Để gia đình làm từ thiện đúng người, đúng chỗ, tránh bát nháo, chị em đừng bỏ qua lưu ý này!

Hoàng Hải 2017-06-21 11:20
- Rất nhiều cá nhân, gia đình muốn tham gia công tác từ thiện nhưng làm thế nào để từ thiện thiết thực, ý nghĩa, đúng người, đúng chỗ, tránh bát nháo... là vấn đề được nhiều người quan tâm.

1. Biết rõ người làm từ thiện

Trước khi làm từ thiện, bạn nên hiểu như thế nào là từ thiện? Không ít người quan điểm từ thiện là cho tiền các hoàn cảnh đang cần giúp đỡ.

Vì thế ngay khi có một hoàn cảnh khó khăn nào đó cần trợ giúp của cả cộng đồng, có 1 người, 1 nhóm người đứng ra kêu gọi làm từ thiện là bạn đã vội vã tin tưởng ngay. Thậm chí, bạn ủng hộ nhiệt tình hoạt động của người ấy mà không biết rõ người ấy như thế nào, tính cách ra sao, cách làm từ thiện thế nào...

Nói chung, từ thiện là một hoạt động trợ giúp người yếu kém. Hoạt động từ thiện có thể thông qua hình thức quyên góp, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm, thời gian hay cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe hay chỉ là một lời động viên, an ủi khi gặp những mảnh đời bất hạnh hơn mình.

Người làm từ thiện trước hết là phải có tâm. Có tâm đồng cảm, sẻ chia thì hoạt động từ thiện mới có ý nghĩa. Đặc biệt, bạn phải hiểu rõ tính cách của người ấy và con người của người ấy thế nào để trao gửi hết niềm tin từ thiện của bạn nhé.

2. Ý tưởng từ thiện

Khi có ý định làm từ thiện, bạn nên lập ra ý tưởng trước để thực hiện một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng lại thiết thực, ý nghĩa. Bạn nên đặt ra câu hỏi bạn làm dự án này cho ai? Có ý nghĩa như thế nào? Tại sao lại muốn thực hiện nó?

Trả lời tốt những câu hỏi trên, bạn có thể dễ dàng đưa ra một dự án từ thiện nhỏ dễ dàng mà không mất nhiều thời gian suy nghĩ, trăn trở hay hối hận khi dự án đó kết thúc.

3. Từ thiện trực tiếp

Để tấm lòng của mình được chia sẻ đúng người, đúng chỗ, thay vì qua các tổ chức trung gian như các quỹ, nhóm từ thiện, bạn nên tìm đến trao trực tiếp cho những hoàn cảnh cần giúp đỡ.

Có như vậy bạn sẽ thấy hoạt động từ thiện của mình có ý nghĩa hơn khi thực tế được hoàn cảnh mà mình giúp đỡ. Họ khó khăn vì ốm đau bệnh tật, vì hoạn nạn hay vì những lý do khác. Có như vậy, bạn cũng có cách giúp đỡ những người khó khăn một cách chuẩn xác nhất, giúp đúng cái mà họ đang cần hỗ trợ.

4. Không a dua từ thiện theo đám đông

Thực trạng bát nháo trong việc làm từ thiện xảy ra hàng ngày khiến không ít người có hướng nhìn không tốt về từ thiện, thậm chí còn bị hiểu nhầm là đang cố tình dựa vào từ thiện để đánh bóng tên tuổi của bản thân.

Có những hoàn cảnh nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các cá nhân, nhóm, tổ chức từ thiện. Thậm chí số tiền, vật chất, tình cảm của họ nhận được là quá nhiều vượt quá mức họ cần giúp đỡ. Trong khi bên cạnh, cũng có trường hợp bất hạnh tương tự nhưng lại bị bỏ quên, họ không nhận được bất kỳ sự quan tâm nào từ xã hội. Điều này đã dẫn đến một nghịch lý đau lòng khiến cho việc làm từ thiện trở nên bát nháo.

Do đó, nhất quyết không a dua làm từ thiện theo đám đông vì có thể bạn đang hỗ trợ cho người đã đủ đầy, không cần phải hỗ trợ nữa. Thay vào đó, hãy hỗ trợ cho những hoàn cảnh khác cần thiết hơn.

5. Chỉ giúp những gì người được từ thiện cần

Không phải cứ mang tiền đến cho những người có hoàn cảnh bất hạnh hơn mình là làm từ thiện. Có không ít trường hợp sau khi nhận được đồng tiền rồi, họ lại không chi tiêu vào việc họ cần như đưa người thân đi chữa bệnh, sửa sang nhà cửa mà tiêu xài phung phí.

Để rồi khi những đồng tiền đó hết sạch và họ chẳng bao giờ thoát ra khỏi điều bất hạnh đang gánh chịu. Điều này một phần cũng là vì một số cá nhân, tổ chức từ thiện quy mọi thứ thành tiền.

Trước khi làm từ thiện, tốt hơn hết là bạn nên tìm hiểu kỹ hoàn cảnh cần giúp đỡ xem họ cần gì thì giúp đó. Nếu họ thiếu quần áo mặc thì tặng quần áo, thiếu chăn ấm thì tặng chăn ấm, cần tiền đưa người thân đi chữa bệnh thì vận động họ đưa người thân đến bệnh viện rồi trao cho họ một số tiền hỗ trợ thuốc thang, viện phí. Họ đang ở nhà dột nát thì chung tiền với các tổ chức từ thiện để hỗ trợ, sửa sang lại nhà cửa.

Có trường hợp làm từ thiện, thay vì cho tiền mặt, họ dùng số tiền trên xây một cái chuồng lợn nhỏ, mua hai con lợn giống trao cho hoàn cảnh cần giúp đỡ. Viết giấy cam kết sau khi bán lợn, hộ gia đình đó phải mua thêm 2 con khác để duy trì chăn nuôi….

từ thiện

6. Không nên tổ chức nhóm từ thiện quá đông

Một nhóm từ thiện nhiều nhất là khoảng 10 người, nếu quá đông sẽ không thể hiện được gì ngoài sự bát nháo. Có trường hợp 20 người là thành viên trong nhóm thiện nguyện cùng đi chỉ để trao 2 triệu đồng cho một hoàn cảnh khó khăn. Làm như vậy vừa tốn tiền xăng xe đi lại, vừa tạo nên một sự nhốn nháo trong công tác từ thiện.

Trao một hộp cơm hộp cho một người vô gia cư mà có đến 15, 16 người tham gia thì không nên. Có trường hợp từ thiện còn bị công an thổi còi vì làm mất trật tự an toàn giao thông.

Vì thế, nên chọn tham gia vào nhóm từ thiện ít người. Khi đó, bạn sẽ nhận ra cái chân chính, thiết thực, ý nghĩa trong công tác từ thiện.

Hoàng Hải

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hố không đáy trên thế giới - Cánh cổng địa ngục hay dấu hiệu tận thế