Oái oăm như dạy lớp có “con Vip”: Cô giáo dỗ ngọt không được, mắng cũng không xong

Thu Hà 2018-11-27 13:30
- Những đứa trẻ thuộc dạng “con Vip” quen được chiều chuộng. Khi đến trường mầm non, chúng cũng quen thói đỏng đảnh hết phần người khác. Cô giáo tha hồ “chạy” theo học sinh.

“Làm tình làm tội” cô giáo

Trong buổi biểu diễn âm nhạc tổng kết cuối năm học, bé Gạo, 4 tuổi, Hà Nội được bố mẹ đưa đến trường khá muộn. Dù là thành viên của đội văn nghệ nhưng bé không chịu đến lớp sớm để chuẩn bị theo lời cô giáo dặn.

Trong khi các bạn trong đội văn nghệ đến từ sớm, thay trang phục và đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn thì bé Gạo vẫn còn “giãy đành đạch” lên không chịu thay quần áo.

Cô giáo bế bồng, ra sức dỗ dành nhưng bé vẫn lăn ra gào khóc. Dỗ ngọt không được, cô giáo đành dùng phương án “gọi điện thoại cho người thân”. Tuy nhiên, bé vẫn không hợp tác trong khi giờ biểu diễn đã tới sát nút.

mầm non

Trẻ đến trường là để được rèn kỹ năng tự phục vụ. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng nghĩ như vậy. Ảnh minh họa.

Rất nhiều cô giáo khác khuyên nên cho bé ở nhà, không lên sân khấu nữa để tránh ảnh hưởng đến cả đội văn nghệ.

Nhưng cô giáo của Gạo thì tìm mọi cách để dỗ dành. Sau nửa tiếng, cô đành dùng “biện pháp mạnh” phạt Gạo ngồi một góc. Lúc này, bé Gạo mới nín khóc và để cô giáo chải tóc, thay trang phục cho mình.

“Ngán ngẩm kinh khủng nhưng phải làm mọi cách để bé nín và lên sân khấu biểu diễn. Không thì sẽ “có biến”, cô giáo bé Gạo nói.

Bé Gạo là con của một “sếp lớn” trong trường mầm non. Vì thế, cô giáo nào cũng phải cưng chiều bé hết nấc. Nếu hôm đó, cô giáo không dỗ cho Gạo lên sân khấu được thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Ai đã từng dạy bé Gạo đều biết tính tình bé khó chiều thế nào. Trời dù không nóng nhưng bé vẫn “ra lệnh” cô giáo bật điều hòa. Chỉ cần bé nói câu “thần chú”: “Cô ơi, con nóng” là y như rằng cô giáo phải đáp ứng.

Các bạn cùng lớp dù còn nhỏ nhưng đều nhận ra vị thế “con cưng” của bé. Có bạn còn kể: “Cô không bật điều hòa cũng không được”, “Muốn phạt bạn ấy cô cũng không thể phạt”.

Khi phụ huynh “Vip” tìm cách vạch tội cô giáo

Dạy lớp có con “Vip”, con của nhà giàu cũng là nỗi khổ của không ít cô giáo mầm non. Phương Dung, một cô giáo mầm non tại Hà Nội cho hay, chị cảm thấy vô cùng áp lực khi dạy lớp mầm non toàn con “Vip”. Bởi phụ huynh có tiền, đồng nghĩa với việc họ có quyền “săm soi” cô giáo dù chỉ là lỗi nhỏ nhất.

Có lần, con một vị vip nọ chạy trong lớp, chẳng may bé bị vấp ngã, trán nổi lên “quả ổi”. Lập tức buổi chiều hôm đó, vị vip làm um lên với nhà trường.

Lần khác, hai đứa trẻ trong lớp cấu chí lẫn nhau trong lúc giành đồ chơi. Phụ huynh đến đón thấy con có vết xước trên mặt đã nổi cơn tam bành, phản ánh với hiệu trưởng với ý đồ muốn “đuổi việc cô giáo”.

Không ít lần, cô giáo Phương Dung muốn bật khóc, bỏ việc vì quá áp lực trước những kiểu phụ huynh “hổ báo” như thế.

Cũng chung cảnh đối phó với phụ huynh “vip”, chị Phương Mai, nhân viên hành chính của một trường mầm non có mức học phí đến gần chục triệu đồng mỗi tháng khẳng định, học phí cao đi kèm với thái độ xét nét của phụ huynh.

Chị Mai nhiều lần phải xử lý tính huống phụ huynh nhà giàu chi ly từng nghìn khi đóng học phí cho con, đòi tiền ăn của con dù hôm đó con nghỉ học mà không báo cáo, rồi tìm cách “vạch tội” cô giáo mỗi khi con có vết xước dù chỉ rất nhỏ ở tay hay mặt.

Trong khi đó, trẻ con chơi với nhau rất khó để kiểm soát việc trẻ cào, cấu lẫn nhau trong lúc tranh giành đồ chơi.

“Ở trường dạy các con vào nề nếp. Nhưng khi về nhà, bố mẹ lại chiều con thái quá. Thành thử đứa trẻ vẫn không đi vào nề nếp. Khi đó, phụ huynh lại quay ra đổ tội cho cô giáo không biết cách giáo dục trẻ xứng đáng với số tiền họ bỏ ra mỗi tháng”, chị Mai nhận định.

Minh Tuấn

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Phụ nữ sở hữu 5 nốt ruồi 'vượng phu ích tử' này, thời trẻ có nghèo mấy, hậu vận cũng đủ đầy, viên mãn