Bổ sung 4 tội danh xâm hại tình dục: đề xuất 'bẫy người' thực hiện hành vi để thu thập chứng cứ

2017-03-28 16:49
- Thủ tục bắt đối với tội phạm loại này có thể dùng bẫy, tức cơ quan điều tra có thể dùng cách bẫy người thực hiện hành vi để thu thập và minh định chứng cứ, để bắt quả tang mà không lo ngại về sự bất hợp pháp của phương pháp này.

Chiều nay, một cuộc tọa đàm pháp lý “Sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng?” được tổ chức. Buổi tọa đàm tiếp tục nội dung bàn luận xung quanh việc làm thế nào trẻ em tránh được nguy cơ xâm hại tình dục cao nhất. Buổi tọa đàm này bao gồm các luật sư thảo luận về các vấn đề pháp lý và cơ chế liên quan đến nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Bổ sung thêm 04 tội danh xâm hại tình dục để trẻ em được bảo vệ tốt hơn

Luật sư Luân đề xuất bổ sung thêm điều luật để bảo vệ trẻ em được tốt hơn tránh xa nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Trong buổi tọa đàm này, luật sư Lê Luân, VPLS Hưng Đạo Thăng Long, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội đã nêu ra những điều còn bất cập trong quy định luật.

Theo ông, bộ luật lao động năm 2012 đã đưa vào điều khoản nghiêm cấm quấy rối tình dục trong môi trường làm việc (thông tư hướng dẫn đang xây dựng), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam với sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Trong Bộ quy tắc này nêu rõ khái niệm hành vi quấy rối tình dục. Tuy nhiên, đây là một Bộ quy tắc của một Bộ thuộc Chính phủ (tức văn bản pháp quy), đồng thời với đó là Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực an ninh trật tự, văn hóa, xã hội cũng có chế tài hành chính đối với hành vi quấy rối tình dục.

Mặc dù vậy, hành vi quấy rối tình dục, nếu xuất hiện với nạn nhân là trẻ em, thì đây là một vấn đề còn thiếu sót nghiêm trọng đối với Bộ luật Hình sự của nước ta.

Theo luật sư Lê Luân, dâm ô cũng là một loại hành vi quấy rối tình dục, mang tính “thể chất”, tác động trực tiếp vào cơ thể của nạn nhân. Và hành vi này có thể để lại hoặc không để lại thương tổn, dấu vết vật chất trên cơ thể người bị xâm hại. Nên việc “chờ đợi” mang tính đòi hỏi chắc chắn về mặt chứng cứ vật chất mới khởi tố, truy tố được người thực hiện hành vi “dâm ô” là một số thiếu sót vô cùng nghiêm trọng đối với hệ thông pháp luật hình sự của Việt Nam.

Trong cuộc tọa đàm luật sư Luân cũng nêu ra một số vấn đề về dâm ô, hành vi quấy rối (lạm dụng) tình dục đối với trẻ em.

Tội dâm ô đối với trẻ  (Điều 116), nay được quy định thành “tội dâm ô với người dưới 16 tuổi" (Điều 146) về cơ bản chỉ là tên gọi khác nhau nhưng về mặt cấu thành, khung hình phạt và nội dung tương đồng nhau.

Tuy nhiên, vấn đề về mặt lỹ thuật lập pháp ở đây vẫn đang rơi vào lỗi và lỗ hổng tương tự như Bộ luật Hình sự 1999. Đó là không quy định rõ hành vi “dâm ô” là gì, “hành vi quan hệ tình dục khác” là gì? Chưa phân hóa cụ thể từng hành vi dâm ô, chưa có mức hình phạt tương xứng.

Bổ sung thêm 04 tội danh xâm hại tình dục để trẻ em được bảo vệ tốt hơn

Buổi tọa đàm diễn ra vào chiều nay với sự có mặt của bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và các luật sư.

Về mặt cấu thành tội phạm dâm ô (146) bắt buộc phải có hành vi “xâm hại (tiếp xúc) trực tiếp cơ thể nạn nhân (trẻ em)” và khi có đủ chứng cứ mới có đủ chứng cứ mới có thể khởi tố bị can đối với người thực hiện hành vi loại này.

Chứng cứ buộc tội ở đây là chứng cứ mang dấu vết vật chất như tổn thương bộ phận sinh dục người bị xâm hại hoặc dịch tiết, tế bào của người thực hiện hành vi trên cơ thể nạn nhân.

Như vậy, Bộ luật Hình sự 215 lại không có gì thay đổi và không thể giải quyết được khoảng trống của luật pháp đối với các tội danh liên quan đến hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, đặc biệt là hành vi dâm ô.

Đề xuất sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự và một số thủ tục tố tụng hình sự

Theo luật sư Lê Luân, dâm ô, không chỉ là hành vi xâm hại trực tiếp cơ thể nạn nhân, mà có thể là bất kỳ “hành vi quấy rối tình dục” gián tiếp nào như gạ gẫm, rủ rê hoặc cho nạn nhân tiếp nhận “các hành vi tình dục” một cách thụ động và từ xa thông qua các giác quan như nghe, nhìn thì đều được hiểu đó là hành vi “dâm ô” có dấu hiệu tội phạm.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần bổ sung thêm tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Trong cuộc tọa đàm, luật sư Lê Luân đề xuất quy định cụ thể và chi tiết 04 loại tội danh liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em đối với hành vi “dâm ô”.

Thứ nhất, tội chủ định gặp trẻ em với mục đích dâm ô, loại hình phạt và khung hình phạt cho tội danh này là phạt tiền, tù giam (không để khoảng hình phạt dao động lớn như hiện nay), cụ thể từng mức phạt như 2 năm hoặc 4 năm. Tạm giam không tại ngoại trong suốt thời gian hầu tra và xét xử.

Tội danh thứ 2, tội chủ ý khiêu dâm với trẻ em (Điều 147 là tội dùng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm). Loại hình phạt và khung hình phạt, phạt tiền, tù giam, 1 năm hoặc 2 năm tùy mức, tạm giam không tại ngoại để hầu tra và xét xử.

Bổ sung thêm 04 tội danh xâm hại tình dục để trẻ em được bảo vệ tốt hơn

Luật sư Lê văn Luân, văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long, Đoàn luật sư Tp. Hà Nội.

Tội danh thứ 3, tội chủ ý dụ dỗ trẻ em đồng thuận thực hiện hành vi tình dục. Với tội danh này, mức hình phạt, phạt tiền, mức tù giam 2 năm, 3 năm hoặc 4 năm tùy mức độ (liên tục kéo dài hoặc trao đổi bằng lợi ích).

Tội danh thứ 4, tội chủ ý chứa chấp, sử dụng các hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Loại hình phạt và khung hình phạt, phạt tiền, mức phạt từ 12 tháng tù, 18 tháng hoặc 2 tháng tù giam.

Luật sư này cũng nêu rõ các tội danh liên quan đến tình dục sẽ bị cấm vĩnh viễn việc hành nghề liên quan đến trẻ em, không được tiếp cận với trẻ em, phải theo dõi và công khai tên tuổi danh tính trên trang thông tin quốc gia, cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nếu tái phạm hoặc vi phạm các quy định về khoảng cách an toàn với trẻ sẽ bị bắt giam trở lại hoặc thiến hóa học.

Thủ tục bắt đối với tội phạm loại này có thể dùng bẫy, tức cơ quan điều tra có thể dùng cách bẫy người thực hiện hành vi để thu thập và minh định chứng cứ, để bắt quả tang mà không lo ngại về sự bất hợp pháp của phương pháp này.

Việc áp dụng bẫy người thực hiện hành vi để thu thập và tạo lập chứng cứ cần được sự cho phép của tòa án hoặc Viện kiểm sát cùng cấp (để đảm bảo sự giám sát cơ quan công tố hoặc xét xử, để đảm bảo sự công khai về thủ tục xác lập chứng cứ (tránh lạm quyền hoặc làm sai), để đảm bảo tính khách quan của chứng cứ.

Một lần nữa, luật sư Luân khẳng định: “Với việc bổ sung 04 loại tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em như nêu trên, rõ ràng chúng ta có thể bảo vệ trẻ em từ xa và hoàn toàn có cơ sở cũng như căn cứ pháp lý để xử lý hình sự các hành vi tình dục tương ứng đối với trẻ em”.

Cù Hiền

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 cách diện áo cổ lọ ôm sát chuẩn chỉnh như hội gái Hàn