'ĂN QUẢ ĐẮNG' vì bị 'CHÉM ĐẸP' khi đi du lịch hè

2017-07-12 06:56
- Nạn "chặt chém" ở các bãi biển, khu du lịch đã giảm bớt nhiều so với những năm trước, nhưng các gia đình khi đi du lịch vẫn bị chém đẹp, mất tiền oan mà không thể làm gì khác.

Tuần vừa rồi, gia đình chị Bảo Ngọc quyết định cùng nhau đi tour du lịch tự túc biển Sầm Sơn - Thanh Hóa để giải nhiệt mùa hè. Cả nhà 6 người đi gồm vợ chồng, 2 con và ông bà.

Trước khi đi, chị Ngọc đã tính toán và tìm hiểu rất kỹ, học cách "phản đòn" nếu bị "chặt chém ở khu du lịch". Nhưng khi đến nơi, chị vẫn không thể "đỡ" được, mất đi những khoản tiền không hề nhỏ, dù biết là bị "chặt" nhưng cũng không thể làm gì khác.

Chị Ngọc cho hay: "Xuống đến biển Sầm Sơn, cả nhà rất yên tâm vì thấy cửa hàng nào, chỗ nào cũng niêm yết giá cả món ăn, hàng hóa. Vì ai cũng đói nên tôi lựa một cửa hàng vắng vẻ thông thoáng để đỡ phải chen lấn.

Lúc mới bước vào thì chủ quán đon đả lắm, lấy thực đơn cho xem. Nhìn giá cả chỉ khoảng 30.000 - 70.000 đồng/món nên tôi cũng yên tâm gọi đồ. Chủ quán còn dọn hẳn ghế ra gần biển, chong đèn rồi mời cả nhà ra đấy ngồi ăn cho mát".

Nhiều gia đình ăn quả đắng khi đi du lịch hè bị chém đẹp

Đến lúc ăn uống thỏa thuê, chị Ngọc cầm hóa đơn mới ngã ngửa khi thấy số tiền độn thêm 500.000 đồng. Khi chị thắc mắc thì chủ cửa hàng giải thích: "Họ bảo tiền ăn uống thì vẫn lấy đúng giá đã niêm yết, không sai một đồng nào. Số tiền 500.000 đồng ấy là tiền thuê ghế ngồi bãi biển và công chong đèn, mỗi ghế thuê 50.000 đồng, phí chong đèn điện là 200.000 đồng nữa là nửa triệu.

Lúc ấy tôi bức xúc lắm, định cãi nhau thì bố mẹ chồng ra ngăn, bảo thôi đi du lịch không nên làm lớn chuyện, lần sau mình rút kinh nghiệm. Vậy là bữa ăn đầu tiên gia đình tôi tốn tận hơn 1 triệu trong khi hơn nửa trong số đó là bị chém đẹp" - chị Ngọc bức xúc.

Nhiều gia đình ăn quả đắng khi đi du lịch hè bị chém đẹp

Vào sáng sớm hôm sau, khi cả nhà chị đi dạo biển thì gặp một số thuyền thúng dạt vào bờ, bên trong là một số hải sản tươi sống. Bố chồng chị thấy vậy thì lại xem, tiện tay cầm thử một con ghẹ lên.

"Bố tôi vừa đặt con ghẹ xuống thì người đàn ông trên thuyền thúng liền giật  lại, bắt cụ mua bằng hết 2 kg ghẹ tươi có trên thuyền. Ông ta bảo mới sáng sớm chưa bán được hàng, bố tôi chạm vào đầu tiên nên phải mua bằng hết", chị Ngọc bức xúc kể lại.

Thấy ghẹ tươi nên cụ ông cũng đồng ý mua và hỏi giá, người đàn ông kia hét giá 800.000 đồng/kg ghẹ tươi tức là phải trả hơn 1,6 triệu cho 2kg ghẹ.

Chị Ngọc liền quay sang bảo chồng gọi điện cho đường dây nóng phòng chống "chặt chém" của Sầm Sơn. Thấy chồng chị Ngọc rút điện thoại, người đàn ông kia liền nhẹ giọng, bảo hạ xuống 400.000 đồng/kg rồi xin gia đình lấy giúp, vì ghẹ vừa câu được về còn tươi mới, xem như mở hàng giúp. Ngã giá một hồi, nhà chị cũng lấy 2kg ghẹ với giá 500.000 đồng.

Nhiều gia đình ăn quả đắng khi đi du lịch hè bị chém đẹp

Gia đình chị Hồng Ngân cũng bị "chém đẹp" khi du lịch biển tại Cửa Lò, Nghệ An vì ghé vào ăn tại một quán ven biển. Thấy quán gọn gàng, sạch sẽ nên cả nhà chị quyết định vào đặt cơm ăn trưa.

"Lúc vào tôi đã để ý thấy chỗ này không niêm yết giá cả đồ ăn. Khi tôi hỏi thì chủ quán bảo ở đây chỗ nào cũng thế vì hải sản còn phải tùy thuộc vào giá thị trường nữa, mỗi ngày đều không giống nhau".

Chị Ngân gọi 2 đĩa tôm nướng, 4 con ghẹ gạch, một đĩa mực xôi luộc và 1 tô cháo ngao to. Thỏa thuận miệng giá ban đầu tổng cộng là khoảng 500.000 đồng. Nhưng đến khi thanh toán thì mỗi đĩa lại cộng thêm 50.000 đồng, riêng ghẹ gạch thì cộng thêm hẳn 200.000 đồng.

Chị Ngân thắc mắc thì chủ quán cho hay, đồ ăn được bán theo giá thị trường. Số tiền thỏa thuận ban đầu là được tính theo giá hải sản của mấy hôm trước, hôm nay lúc lấy hải sản tươi chế biến cho gia đình chị thì được lấy theo giá hôm nay nên có thay đổi.

Vì giá tiền ban đầu chỉ thỏa thuận miệng, cũng không có bảng giá niêm yết để làm bằng chứng, dù có cãi lại thì đồ cũng đã ăn rồi nên chị Ngân đành ngậm ngùi rút tiền ra trả dù biết chắc là bị chém.

Nhiều gia đình ăn quả đắng khi đi du lịch hè bị chém đẹp

Chị cũng đành tự an ủi mình: "Thôi thì đi du lịch cũng phải chịu chi một chút. Bạn tôi đi chơi ở biển Đồ Sơn, khi thuê xe điện còn bị lừa, đến lúc tính thì thì hết cả nửa triệu tiền xe cho quãng đường chưa đến 3km".

Chị Ngân cũng kể, có một lần chị bế con nhỏ đi tắm biển, con bé thấy cái phao bơi hình con vịt đẹp nên chạm vào. Thấy vậy, chủ quán liền chạy ra bắt chị phải thuê phao cho con và phải trả 50.000 đồng tiền thuê.

Đi du lịch để thư giãn chứ không phải để lo sợ mất tiền

Để những chuyến du lịch thực sự là khoảng thời gian thư giãn, chắc chắn các chị em sẽ phải tìm hiểu thật kỹ địa điểm mình muốn đến và học cách "bảo vệ" túi tiền của mình trước những "lưỡi dao chặt chém" tại các khu du lịch.

Thực tế, tình trạng chặt chém khách du lịch tại nhiều bãi biển đã giảm bớt rất nhiều, nhưng vẫn còn một số người vì muốn kiếm tiền nhanh mà làm mất hình ảnh đẹp của khu du lịch.

Biện pháp cho các chị em là nên tìm hiểu thật kĩ địa điểm du lịch mà mình sắp đến, luôn lưu sẵn số đường dây nóng bảo vệ khách du lịch khỏi nạn chặt chém tại địa phương đó.

Quan trọng hơn, hãy sử dụng những dịch vụ có uy tín và đảm bảo tại khu du lịch. Bạn có thể tìm kiếm chúng ở ngay những diễn đàn du lịch, nhiều chia sẻ hữu ích như địa điểm ăn uống, vui chơi, chi phí dịch vụ được nhiều người post tại đây sẽ giúp bạn so sánh được giá cả, đưa ra mức giá phù hợp khi mặc cả với các cửa hàng tại khu du lịch.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 4 kem dưỡng trắng da mặt đáng để mua nhất mùa đông năm nay