Những số phận lầm lũi ẩn mình vì bệnh phong tự vun vén cho nhau dưới núi chân chim Hà Nội

2017-02-26 06:40
- Dưới chân núi chân chim - nơi mà người ta ví như một Phan-Xi-Păng của riêng Hà Nội, có người đã được tận hưởng cảm xúc của một gia đình hạnh phúc. Nhưng cũng có người đốt cháy tuổi thanh xuân lụi tàn trong trại phong vĩnh viễn.

Cái nắng tháng 2 như chiếc cốc khổng lồ chứa đầy những sợi lụa vàng đổ rải đều xuống núi chân chim - nơi mà người ta ví như một Phan-Xi-Păng của riêng Hà Nội.

Ô tô của chúng tôi rẽ vào một con dốc đường đất và đi sâu vào trong. Càng vào sâu, không gian vắng lặng không bóng người khiến người ta càng cảm thấy nơi đây thật tĩnh mịch và ảm đạm.

Dãy nhà cũ nát xập xệ từ lâu cũng chính là quê hương thứ hai của những người mắc bệnh phong.

Trại Phong Đá Bạc nằm trên địa bàn xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, một địa danh mà có thể bị rơi vào lãng quên từ lâu. Nhưng nơi đây vẫn còn gần chục cụ già bị bệnh phong đang sống tách biệt với cộng đồng.

Chúng tôi dừng xe bên cạnh dãy nhà mái bằng cũ nát được xây cũng khoảng một vài thập kỷ nay. Tất cả đều cũ kỹ và xập xệ. Đó cũng là nơi “tối lửa tắt đèn có nhau” của cộng đồng những người bệnh phong.

Một đoàn từ thiện đến hỏi thăm khiến các cụ vô cùng vui mừng và xúc động.

Thành lập từ những năm cuối của thập kỷ sáu mươi, hơn bốn mươi năm qua trại phong Đá Bạc đã có nhiều thay đổi. Có những người đã đến và đi, nhưng cũng có những con người đã gắn bó với khu trại như một căn nhà thứ hai, một quê hương thứ hai của mình.

Thấy có bóng người tới thăm, các cụ vui khôn tả. Chỉ cần nghe câu chào cụ thôi là mắt các cụ lại đỏ hoe, miệng mếu xệch thì có lẽ ai cũng hiểu các cụ thiếu thốn tình thương yêu đến mức nào.

Họ sống trong sự mặc cảm, trong sự tủi thân với đời, với những con người ngoài số phận và với cả căn bệnh phong quái ác khiến ánh nhìn của những cụ tại đây đầy lạnh lẽo, đầy đau xót nhưng vẫn ánh lên nỗi khát khao.

Có thể kể tên một số bệnh nhân phong đã gắn bó với ngôi nhà chung này từ những ngày đầu thành lập như cụ bà Trần Thị Bảy (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), cụ bà Phạm Thị Thư (Mỹ Hào, Hưng Yên), cụ bà Nguyễn Thị Len (quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và cụ bà Nguyễn Xuân Vui (Việt Long, Sóc Sơn)...

Thành viên trong đoàn tình nguyện trò chuyện với cụ Nguyễn Hữu Thọ.

Căn bệnh phong đã biến mất từ lâu nhưng di chứng của nó vẫn hằn lên trên cơ thể họ. Đó là những ngón chân bị cụt lủn, những bàn tay bị khuyết các đốt. Bệnh phong đã lấy đi của họ những bộ phận trên cơ thể khiến cho việc tái nhập cộng đồng với họ chỉ là điều mộng tưởng.

Những người bị bệnh phong chết, nếu gia đình họ không đến đón về thì chúng tôi sẽ làm lễ tang và chôn cất ở nơi chân núi kia thật cẩn thận”, cụ bà Nguyễn Thị Len chỉ tay ra ngọn núi xa xa trước mặt nói.

Ở đây người may mắn thì đã có gia đình, con cái đề huề trước khi mang bệnh. Nhưng cũng có những người đã phải chôn vùi tuổi thanh xuân của mình mãi mãi. Tuổi già của những bệnh nhân phong cũng giống như bao nhiêu người thường khác. Mang trên thân thể đầy di chứng “bạo bệnh” nhưng không khi nào họ cảm thấy mình đơn độc.

Mỗi tháng lại có một vài đoàn từ thiện đến cung cấp hỗ trợ các cụ mỗi người 15 kg gạo cùng một số đồ dùng thiết yếu như nước mắm, mỳ chính, bột canh, dầu ăn…

Hàng tháng họ cũng được Nhà nước hỗ trợ 280 ngàn đồng cho mỗi cụ song được đóng cho trạm y tế để cung cấp thuốc hàng ngày cho các cụ bị phong tại đây.

Những thân phận hẩm hiu vun vén cho nhau

Câu chuyện tình của cụ ông, cụ bà ở đây tuy không quá ngọt ngào, nhưng trong một môi trường thiếu thốn tình cảm thì tình yêu ấy trở nên quá đỗi yêu thương và mang hơi ấm da diết.

Cụ ông Nguyễn Công Thọ (89 tuổi, Hưng Yên), từng có 60 năm gắn bó với trại phong này. Cụ Thọ vào đây điều trị bệnh, sau đó quen cụ bà Nguyễn Xuân Vui (80 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội). Cụ Vui cũng vào đây điều trị bệnh từ năm 1961.

Sau một thời gian vào trại phong, hai cụ cảm thông, hợp tính nhau nên mọi người trong trại tổ chức, chứng kiến và nối duyên cho hai ông bà.

Cuộc sống cùng những người chung hoàn cảnh cũng khiến 2 cụ bớt cô đơn. Rồi hai cụ hạ sinh được 3 người con trai. Người con trai cả của hai cụ năm nay đã 53 tuổi lập nghiệp ở Bắc Ninh, hai người còn lại đang sống ở Sóc Sơn cũng gần trại phong. Hiện giờ ông bà đã có cháu chắt đuề huề.

Cụ Thọ và vợ mình trong phòng mình, mái ấm của hai cụ tại trại phong.

Tuổi già, họ cùng dựa vào nhau để vui vầy trong trại phong này. Mỗi năm, khi Tết đến, các con cháu của cụ lại vào trại đón 2 cụ về nhà ăn Tết với gia đình. Nhưng mấy năm trở lại đây, sức khỏe hai cụ già yếu nên việc đi lại có phần hạn chế. Hơn nữa, số người trong trại phong cũng chẳng còn mấy ai, vậy là hai cụ quyết tâm ở lại ăn Tết cùng mọi người trong trại cho bớt hiu quạnh.

Ngẫm về cuộc đời mình, cụ Vui ngậm ngùi: “Ngày trước, chúng tôi bị cả xã hội xa lánh, cách ly nên tủi hổ và buồn lắm. Có người không thể bước qua được dư luận mà phải tự tử. Ở đây tách biệt với khu vực bên ngoài. Nếu muốn mua gì thì phải nhờ con, cháu hoặc có người thân của những cụ khác vào, nhờ họ ra ngoài mua giúp.

Tất cả những người ở đây đều 70, 80 tuổi rồi. Con cháu cũng muốn đưa chúng tôi về nhà để tiện chăm sóc. Nhưng về nhà chắc gì đã được vui như ở đây. Thỉnh thoảng lại có đoàn người vào thăm, chúng tôi vui lắm cô ạ”.

Cuộc sống giản đơn nhưng đầy ấm áp và hạnh phúc.

Hiện nay, dù người dân không còn cái nhìn ác cảm như trước nhưng phần nào họ vẫn sợ hãi với những người mắc căn bệnh này: “Sống mãi cũng quen, trong trại này hiện giờ còn có 5 người. Phải nương tựa vào nhau để sống chứ”, ông Thọ vừa nói vừa cười nghẹn.

Mấy tháng trước, cụ Vui bị ngã gãy chân nên phải bó bột, nằm một chỗ. Vậy là cụ ông thêm phần việc, ngoài nấu cơm, dọn dẹp, cụ lại phải chăm sóc, vệ sinh cho cụ bà... Ông bị nặng tai nên mỗi lần cụ bà muốn gọi gì đều phải lấy chiếc gậy đặt ở cuối giường gõ thật mạnh xuống nền nhà để ông nghe thấy.

Nghe hai cụ tranh nhau kể chuyện với mọi người, dù tuổi đã già nhưng trên ánh mắt nụ cười ấy vẫn đượm niềm vui và hạnh phúc.

Cù Hiền

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Công Vinh chỉ đích danh CEO: 'Tôi thách chị xác minh 325 tỷ'