Những mảnh đời bấm bụng chịu đau đớn trong bạo bệnh, chung nguyện vọng được 'chôn gần nhau'
Tin liên quan
Cách Hà Nội chỉ khoảng 60 km, như PV Emdep.vn đã phản ánh, có một nhóm người sống hoàn toàn biệt lập với cộng đồng. Họ không phải người dân tộc thiểu số. Họ sống không cách xa khu dân cư nhưng cuộc sống của họ hoàn toàn bị xa lánh. Hàng ngày, họ không có người hỏi thăm, không người ghé qua ngoại trừ người thân có việc cần mới tìm đến.
Đó là cuộc sống của mười cụ ông cụ bà đang sống tại Trại phong Đá Bạc - một khu trại hoang tại Sóc Sơn, Hà Nội.
Một cụ bà bị gãy chân đang nằm điều trị tại giường.
Cụ Thọ, một cụ ông có 60 năm gắn bó tại trại phong này tâm sự: “Trước đây, khi Hà Nội và Hà Tây chưa sáp nhập thì trại phong này thuộc sự quản lý của bệnh viện Da liễu. Sau khi sáp nhập, trại phong được chuyển đi nơi khác.
Tất cả bệnh nhân bị phong đều rời khỏi đây. Nơi này trở thành vùng đất hoang. Tuy nhiên, gần 10 cụ ông, cụ bà vẫn muốn ở lại đây chỉ vì mục đích để được hương khói cho những bệnh nhân đã chết. Chúng tôi chấp nhận cuộc sống thiếu thốn khi không được trợ cấp của nhà nước”.
Đối với những cụ già, hầu như hơn nửa đời họ gắn với nơi này. Người thì gắn bó 50 năm, có cụ gắn bó đến 60 năm cuộc đời. Họ coi đó là mái ấm, là nhà của họ.
Những bệnh nhân ở lại, tất cả đều là những người cao tuổi, chân tay không còn lành lặn. Song họ cùng nhau bấm bụng chịu những trận đau đớn của bạo bệnh. Họ nắm chặt bàn tay khuyết của nhau trong mỗi lần bệnh phát tác. Họ chỉ có chung mong muốn: “Sống đã cùng nhau ở đây, giờ tuổi cao hết rồi. Tôi chỉ có một nguyện vọng chết cũng được chôn gần nhau”, cụ Liên nói trong nước mắt khi nhìn sang những cụ già ngồi xung quanh.
Với những bệnh nhân này, những ngón tay, ngón chân bị khuyết cũng không buồn bằng sự thiếu thốn của tình người, khi họ bị cả xã hội cách ly.
Chấp nhận không chuyển đi nơi khác là chấp nhận chế độ hỗ trợ của nhà nước bị cắt. Cuộc sống của họ thêm khoản khó khăn về vật chất. Mọi sinh hoạt, nhu cầu duy trì cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào những nhà hảo tâm bởi họ không còn khả năng lao động. Ngay cả những việc tự phục vụ bản thân đối với họ cũng đã là quá khó khăn.
Cụ Liên kể, tôi bị căn bệnh này cũng gần 60 năm. Khi bị phong, các ngón tay, ngón chân cứ rụng dần đi dẫn đến việc sinh hoạt cực kỳ khó khăn. Bị bệnh này, tôi chẳng còn cảm giác gì ngoài da nên nhiều lần thái rau thái vào tay cũng chẳng biết nữa. Chỉ khi máu chảy đầm đìa mới biết mình bị đứt tay.
Hoặc khi đun trong bếp, nếu có vội quá để lửa bén cháy cả ra chân cũng không biết. Vừa nói, cụ vừa giơ bàn tay trơ trọi các ngón đã rụng chỉ còn vài đốt.
Trong căn phòng xuống cấp, chẳng có thứ gì giá trị.
Kể về lịch sinh hoạt trong một ngày của mình, cụ Liên tâm sự, tuổi đã cao nên buổi tối các cụ thường đi ngủ sớm. Căn phòng tuy đã xập xệ nhưng các cụ quây quần với nhau nên cảm thấy bớt hiu quạnh phần nào.
Buổi sáng, không gian ở đây tĩnh lặng nên cụ ông, cụ bà cố gắng dậy đi lại quanh sân để rèn sức khỏe: “Từ ngày có một đoàn tình nguyện đến và tặng chúng tôi mỗi người một cái đài, ở đây bỗng nhiên vui hẳn. Chúng tôi nghe đài thường xuyên. Biết được thông tin đây đó ngoài xã hội. Qua phương tiện này, chúng tôi thấy xã hội ngoài kia còn nhiều người khổ quá. Họ còn phải chật vật kiếm miếng ăn. Nào được như chúng tôi có người hỗ trợ đã hạnh phúc”.
Và ở đâu đó, trong giọng nói và đôi mắt họ vẫn ánh lên nụ cười hạnh phúc khi họ nói đến những lần các đoàn từ thiện lên chơi, ăn cơm cùng và giao lưu.
“Có lần, có đoàn thanh niên lên đông lắm cô ạ. Họ còn ở lại, cả đêm đốt lửa nói chuyện. Vui như hội ấy. Hay như đoàn từ thiện này cũng vậy, lần nào lên mọi người cũng nấu cơm mời chúng tôi ăn, gọi là để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho chúng tôi” - cụ Liên vui vẻ cười và nói.
Cụ Liên với đôi tay bị rụng hết các đốt sau gần 60 năm mắc bệnh phong.
Sau bữa sáng, mọi người dọn dẹp nhà cửa, quét sân, hỏi thăm trò chuyện với nhau. Những công việc chẳng hề nặng nề nhưng với bàn tay, bàn chân khuyết khiến công việc khó khăn bao nhiêu.
Muốn mua rau, các cụ phải đợi có người bà con của ai đó đến thăm thì gửi tiền nhờ họ mua: “Những lần này cũng hiếm hoi lắm vì làm gì có tiền. Hầu hết chúng tôi ăn những đồ các nhà tài trợ ủng hộ đến thôi”.
Cụ Thọ với một bên chân bị cưa đang chăm sóc cụ bà trong căn phòng ẩm thấp.
Dù một bên chân đã phải đi một chiếc chân giả cao đến đầu gối, nhưng cụ Thọ vẫn nở nụ cười vui vẻ nói với chúng tôi: “Sống đến được tuổi này rồi, chỉ mong một điều ông trời đừng bắt ốm đau thêm nữa. Nếu có chết, đêm ngủ sáng hôm sau lặng lẽ mà ra đi. Ở cái tuổi này, lại thêm cái chân cụt, lo thân còn khó, nói gì lo ai”, vừa nói, cụ vừa cầm chiếc gậy gõ xuống ống chân kêu lốc cốc, khô đanh.
Cù Hiền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất