Ngày rằm tháng Giêng: Các quán chay phục vụ thực khách hết công suất, thu nhập 15 triệu/ngày
Tin liên quan
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 10/2 (tức 14 tháng Giêng âm lịch), các quán chay ở phố chùa Láng, Thái Hà hôm nay đã rất đông đúc khách tới ăn chay.
Mới 10h sáng, tại quán chay A.P - một quán chay trên phố Thái Hà, Hà Nội, nhân viên của quán đã liên tục bận rộn vì phải phục vụ thực khách. Nhiều nhân viên khác chuẩn bị đồ chay và nhận được nhiều cuộc điện thoại đặt chỗ trước của các khách hàng.
Anh Thành, nhân viên của quán chay này cho biết: “Cứ đến những ngày rằm tháng Giêng và sát rằm như này, quán nhà mình rất đông khách đến ăn. Lượng khách đến quán những ngày cận rằm và rằm tháng Giêng tăng gấp 4-5 lần bình thường. So với năm ngoái lượng khách năm nay tăng khoảng 20%”.
Các quán chay ngày cận rằm và rằm luôn "chật cứng" chỗ.
Cũng theo người nhân viên này: “Dù hôm nay mới ngày 14 tháng Giêng chưa phải là ngày chính rằm nhưng quán đã nhiều lúc cháy chỗ. Nhất là buổi trưa và chiều tối, khách tới ăn chay đông nên nhiều lúc bọn mình phải từ chối không nhận khách để khách kịp quay đi ăn quán khác”.
Chị Nguyễn Lan Phương, chủ quán chay A.P ở Thái Hà, Hà Nội cũng chia sẻ: “Bình thường 1 ngày quán có vài chục khách ăn. Nhưng những ngày cận rằm và rằm tháng Giêng, khách lên đến hơn 200 người/ngày. Nhất là tầm 11h đến 14h trưa ngày rằm, quán lúc nào cũng kín chỗ, khách phải ngồi cả ra vỉa hè”.
Các nhân viên của quán chay ngày này phải hoạt động hết công suất từ 5h sáng đến 12h đêm.
Theo bà chủ quán chay này, khách hàng đến quán ăn chay ngày rằm chủ yếu là chị em văn phòng, các bác lớn tuổi. Những người này, họ ăn chay không chỉ vì mục đích tâm linh, tránh sát sinh, nuôi dưỡng tâm từ bi mà còn để phòng chống bệnh tật, giữ gìn vóc dáng, kéo dài tuổi thọ.
Chị Lan Phương cũng cho biết thêm: “Để phục vụ được cho lượng khách tới quán đông đúc những ngày này, trước rằm tháng Giêng khoảng 1 tuần, quán mình đã phải thuê nhân viên thời vụ, huy động người thân, bạn bè đến làm giúp. Hiện quán có 10 người phục vụ, họ làm việc từ 5h sáng đến 12h đêm”.
Những khách ăn chay cũng rất thích những món ăn chay chế biến từ nguyên liệu tự nhiên chứ không thích đồ chay đóng hộp.
Người kinh doanh quán chay này cũng chia sẻ thêm, hiện nay không chỉ có Phật tử mới có thói quen ăn chay, mà nhiều người Hà thành đang xây dựng cho mình một thói quen ẩm thực lành mạnh.
Bởi vì nhiều người ăn chay vì lợi ích cho sức khỏe. Những khách ăn chay cũng rất thích những món ăn chay chế biến từ nguyên liệu tự nhiên chứ không thích đồ chay đóng hộp.
Khách ăn chay là những người có tâm hướng thiện và rất lịch sự so với khách ở các quán ăn bình thường khác.
Chị chủ quán này cho biết niềm vui lớn nhất khi kinh doanh quán chay là luôn cảm thấy tâm mình bình an: “Giúp mọi người có bữa ăn ngon, giàu dinh dưỡng, tránh sát sinh, tích đức là mình đã rất vui rồi. Hơn nữa, khách ăn chay cũng là những người có tâm hướng thiện và rất lịch sự so với khách ở các quán ăn bình thường khác”.
Vì lượng khách đến ăn chay ngày rằm tháng Giêng quá đông, nên hiện các quán chay cũng gặp một số khó khăn nhất định: “Lượng khách ăn chay vào ngày rằm đông gấp 3-4 lần ngày thường nên quán hay bị quá tải. Thêm vào đó, các món chay của quán phải được làm đa dạng hơn, làm từ nhiều loại nguyên liệu hơn và thời gian chế biến lâu hơn nên cần nhiều nhân viên. Do đó, chi phí trả lương nhân viên ngày này cũng khá cao, nhất là thuê nhân viên gấp nhiều khi cũng không thuê được”.
Tuy nhiên, vào những ngày cận rằm và các rằm lớn như rằm tháng Giêng, những quán chay trên phố thường có thu nhập khủng dù đã trừ hết chi phí: “Thu nhập của quán những ngày cận rằm và rằm tháng Giêng sau khi trừ các chi phí cho thu nhập khoảng từ 8-15 triệu đồng/ngày”.
Thảo Nguyên
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất