Người bán hàng rong ở Sài Gòn nói gì về đề xuất cho thuê vỉa hè với giá 100 nghìn đồng mỗi m2?

2017-06-08 09:24
- Sau "chiến dịch" giành lại vỉa hè cách đây vài tháng, Sở GTVT TP. HCM đã đề xuất cho người dân buôn bán thuê lại vỉa hè để thu phí. Mức phí cho thuê cao nhất là 100.000 đồng/m2/tháng tại vỉa hè quận 1 đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Vừa qua, Sở Giao thông Vận Tải TP. HCM vừa có văn bản xin ý kiến các sở ngành về dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.  

Theo đó, mức thu phí sau khi cho phép sử dụng một phần vỉa hè cao nhất là ở quận 1 với giá 100.000 đồng/m2/tháng. 

Bên cạnh đó, quận 3 sẽ là 80.000 đồng/m2/tháng, quận 5 là 50.000 đồng/m2/tháng, quận 4 và quận Bình Thạnh là 30.000 đồng/m2/tháng, quận 6 và Tân Bình là 25.000 đồng/m2/tháng, quận 10 là 45.000 đồng/m2/tháng, quận 11 là 35.000 đồng/m2/tháng, quận Phú Nhuận là 40.000 đồng/m2/tháng. 

Lực lượng đô thị kiểm tra xử phạt một đơn vị để xe lấn chiếm vỉa hè trong đợt "chiến dịch" giành lại vỉa hè. 

Về mức thu phí đậu xe lòng đường, dự kiến cho phép đậu xe ô tô dưới lòng đường cao nhất ở khu vực 1 (các quận trung tâm) là 50.000 đồng đối với loại xe trên 10 chỗ vào ban đêm và mức phí 25.000 đồng vào ban ngày. 

Đối với các khu vực còn lại là 20.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 40.000 đồng/xe/lượt ban đêm. 

Buôn bán lời chưa tới trăm nghìn/ngày, tiền đâu mà đóng? 

Theo Sở GTVT, mục đích cho thuê lại vỉa hè để có cơ sở quản lý tốt hơn, chấn chỉnh lại trật tự vỉa hè và lòng đường. Tuy nhiên, nhiều người dân lại có những ý kiến trái chiều khi đề cập về mức phí phải trả khi sử dụng vỉa hè. 

Cô Hằng bán cơm ở vỉa hè đường Lê Lai. 

Đặc biệt ở khu vực quận 1, quận trung tâm của Sài Gòn được đề xuất thu phí vỉa hè cao nhất là 100.000 đồng/m2/tháng nên khiến không ít người lo lắng. Theo người dân, họ bất ngờ vì lâu nay tự ý bán trên vỉa hè không hề nghĩ đến chuyện bị thu phí, đột nhiên sắp tới lại có cơ quan chức năng thu phí.  

Cô Trần Thị Hằng (48 tuổi, đường Lê Lai, quận 1) chia sẻ: "Tôi bán cơm vào buổi sáng trên vỉa hè nhưng hôm bán được hôm thì ế. Khi nghe thu phí vỉa hè ở quận 1 là 100.000 đồng/m2/tháng tôi thấy cao quá vì buôn bán cũng không được suôn sẻ. Tôi đồng tình với chủ trương cho thuê lại vỉa hè nhưng mức thu phí cần giảm giá xuống để người dân mưu sinh". 

Theo cô Hằng, cô buôn bán ở vỉa hè cũng được hơn 20 năm từ thời mẹ của mình, giờ cô lại nối nghề. Sáng sớm dọn ra vỉa hè, gần trưa thì nghỉ và diện tích sử dụng chừng 3m2 vỉa hè. 

Cô Việt cho rằng buôn bán vỉa hè toàn những người nghèo khó, thu nhập vài chục nghìn thì không đủ tiền đóng phí vỉa hè. 

Còn cô Việt (bán thuốc lá, card điện thoại) cho biết, ngồi bán cả ngày ngoài vỉa hè cũng lời vài chục nghìn nên nhận xét phương án thu phí vỉa hè là không hợp lý. Theo lời cô Việt, vị trí ngồi bán trên vỉa hè của mình chiếm khoảng hơn 1m2, nhưng thường bị cơ quan chức năng đến nhắc nhở.  

"Tôi không đồng ý thu phí vỉa hè 100.000 đồng/m2/tháng vì buôn bán lời chưa tới trăm nghìn/ngày thì lấy đâu ra mà trả. Bây giờ tôi cũng không biết sao nữa, tới đâu hay tới đó", cô Việt nói. 

Ngoài ra, sau "chiến dịch" dẹp vỉa hè, một số người dân trả lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng sắp tới Sở GTVT lại đề xuất cho thuê lại vỉa hè thì không hợp lý. Theo người dân, vỉa hè là của người đi bộ nhưng sao lại cho thuê.  

bán hàng rong ở Sài Gòn

Trên địa quận 1 hiện đang có rất nhiều người mưu sinh nhờ vỉa hè. Trong ảnh là bác Nga bán bánh tráng kẹo trên đường Nguyễn Trãi. 

Thà trả phí cao còn hơn phạm luật lấn chiếm vỉa hè 

Nhiều chủ quán cafe, tạp hoá, tiệm bánh mì,... đều đồng tình trả phí sử dụng vỉa hè vì không còn cách nào khác. Một chủ cửa hàng cafe trên đường Trần Quang Khải (quận 1) cho biết, quán cafe thường tận dụng diện tích vỉa hè phía trước (bằng chiều ngang của quán) để đậu xe nên ủng hộ chủ trương này của cơ quan chức năng.  

Theo chủ quán cafe, vỉa hè là nơi "hái" ra tiền nên tận dụng một phần để buôn bán vì người đi bộ cũng không thể đi hết được cả vỉa hè rộng.  

Anh Hải rất ủng hộ việc cho thuê lại vỉa hè để người dân nghèo mưu sinh. 

Còn anh Hải (xe ôm ở quận 1) chia sẻ, người thân của anh cũng buôn bán bánh mì ngoài vỉa hè nên rất hiểu nỗi nhọc nhằn của người dân "bám" vỉa hè mưu sinh. Do công việc buôn bán của người nhà anh khá thuận lợi nhờ vỉa hè nên anh ủng hộ việc thu phí. 

Anh Hải còn cho biết, vỉa hè của người đi bộ nhưng cũng phải nghĩ đến người dân buôn bán lâu năm ở vỉa hè vì nhờ nơi này họ mới nuôi được con cái lớn khôn. 

"Tôi thấy thu phí như vậy là hợp lý, thà thu phí còn hơn để trật tự đuổi vì lấn chiếm vỉa hè. 100.000 đồng/m2/tháng, nếu sử dụng nhiều thì trả phí nhiều thì lúc đó buộc mình phải cố gắng làm ăn hơn. Người thân tôi bán bánh mì ở đường Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1) cũng lời 200.000 - 300.000 đồng/ngày nên có thể đủ để trả phí vỉa hè", anh Hải cho hay. 

Cô Hạnh cũng ủng hộ thu phí vỉa hè khi biết được chủ trương cho thuê lại vỉa hè. 

Tại đường Cống Quỳnh (quận 1), cô Lê Thị Mỹ Hạnh (55 tuổi) cũng chọn vỉa hè làm nơi sửa khoá mưu sinh mấy chục năm nay và rất mừng khi nghe đề xuất cho người dân thuê vỉa hè. 

Cô Hạnh còn mong muốn sau khi thuê được vài mét vuông vỉa hè, cô sẽ được che ô dù tránh nắng mưa vì trước đó hay bị trật tự đô thị nhắc nhở, không cho che ô dù lấn chiếm vỉa hè.  

Theo Tứ Quý/Trí Thức Trẻ

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Tuyệt chiêu bảo vệ thiết bị điện trong nhà vào mùa mưa