Người trụ trì 20 năm kiên quyết “biến tiền vàng mã thành tiền thật” khuyến khích người làm vàng mã nên đổi nghề

Thu Hà 2018-02-28 06:30
- 20 năm nay, Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (TP.HCM) kiên quyết “nói không” với việc đốt vàng mã tại nhà chùa. Thầy chủ trương sử dụng tiền mua vàng mã thành tiền thật để ủng hộ bà con nghèo khó.

“Có người đem tro cốt người thân sang chùa khác thờ”

Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa đã dành cho PV Em Đẹp một cuộc phỏng vấn ngay trước khi thầy lên máy bay trở về TP. HCM xoay quanh chủ đề loại trừ đốt vàng mã khi cúng lễ.

Dù bận rộn nhưng Thượng tọa vẫn chia sẻ nhiều điều thầy tâm huyết trong suốt hai mươi năm thực hiện nói không với đốt vàng mã ngay tại ngôi chùa thầy trụ trì. 

Người trụ trì 20 năm kiên quyết “biến tiền vàng mã thành tiền thật” khuyến khích người làm vàng mã nên đổi nghề

Thượng tọa Thích Duy Trấn trong một buổi giảng pháp tại Thái Bình. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Tại TP. HCM, chùa Liên Hoa là một ngôi chùa đặc biệt bởi nơi đây nói không với việc đốt vàng mã. Thượng tọa Thích Duy Trấn đã thực hiện chủ trương này từ năm 1998, sau một chuyến đi từ thiện giúp đồng bào Thừa Thiên Huế bị lũ lụt. Đến ngôi trường trong vùng lũ, hình ảnh khiến Thượng tọa Thích Duy Trấn day dứt nhất là sách vở học tập của các em học sinh bị ố vàng còn hơn cả những tờ vàng mã mọi người mang đến chùa để đốt.

Từ hình ảnh đó, năm 1998, Thượng tọa chính thức ra phát động việc không đốt vàng mã tại nhà chùa. Một tấm bảng đen được treo lên với nội dung: "Các phật tử khi vào chùa cúng vong linh, xin miễn đốt giấy tiền, vàng mã, để lấy số tiền chuẩn bị đốt chuyển thành tiền thật, cứu giúp bà con nghèo và học sinh vùng sâu, vùng xa". Theo đó, thầy cho dỡ bỏ lễ hóa vàng trong chùa Liên Hoa.

“Khi thầy thông báo không đốt vàng mã, có người ủng hộ, có người không ủng hộ. Có người đã đem tro cốt người thân về nhà, sang chùa khác để thờ. Thầy cũng vui vẻ thôi, việc đó là tùy duyên. Cuối năm 1998, tổng số tiết kiệm được từ việc không đốt vàng mã là 9 triệu đồng. Thầy mua 300 phần quà đi phát quà cho bà con nghèo tại Thừa Thiên Huế, có cả quay phim đi cùng. Người được phát quà, người phát quà vui lắm”, Thượng tọa Thích Duy Trấn nhớ lại.

Người trụ trì 20 năm kiên quyết “biến tiền vàng mã thành tiền thật” khuyến khích người làm vàng mã nên đổi nghề

Thượng Tọa Thích Duy Trấn trao học bổng cho trẻ em hiếu học. Đây là số tiền tiết kiệm từ việc không đốt giấy tiền vàng mã. Ảnh: Website Quận 11. TP.HCM

Điều khiến Thượng tọa mừng nhất là có những người không ủng hộ đốt vàng mã đã suy nghĩ lại, lại quay về với nhà chùa và cùng thầy thực hiện chủ trương loại bỏ đốt vàng mã, dùng tiền đốt vàng mã ủng hộ người nghèo.

20 năm nay, nhờ kiên quyết biến tiền vàng mã biến thành tiền thật, giúp nhiều người được đi học, nhiều Phật tử đã giác ngộ chủ trương của Thượng tọa là đúng đắn.

“Dân mình còn nghèo, vàng mã là giấy nhưng cũng phải mua bằng tiền”

“Đất nước mình còn nghèo, đốt vàng mã như vậy thì tốn kém lắm. Vàng mã là giấy nhưng cũng phải mua bằng tiền mới có được. Đốt vàng mã tốn kém, mà chưa chắc người thân quá cố đã nhận được, chưa kể gây khói bụi cho môi trường và nguy cơ hỏa hoạn.

Vì thế, thầy mong 93 triệu người dân Việt ủng hộ chủ trương loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự cũng như lễ tại gia tiên. Thay vì đốt vàng mã cho người quá cố, người dân cùng nhau dùng tiền đó giúp đỡ cho người nghèo. Đó là hành động người thật việc thật,”, Thượng tọa Thích Duy Trấn phân tích.

Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, việc loại bỏ đốt vàng mã khi cúng lễ sẽ có những khó khăn nhất định, không thể thực hiện trong một sớm một chiều bởi đây là thói quen đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức của người dân.

Người trụ trì 20 năm kiên quyết “biến tiền vàng mã thành tiền thật” khuyến khích người làm vàng mã nên đổi nghề

"Ban đầu sẽ khó khăn do người dân chưa quen nhưng sau sẽ đi vào nề nếp. Cũng giống như khi mới có luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm, những người đi ăn tiệc không muốn đội mũ vì sợ làm hỏng tóc. Nhưng sau này, đội mũ bảo hiểm đi vào nề nếp, trở thành thói quen khi ra đường. Rồi tương tự, luật cấm đốt pháo ban đầu cũng khó khăn nhưng sau đó toàn dân chấp hành vì nhận thức được lợi ích đúng đắn của nó", Thượng tọa nhận định.

Ba tháng đầu khuyến khích, sau nên cấm tuyệt đối

“Thực tế cũng nên cấm đốt vàng mã. Ba tháng đầu, ta nên khuyến khích, các đền thờ, nơi cúng viếng nên thực hiện trước để khuyến khích người dân. Sau đó đến tổ dân phố. Sau tháng khuyến khích thì thực hiện cấm tuyệt đối. Thậm chí cúng lễ gia tiên cũng nên loại bỏ đốt vàng mã.

Tôi cũng khuyến khích người làm vàng mã nên đổi nghề. Trong kinh điển Đức Phật, không có chi tiết nào nói về đốt vàng mã mà chỉ có tụng kinh niệm Phật để hồi hướng cho người quá cố mà thôi. Thậm chí mình không có tiền, mình chỉ tụng kinh niệm Phật, người quá cố cũng nhận được tấm lòng thành.”, Thượng tọa Thích Duy Trấn nói.

Người trụ trì 20 năm kiên quyết “biến tiền vàng mã thành tiền thật” khuyến khích người làm vàng mã nên đổi nghề

Theo phản ánh của người dân mà chúng tôi ghi nhận được, sau công văn loại trừ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, có chùa ở ngoài miền Bắc đã vận động Phật tử để vàng mã lại nhà chùa sau khi lễ, nhà chùa sẽ bố trí “đốt giúp” để tránh bị quá tải đốt vàng mã.

Tuy nhiên, theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, việc này là không nên. Vì nếu làm như vậy thì sẽ “tiếp tay” cho việc đốt vàng mã. Đã loại trừ đốt vàng mã thì cần thực hiện từ mũi Cà Mau cho đến Hà Giang thì mới đúng!

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những màn giảm cân ngoạn mục nhất Vbiz: Tất cả đều 'lên hương' nhưng xuất sắc nhất là nhân vật này!