Đi lễ chùa ngày RẰM THÁNG GIÊNG: Chỉ mang bánh kẹo, hoa quả tươi, không biết khấn vái bài bản có “phạm” không?

Thu Hà 2018-03-01 06:55
- Trong khi người người, nhà nhà nườm nượp dâng mâm cao cỗ đầy khi đi lễ chùa chiền đầu năm thì có một bộ phận nhỏ người dân có suy nghĩ khác biệt. Họ chuẩn bị đi lễ chùa rất giản dị từ cái tâm của mình.

Những người đi lễ chùa “ba không”

Từ khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi khi đến đền chùa, chị Ngọc Dung (quê ở Nam Định) thường không bao giờ cầu khấn. Chị chỉ chắp tay vái 3 ba vái với tâm thành kính nhất rồi nếu có công đức tùy tâm và thanh thản ra về.

Theo chị, thời gian và mục đích chính chị đến đền chùa là để hít thở không gian trong lành, thanh tịnh. Cho nên, chị Dung chỉ thích đến những ngôi đền chùa ít người, ít nhang khói, chỉ phảng phất mùi hương và thỉnh thoảng nghe tiếng chuông chùa, tránh sự xô bồ chen chúc để tìm thấy sự an yên.

Đi lễ chùa chỉ mang chút bánh kẹo, hoa quả tươi nhưng không biết khấn vái bài bản có “phạm” không?

Gia đình chị Ngọc Dung đi lễ chùa đầu năm. Ảnh: NVCC

“Từ lâu mình sống cuộc sống không cầu và không cưỡng cầu. Không cầu nên có đi đền chùa cũng chẳng xin gì. Ở trên đời này không có gì tự nhiên trên trời rơi xuống mà không phải đánh đổi bằng cái này hay cái khác, cái được và cái mất luôn cân bằng.

Xin thì phải trả, bằng nhiều hình thức, nên mình chọn cách không xin. Muốn có cái gì, đừng xin, cố mà kiếm lấy nó.

Muốn cầu sức khỏe - ăn uống sinh hoạt điều độ, lành mạnh, khoa học, đi lại cẩn thận. Muốn cầu tiền bạc, công danh - lao động chăm chỉ, trách nhiệm, có tâm, trau dồi kiến thức không ngại học hỏi. Muốn cầu hạnh phúc - luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh và nhìn ra được mặt tích cực của một việc thay vì chỉ chăm chăm vào mặt tiêu cực của vấn đề ấy. 

Muốn cầu may mắn tránh điều xui xẻo - làm nhiều việc tốt và đừng tính toán thiệt hơn. Muốn được yêu quý - phải sống sao đáng được yêu quý”, chị Ngọc Dung chia sẻ.

Với quan niệm như thế, bà mẹ một con này không “vội” đến đền chùa cầu cúng đầu năm như mọi người xung quanh đang làm. Và chị cảm thấy an yên.

Cũng giống suy nghĩ trên, anh Minh Khang (Q. Hà Đông, Hà Nội) chỉ chuẩn bị đồ lễ gồm có chút bánh kẹo, hoa quả tươi.

Đi lễ chùa ngày RẰM THÁNG GIÊNG: Chỉ mang bánh kẹo, hoa quả tươi nhưng không biết khấn vái bài bản có “phạm” không?

“Khi đi lễ, tôi thường không thắp nhiều hương trong chùa. Chỉ thắp một nén rồi khấn đơn giản là con tên là, ở đâu, đến chùa xin Trời Phật phù hộ sức khỏe, bình an, công việc suôn sẻ rồi sau đó công đức nhà đền, chùa tùy tâm.

Tôi rất sợ đến những ngôi chùa lớn đông đúc, quá tải trong dịp đầu năm. Chen lấn như vậy không còn đâu tâm thế thư thái và không thể vãn cảnh khi đi lễ nữa. Không biết khấn vái bài bản không biết có thiếu sót gì không nhưng tôi nghĩ cốt tâm thành là được Trời Phật chứng giám, không cần phải mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã cho khói um không khí thanh tịnh của nhà chùa”, anh Khang cho hay.  

Thầy chùa ủng hộ việc cúng lễ giản dị, chỉ cốt ở cái tâm

Trao đổi với PV Em Đẹp, Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (TP.HCM) khẳng định thầy ủng hộ việc người dân đi lễ đầu năm một cách giản dị, an nhiên.

“Khi đi lễ chùa, người dân vẫn có thể thắp một cây hương, thay vì ba cây để tượng trưng là được. Đồ lễ khi đi lễ chùa chỉ cần chút bánh kẹo, hoa quả tươi, tránh dâng lễ mặn. Thắp hương xong, nếu có tiền thì bỏ hòm công đức, mà không có cũng không sao, chúng ta an nhiên tự tại ra về. Quan trọng là cái tâm có vui hay không, có hoan hỉ hay không mà thôi”, Thượng tọa Thích Duy Trấn nói.

Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Nguyên Tiêu - Rằm tháng Giêng. Đây là dịp lễ tết quan trọng nên ông bà ta có câu “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Đi lễ chùa chỉ mang chút bánh kẹo, hoa quả tươi nhưng không biết khấn vái bài bản có “phạm” không?

Thượng tọa Thích Duy Trấn trong một lần giảng pháp tại Thái Bình. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Bởi vì tâm lý “đầu xuôi đuôi lọt” của người Việt ta từ xa xưa, những gì là điều đầu tiên thường rất được coi trọng, cho nên tháng đầu tiên của năm mới có hai ngày rất quan trọng là ngày mùng 1 và ngày rằm luôn được cúng lễ rất chu đáo. Thậm chí có vùng miền chuẩn bị cúng bái Tết Rằm tháng Giêng còn rất hoành tráng ở nhà, rồi ra đình, đền, chùa với mong muốn cả năm gặp may mắn, no đủ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Thượng tọa Thích Duy Trấn, người dân cũng không nhất thiết phải cúng lễ ngày Rằm tháng Giêng hoành tráng. “Bởi suy cho cùng, mọi người cúng lễ với tâm lý “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” cũng xuất phát từ thế hệ trước truyền lại. Theo tôi, chúng ta không cần thiết cúng lễ hoành tráng, cần nhất là tâm an yên, có tấm lòng thương yêu đồng bào nghèo khó, chăm chỉ làm việc thiện là có phúc báo”, Thượng tọa Thích Duy Trấn bày tỏ.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 4 cung hoàng đạo xinh đẹp ngời ngời lại tài năng xuất chúng khiến ai cũng ngưỡng mộ