Nấu xôi chè cúng: Lương thợ chính 15 triệu/tháng, “ship” xôi sang Mỹ và nỗi niềm đêm khuya ít ai thấu
Tin liên quan
“Ship” xôi sang Mỹ và những cú điện thoại “nhớ đời
“Em muốn mua xôi mang qua Mỹ thì làm thế nào?”, câu hỏi của một vị khách hàng nữ khiến anh Trần Ngọc Tú, chủ cửa hàng xôi chè Tuyết Lan (TP.HCM) được một phen “toát mồ hôi hột”.
Hơn 10 năm làm nghề nấu xôi chè từ nghề gia truyền của mẹ đẻ truyền lại, anh Tú chưa bao giờ gặp lời đề nghị nào “oái oăm” như thế.
Anh Trần Ngọc Tú, chủ cửa hàng xôi chè Tuyết Lan nổi tiếng tại TP. HCM.
Bởi thời gian bay sang Mỹ tới 20 tiếng đồng hồ, xôi sẽ khó giữ được dẻo thơm như khi vừa nấu xong. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Tú đã “ship xôi nửa vòng trái đất” bằng cách nấu xôi, đóng nước cốt vào hộp để khách có thể đem theo lên máy bay, đến Mỹ thì hâm lại cho nóng là có thể thưởng thức.
Có một kỷ niệm đáng yêu khác khiến anh Tú nhớ mãi. Cách đây hơn một tháng, anh Tú giao xôi chè, 2 con gà tại Quận 10 cho một gia đình cúng lễ thôi nôi. Sau khi cúng xong, người khách đó đã mang xôi chè, gà lên cơ quan mời mọi người cùng ăn. Ăn được nửa buổi, chị khách gọi điện bảo: “Em ơi, chị không thể hoãn lại cái sự sung sướng này. Em có thể cho chị thêm mấy con gà và xôi chè nữa được không?”.
Bày xôi chè, gà, lợn, hoa quả cúng thôi nôi tại một gia đình.
“Cú điện thoại đáng yêu không thể cưỡng nổi, thế nhưng tôi buộc xin lỗi khách vì gà phải chuẩn bị từ trước, không phải là gà đông lạnh hay luộc sẵn, xôi chè cũng phải nấu cẩn thận, đều là hàng đặt, không thể có luôn và ngay được. Tôi đành hẹn chị ấy lần sau sẽ phục vụ đầy đủ xôi chè, gà hơn. Điều hạnh phúc nhất là đợt Tết vừa rồi, chị ấy đã đặt nhiều xôi, gà cúng Tết”, anh Ngọc Tú vui vẻ kể lại.
Một vị khách hàng nữ khác quê gốc ở miền Bắc, lấy chồng miền Nam làm việc ở sân bay từng tâm sự với anh Tú rằng cô chỉ thèm xôi, gà nhà anh. Nếu thích ăn vịt thì cô phải đi thật xa mới được ăn vịt đúng vị. Bởi theo cô, tìm đúng địa chỉ nấu món ăn vị Bắc cũng là một cách để thỏa nỗi nhớ quê hương.
Thường khách đi khách nhớ nhà hàng. Nhưng ở đây nhà hàng nhớ khách. Chỉ cần khách quen nói địa chỉ ở đâu là anh Tú có thể nhớ ra khách từng mua gì ở cửa hàng của anh.
Góc khuất lúc đêm khuya của người thợ nấu xôi
Theo anh Tú nhận định, nghề nấu xôi chè là một nghề có thu nhập ổn định bởi ngày nay, xôi chè đã xuất hiện nhiều cả thành thị, các thành phố lớn. Rất nhiều người thích món xôi chè này, thậm chí có cả những con phố xôi chè ngon trên bản đồ ẩm thực của dân sành ăn.
Hiện cơ sở xôi chè của anh Tú có hai thợ nấu xôi chè chính, lương khoảng 15 triệu đồng một tháng. Còn người thợ phụ vào khuôn lương 7 – 8 triệu đồng, bằng lương của một nhân viên văn phòng có bằng cấp. Thời gian làm việc từ 2h – 9h sáng. Sau đó họ có thể ra về, nghỉ ngơi.
Thu nhập của người thợ chính làm xôi chè có thể gấp đôi một nhân viên văn phòng có bằng cấp.
“Cái khó khăn nhất của công việc làm xôi chè là phải làm việc vào ban đêm – thời điểm mọi người mệt mỏi, thèm ngủ nhất. Những ngày cao điểm như rằm, mùng 1, lễ Tết, cường độ làm việc càng nhiều bởi lượng đơn hàng rất đông. Để không bị chồng chéo công việc, mọi khâu phải được chuẩn bị sẵn, các bộ phận phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Chỉ vất vả nhất là nấu đồ ăn trong lúc thèm ngủ, lại phải thường xuyên để ý. Nếu chỉ sai một chút là có thể hỏng cả nồi xôi chè, sáng sớm không có gì giao cho khách. Một khó khăn nữa là phải giao hàng đúng giờ để khách cúng trong tình cảnh kẹt xe.
Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm đây là nghề gia truyền, là tâm huyết của mẹ, là công việc nuôi sống cả gia đình nên dù vất vả, khó khăn thế nào tôi vẫn muốn gìn giữ, phát triển nó. Bí quyết thành công là ba tiêu chí: sạch sẽ, đặt cái tâm của mình vào món ăn và giữ đúng lời hứa với khách hàng”, anh Tú bộc bạch.
Thu Hà (Ảnh: NVCC)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất