Khâm phục bà nội trợ U60 chi tiêu cả cái Tết chỉ hết 6-7 triệu giữa thời "bão giá"

Thu Hà 2018-01-16 18:40
- Bằng kinh nghiệm và sự vun vén khéo léo của mình, không ít bà nội trợ U60 tại Hà thành đã có thể chi tiêu Tết tiết kiệm chỉ hết 6 - 7 triệu đồng cả cái Tết.

Tết nguyên đán luôn được mặc định là dịp tốn kém tiền bạc nhất trong năm. Bởi đụng đến cái gì cũng tiền, bước chân ra khỏi cửa là…tiêu tiền, trong khi mọi mặt hàng đều thi nhau tăng giá.

Thậm chí, đã có không ít bà nội trợ phải thốt lên cảm giác cả năm làm lụng, tích cóp chỉ để tiêu hết trong ba ngày Tết. Biết là quá lãng phí nhưng hầu như ai cũng phóng tay chi tiêu trong dịp Tết chỉ vì một cái tặc lưỡi “Tết mà!”.

Tuy nhiên, bác Nguyễn Thị Lý (51 tuổi, Q. Hà Đông, Hà Nội) lại cho rằng Tết giờ cũng không khác ngày thường là mấy. Thay vì nấu nướng ê hề, nên thiết kế một cái Tết đơn giản để cả gia đình được nghỉ ngơi sau một năm làm việc.

Khâm phục bà nội trợ U60 Hà thành chi tiêu tiết kiệm cả cái Tết chỉ hết 6 – 7 triệu giữa thời bão giá

Bác Nguyễn Thị Lý chi tiêu Tết gói gọn trong 7 triệu đồng bằng sự vun vén khéo léo của mình. Ảnh: Thu Hà

“Bữa cơm ngày thường giờ cũng ngon như ngày Tết. Quần áo ngày thường giờ cũng đẹp, không giống như ngày xưa. Ai cũng mong đến Tết để có quần áo mới, thức ăn ngon. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm cả cái Tết. Không nên lãng phí tiêu pha bởi còn phải sống cả tháng giêng nữa”, bác Lý chia sẻ.

Chính vì làm Tết đơn giản nên chi phí cho một cái Tết của gia đình bác Lý không hề lớn. Gói gọn cả cái Tết chỉ hết khoảng 6 – 7 triệu đồng. Dưới đây là một số mẹo chi tiêu bác Lý đã thực hiện trong mấy mùa Tết gần đây chỉ với số tiền khoảng 6 – 7 triệu đồng. Số tiền đó để dành mua sắm trong 3 ngày Tết, bao gồm cả chi phí mua quà tết và biếu tiền bố mẹ 2 bên nội, ngoại. 

Chỉ mua những thứ thật cần thiết

Bác Lý chủ trương chỉ mua những thực phẩm thật cần thiết trong ba ngày Tết nguyên đán. Bao gồm:

- Gói bánh chưng: Đặt bánh chi phí 50.000 đồng/ chiếc x 5 cái = 250.000 đồng.

- Giò 1 cây: 150.000 đồng

- Gà 2 con: 500.000 đồng.

- Cân xương sườn, thịt lợn nạc: 200.000 đồng

- Rau xanh, gia vị: 100.000 đồng

- Tiền hoa quả, bánh kẹo, vàng mã, hoa tươi bày bàn thờ: 1000.000 đồng.

- Bánh kẹo lễ đôi bên nội ngoại: 400.000 đồng

- Bánh kẹo tiếp khách: 400.000 đồng. Thay bánh kẹo bằng 2 kg hoa quả sấy dễ ăn, không bị quá ngọt (150.000 đồng/ kg x 2 = 300.000 đồng) + 2kg táo ngon.

Tổng chi phí thực phẩm, bánh kẹo Tết: 3.000.000 đồng.

Theo bác Lý, thực phẩm, bánh kẹo mua chủ yếu để làm cơm cúng tất niên, giao thừa và ba ngày Tết. “Đến chiều mùng ba đã có chợ. Không nên mua quá nhiều đồ ăn, chất đầy trong tủ lạnh rồi phải ăn đồ đông lạnh suốt nửa tháng sau Tết”, bác Lý khẳng định.

Khâm phục bà nội trợ U60 Hà thành chi tiêu tiết kiệm cả cái Tết chỉ hết 6 – 7 triệu giữa thời bão giá

Ngày thường, củi mục thường bị bỏ đi. Nhưng ngày Tết, củi là tải sản quý. Các bà các mẹ thường tự chở củi về đun bánh chưng để tiết kiệm tiền mua củi. Ảnh: Thu Hà

Khâm phục bà nội trợ U60 Hà thành chi tiêu tiết kiệm cả cái Tết chỉ hết 6 – 7 triệu giữa thời bão giá

Nếu không thích mua bánh chưng làm sẵn, các gia đình có thể chung nhau gói bánh với mức chi phí rất hợp lý mà đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Thu Hà

Quần áo Tết

Do quần áo những ngày cận Tết thường bị “hét giá” nên một tháng trước Tết, bác Lý đã sắm quần áo “diện Tết”. Chi phí ước tính khoảng 2000.0000 đồng tiền quần áo của cả nhà.

Thường ngày Tết các bà nội trợ sẽ “ngốn” một khoản kha khá cho việc may áo dài đi lễ hội làng đầu năm. Tuy nhiên, bác Lý tiết kiệm bằng cách đi thuê áo dài. “Thuê áo dài chỉ hết khoảng 200 – 300.000 đồng, năm nào cũng được “đổi mốt”. Trong khi may hết mấy triệu một chiếc áo dài, mặc một mùa lễ hội lại cất tủ cả năm, rất lãng phí”, bác Lý cho hay.

Mừng tuổi Tết:

Mừng tuổi đôi bên nội ngoại dự kiến: 2.000.000 đồng.

Tổng chi phí cả Tết khoảng 7.000.000 đồng

“Vẫn biết Tết nhất phải đầy đủ, tươm tất nhưng để tránh tình trạng tiêu thả ga trong vài ngày Tết, “đói” cả tháng sau đó, tốt nhất bà nội trợ nên lập kế hoạch chi tiêu. Khi đi mua sắm, chỉ nên mang một số tiền vừa đủ. Tránh mang quá nhiều tiền bởi các mặt hàng Tết cực hấp dẫn, bà nội trợ sẽ rất dễ bị cám dỗ, sẵn sàng mua những món hàng không nằm trong kế hoạch.

Ngoài ra, bà nội trợ cần kêu gọi các thành viên trong gia đình tự giác dọn dẹp nhà cửa để tiết kiệm khoản đi thuê người giúp việc theo giờ. Làm như vậy vừa tiết kiệm được một khoản rất khá, vừa gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình với nhau. Tiền tết con cháu biếu, thiết nghĩ cha mẹ nên chi tiêu hợp lý để tránh gây gánh nặng Tết cho con”, bác Nguyễn Thị Lý tư vấn.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chốt thời gian nghỉ Tết của học sinh Hà Nội