Những số phận già nua trơ trọi với bệnh tật và cuộc sống ảm đạm nơi trại phong

2017-03-01 06:30
- Dù trại phong đã trở thành mái nhà nhưng dưới mái nhà này còn biết bao số phận già nua đang hàng ngày lầm lũi trơ trọi đối diện với giông bão, bệnh tật và sự kỳ thị, kinh sợ của mọi người.

19 tuổi, ở cái tuổi xuân thì đẹp nhất đời con gái, người ta ước ao bao nỗi niềm và mái ấm hạnh phúc thì cụ Liên (SN 1936), quê ở Phù Đổng, Gia Lâm phải vào trại điều trị bệnh phong - một căn bệnh quái đản khiến cả xã hội đều kinh sợ.

Cũng trong năm đó, để điều trị bệnh, người ta chuyển cụ Liên đi các trại phong ở khắp nơi. Khi thì ở Bắc Ninh, lúc chuyển về Nghệ An, sau này chuyển về Xuân Mai. Đến năm 1980 cụ mới được nhà nước chuyển về trại này và ổn định ở đây.

Những con người bị bệnh phong cướp mất tuổi thanh xuân

Những dãy nhà xuống cấp đã lâu không được trùng tu.

Kể về nỗi nghiệt ngã của đời mình, dù đang đeo kính nhưng cụ không giấu được đôi mắt đang ngân ngấn nước: “Bố mẹ tôi mất năm tôi lên 9 tuổi. Đó là năm 1945, cả nước đang đối mặt với nạn đói và họ thoát được năm ấy nhưng sang năm 1946, dịch bệnh hoành hành khiến hai người không qua khỏi. Chỉ trong vòng 6 ngày, cả bố và mẹ tôi đều ra đi”.

Mất bố mẹ nhưng nỗi đau chưa chịu buông tha cho cụ. Sang năm 1947, người em gái duy nhất của cụ cũng không thoát khỏi cơn bạo bệnh, ốm đau và lại bỏ cụ đi. Vậy là cuộc đời còn cụ trơ lại đối diện với giông bão, bệnh tật.

Những con người bị bệnh phong cướp mất tuổi thanh xuân

Cụ Liên đang bị đau chân.

Bố mẹ, em gái mất hết, cụ một mình đi điều trị phong. Có giai đoạn cụ được chuyển lên bệnh viện tại Hà Bắc. Năm ấy cụ khoảng ngoài 20 tuổi.

Tại đây, mọi người tổ chức phong trào khuyến khích, động viên những người chưa lập gia đình kết hôn với những người cùng hoàn cảnh: “Nghe lời động viên của mọi người, nghĩ lại mình cũng có tuổi rồi nên tôi chấp nhận lấy chồng. Mình là phụ nữ, những lúc đau yếu cũng cần có người giúp đỡ bên cạnh. Lúc ốm đau chẳng ai chăm sóc. Vậy là tôi nhận lời về góp gạo nấu cơm chung với cụ Chiến, một bệnh nhân nam đang điều trị bệnh phong, hơn tôi 5 tuổi”.

Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, hai cụ nương tựa lẫn nhau rất thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Hạnh phúc càng nhân đôi khi cưới nhau không lâu, cụ Liên hạ sinh được một người con trai.

Nhưng ngay từ khi con trai cụ lên 7 tuổi, hai cụ đã cho anh đi làm con nuôi của một gia đình cách trại phong ở Sóc Sơn không xa. May mắn thay con trai cụ không bị bệnh tật gì: “Hiện giờ con trai tôi đã có 2 cháu chừng 13 tuổi, 14 tuổi. Thỉnh thoảng chúng lại vào thăm tôi ở trong này nên cũng vơi bớt nỗi buồn”.

"Ở đây còn có những người cùng cảnh ngộ hàn huyên, tâm sự”

Tại sân chung của trại, hình ảnh cụ Thực đang ngồi lủi thủi ở gốc nhãn một mình cứ ám ảnh tôi. Qua trò chuyện mới biết, cụ Thực (80 tuổi, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cũng là một người phụ nữ đốt cháy tuổi thanh xuân của mình trong trại phong.

Cụ vào đây từ những năm 1970, khi ấy, bệnh viện phong có trụ sở ở Sóc Sơn, Hà Nội. Trước đây, trại phong này thuộc sự quản lý của bệnh viện Da liễu Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi Hà Tây sáp nhập vào thành phố Hà Nội thì cơ sở trại phong được di dời sang địa bàn Hà Tây để hoạt động.

Kể từ đó, nơi đây đã không còn được trùng tu, tôn tạo về cơ sở vật chất cũng như không còn bóng dáng của một y, bác sĩ nào nữa.

Những con người bị bệnh phong cướp mất tuổi thanh xuân

Cụ Thực (thứ 2 từ trái qua) cùng các cụ khác nhận đồ từ thiện.

Cụ Thực và một số cụ đang sống ở đây, họ đều từ bỏ cơ hội được đến trại phong mới tại Hà Tây để mỗi ngày được chăm sóc để gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh ra, được gần các con cháu. Thế nhưng, sự mạo hiểm ở lại này đã đẩy các cụ vào tình cảnh khốn đốn, thiếu thốn đủ bề.

Thời con gái, do căn bệnh phong được phát hiện sớm nên cụ Thực đã chôn vùi tuổi xuân ở trại phong. “Vào đây, tôi gặp ông và thấy ông hiền lành nên hai ông bà báo cáo với các thành viên trong trại chứng kiến để hai người về ở với nhau, chứ không cưới xin gì cả”, cụ thì thầm kể.

Cưới nhau được vài năm, cụ ông mất, bỏ lại cụ Thực lủi thủi một mình. Từ đó, cuộc sống ảm đạm cứ như vậy trôi đi hết ngày này đến ngày khác.

"Thời kỳ ông bà cùng sống với nhau cũng sinh được con. May thay, con của ông bà cũng lành lặn và đã lấy vợ gả chồng. Tuy nhiên, bà chẳng bao giờ nghĩ đến việc sẽ trở về với các con bởi về nhà con cháu xa lánh khiến bà tủi thân lắm. Bà cứ ở đây thôi. Ở đây còn có những người cùng cảnh ngộ như bà mà hàn huyên, tâm sự”, cụ Thực nói.

Rời trại phong lúc chiều tà, khi mặt trời đang dần khuất phía sau chân núi. Nơi này càng trở nên ảm đạm, heo hút hơn. Dù tiếng đài cassette được các cụ đang bật có phá vỡ phần nào không gian tĩnh mịch nơi đây nhưng cảnh vật chốn hoang dại vẫn tĩnh mịch đến vô cùng.

Cù Hiền

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bạn đã biết mẹo bôi kem chống nắng đúng cách chưa?