Có một lễ hội ở Bình Dương văn minh và tử tế: Ở đó cái gì cũng miễn phí!

2017-02-12 09:10
- Khi đến tham gia lễ hội đâu đâu người ta cũng thấy những dòng chữ miễn phí. Trà đá miễn phí, nước suối miễn phí, cơm miễn phí, sửa xe miễn phí, thậm chí là xe ôm miễn phí...

Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương được xem là một trong những lễ hội lớn nhất khu vực Đông Nam bộ, cũng như là Tết lớn nhất của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam.

Lễ hội được diễn ra  vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch tại miếu Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Cung) mà người dân thường gọi là Chùa Bà, tọa lạc tại số 04 đường Nguyễn Du, thành phố Thủ Dầu Một và tại P. Phú Chánh, TX. Tân Uyên (khu thành phố mới Bình Dương). 

Mỗi năm lễ hội thu hút hàng trăm nghìn người dân từ khắp các tỉnh trong khu vực Nam Bộ đến tham gia, kèm theo đó là rất nhiều vấn đề phát sinh. Thế nhưng trong những năm qua, lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương vẫn nổi tiếng là một lễ hội vô cùng văn minh và tử tế. 

Lễ hội chùa Bà thu hút rất đông khách hành hương mỗi năm. 

Lễ hội "3 không" 

Tôi gọi vui lễ hội Chùa Bà là lễ hội "3 không", vì mặc dù những ngày diễn ra lễ hội lượng khách đổ về rất lớn nhưng người tham gia không hề cảm thấy khó chịu, mà trái lại còn cảm thấy rất hài lòng vì cách tổ chức lễ hội của Ban tổ chức. 

Không chặt chém. Nhằm không để xảy ra tình trạng tăng giá thức ăn trong mùa cao điểm, một tháng trước khi diễn ra lễ hội, chính quyền tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các hàng quán trong khu vực lễ hội, cũng như quán triệt việc niêm yết giá thức ăn tại quán để du khách có thể yên tâm về chất lượng cũng như giá cả. 

Các quán ăn đều công khai giá rõ ràng, không diễn ra tình trạng tăng giá hay chặt chém. 

Không tệ nạn. Lượng khách đông lên đến hàng chục nghìn người trong mùa lễ hội là một thách thức lớn đối với lực lượng an ninh. Để không diễn ra tệ nạn cướp giật, móc túi trong khu vực Chùa Bà, năm nay chính quyền thành phố đã tăng cường gấp 3 lần lực lượng công an, cảnh sát để bảo vệ an ninh. Đồng thời các thành viên trong nhóm anh hùng đường phố của tỉnh Bình Dương cũng tham gia hỗ trợ hết mình đễ giữ gìn sự an toàn cho du khách. 

An ninh được thắt chặt giúp người dân cảm thấy an tâm. 

Không rác thải. Nói như vậy không có nghĩa là khi chúng ta đến lễ hội sẽ không nhìn thấy những rác thải trên vỉa hè, lề đường, mà là công tác vệ sinh của lễ hội được thực hiện rất chỉn chu. Lực lượng công nhân vệ sinh luôn túc trực để dọn dẹp rác thải nhằm đem đến một không gian sạch đẹp cho lễ hội. 

Ngay trong lúc lễ hội đang diễn ra, các công nhân vệ sinh vẫn cần mẫn làm công việc của mình. 

Trong lễ hội không diễn ra tình trạng khách hành hương xô đẩy, chen lấn nhau để nhận lộc 

Người Bình Dương và câu chuyện về lòng tử tế 

Có một điều khiến du khách vô cùng bất ngờ khi đến tham gia lễ hội vào những năm gần đây, đó là đâu đâu người ta cũng thấy những dòng chữ miễn phí. Trà đá miễn phí, nước suối miễn phí, cơm miễn phí, sửa xe miễn phí, thậm chí là xe ôm miễn phí... 

Đâu đâu cũng thấy dòng chữ miễn phí. 

Anh Nguyễn Minh Tâm (Bí thư đoàn phường Hiệp Thành) cho biết: "Các chương trình hỗ trợ khách hành hương này đã được diễn ra được 5 năm nay. Sẽ có 5 nhóm với 5 nhiệm vụ khác nhau. Nhóm thứ nhất làm nhiệm vụ hút đinh và vá xe cho du khách. Nhóm thứ hai làm nhiệm vụ sơ cứu cấp cứu. Nhóm thứ ba làm nhiệm vụ phát nước uống và thức ăn miễn phí. Nhóm thứ tư tham gia điều tiết giao thông. Và nhóm thứ năm làm nhiệm vụ hướng dẫn những ai cùng giúp đỡ". 

Dịch vụ vá, sửa xe lưu động luôn sẵn sàng túc trực 24/24 giúp người dân. 

Cô Châu Thị Thanh Tùng vốn là một giáo viên về hưu, vài năm gần đây cô cùng những người bạn của mình trong nhóm tình nguyện viên Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương tổ chức phát nư  ớc và bánh mỳ miễn phí cho du khách đến tham gia lễ hội. 

Không chỉ các cơ quan ban ngành mà câu chuyện tử tế còn lan đến những người dân sinh sống tại thành phố Thủ Dầu Một. Các bạn trẻ trong nhóm của Minh Bảo (23 tuổi) đã tự bỏ tiền túi để mua khăn lạnh và nước uống để tặng mọi người. Gia đình của anh Âu Trí Dũng (44 tuổi) cũng rất nhiệt tình làm công việc tử tế này, và còn rất rất nhiều những gia đình như vậy trong lễ hội thấm đẫm tình người này. 

Bún chay miễn phí. 

Cậu bé Âu Thiên Bảo đã theo bố làm công việc này 5 năm nay. 

Đối với những du khách như bà Bảy, vốn lớn tuổi lại eo hẹp về kinh tế chuyện được hỗ trợ tận tình như thế này thật sự khiến bà cảm động. Chương trình xe ôm miễn phí được tổ chức dành cho các đối tượng khách hành hương bị lạc bãi đậu xe, tìm người thân bị lạc trong khu vực lễ hội, liên hệ các ngành chức năng để báo cáo sự việc, riêng ngày 15 sẽ hỗ trợ người cao tuổi ra trạm xe bus. 

Dịch vụ xe ôm miễn phí. 

Bên cạnh đó nếu du khách nào cần liên lạc với người thân mà không có điện thoại thì có thể mượn điện thoại của bất kỳ tình nguyện viên nào trong lễ hội. Bạn Hải Yến (Phó bí thư đoàn Phường Phú Cường) hóm hỉnh chia sẻ: "Xe ôm là xe nhà, xăng nhà, tất cả đều là tiền túi của mọi người. Nhưng chẳng ai tính toán chuyện tiền nong, giúp được mọi người là cảm thấy vui rồi". 

Và cả gọi điện thoại miễn phí. 

Khi tôi hỏi một mùa lễ hội thì gia đình chi bao nhiêu tiền cho việc từ thiện này, chú Huy (một người tổ chức phát thức ăn miễn phí cho người dân) tâm sự: "Chú không để ý nữa, cứ chi ra thôi. Tính toán chi, một năm có 1 lần thôi, làm điều mà mình thấy vui là được". 

Có một lễ hội văn minh và tử tế vậy đó!  

Theo Trí Thức Trẻ

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 người đẹp lão hoá ngược - Toàn U40 mà trẻ đẹp như thiếu nữ!