm. 

"Mức phạt tiền thì đã đành, cả nhà có cái ô tô mà treo bằng lái tới tận 22 tháng  thì còn gì tác dụng nữa. Cho nên tôi sẽ chọn cách gọi vợ đưa về là hay nhất", một người lái xe nói.

 

 

Trong quy định luật Phòng chống tác hại rượu bia quy định có hiệu lực từ 1/1/2020, tất cả các phương tiện kể cả xe đạp, xe máy nồng độ cồn đều bằng 0 hết.

Nghị định 100/2019 thay thế nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.

Cụ thể, người đi xe đạp có nồng độ cồn trong máu sẽ bị phạt mức từ 400.000 - 600.000 đồng.

Đối với người đi ô tô, nếu sử dụng rượu bia mức phạt cao nhất có thể lên tới 40 triệu đồng và thu GPLX 2 năm.

Đối với xe máy trước đây cao nhất chỉ phạt 3 - 4 triệu nhưng hiện nay được nâng mức phạt lên 8 triệu và thu GPLX 2 năm.

Đông Ngân

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Tóc Tiên tiết lộ sốc về bản thân: "Cấp 3 tôi bỏ nhà đi, khi lớn hơn tôi bỏ nhà theo trai"