Ai chịu trách nhiệm sau vụ cây đổ đè học sinh tử nạn ở TP.HCM?

2020-05-27 09:00
- Theo luật sư, nếu kiểm tra không có sai phạm nào trong nguyên tắc chăm sóc, quản lý cây thì sự việc này được xem là tai nạn, không ai phải chịu trách nhiệm.

Vụ cây phượng gãy đổ tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) vào sáng 26/5 khiến em N.T.K. (12 tuổi) tử nạn. 

Ngoài ra, sự cố còn khiến  14 học sinh khác bị thương, 3 học sinh trầy xước nhẹ. Giám đốc Trung tâm 115 TP.HCM Nguyễn Duy Long cho biết có 3 học sinh bị thương nặng được phẫu thuật xong, sức khỏe đã ổn định. 

Việc đổ cây trong trường hợp này được xem là sự cố hay trách nhiệm thuộc về ai? 

Trao đổi với Zing , luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định trong vụ việc này, có một học sinh tử vong và 14 em khác bị thương nên được xem là hậu quả nghiêm trọng. Việc đầu tiên mà cơ quan chức năng cần làm là xác minh, làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ cây gãy đổ.      

     Cây phượng gãy đổ được dọn dẹp. Ảnh: Lê Trai.      

Theo luật sư Dũng, nếu kiểm tra không có sai phạm nào trong nguyên tắc chăm sóc, quản lý cây thì sự việc này được xem là tai nạn, không ai phải chịu trách nhiệm. 

Tuy nhiên, nếu quá trình xác minh phát hiện có sai sót trong việc chăm sóc cây xanh. Giả sử như cây đến thời hạn phải chặt đốn vì quá tuổi thọ, nhưng bộ phận chăm sóc cây vẫn giữ lại dẫn đến hậu quả cây gãy đổ đè học sinh thì những cá nhân liên quan phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dân sự. 

Trong vụ việc này, luật sư Dũng cho rằng nhà trường không thể vô can vì sự việc xảy ra trong khuôn viên nhà trường, cây xanh do nhà trường trực tiếp quản lý. Do đó, việc để cây mục ruỗng dẫn tới bật gốc thì đã có lỗi của nhà trường. 

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu quan điểm cầ  n xác minh, điều tra xem cây trồng có đúng quy định, kỹ thuật không (đào có đủ sâu, làm gốc có đúng...) và xem xét cả đơn vị chăm sóc, quản lý cây. Nếu cây được trồng không đúng thì lúc này bắt đầu xem xét trách nhiệm về mặt hình sự và bồi thường dân sự.      

     Ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, thông tin về vụ việc. Ảnh: Văn Nguyện.      

Trong buổi họp báo cung cấp thông tin về vụ tai nạn tại Trường THCS Bạch Đằng chiều 26/5, ông Nguyễn Vạn Phúc (hiệu trưởng)  cho biết ông rất bất ngờ vì dù tối trước đó mưa lớn nhưng sáng nay thời tiết rất tốt. "Nếu nhìn cây phượng từ bên ngoài, không ai nghĩ nó có thể đổ cả", ông Phúc phân trần. 

Ông Phúc cho biết cây phượng bị đổ sáng nay được trồng từ năm 1996. Hàng năm, nhà trường thường xuyên thuê công ty cây xanh thực hiện công tác chăm sóc cây, thay đất, kiểm tra những cây không an toàn. 

"Đây là việc làm thường xuyên của các trường. Tại quận 3, các trường tiến hành thuê công ty cây xanh chăm sóc để đỡ nguy hiểm khi dông lốc", ông Phúc cho hay. 

Nói về trách nhiệm sau khi sự cố xảy ra, ông Phúc chia sẻ: "Sự cố đáng tiếc xảy ra nhà trường không mong muốn nhưng nó xảy ra rồi thì phải chấp nhận. Phóng viên hỏi trách nhiệm quản lý cây thuộc về ai thì rõ ràng trưởng cái trường có trách nhiệm trước. Bản thân tôi là chịu trách nhiệm chính". 

Thời điểm xảy ra vụ việc, nhiều học sinh đang ngồi dưới sân trước giờ lên lớp. Do tuân thủ giãn cách trong dịch Covid-19, nhà trường không còn duy trì việc cho học sinh tập trung dưới sân trường trước giờ học mà vào học ngay. Theo ông Phúc, khi xảy ra sự cố, cây đổ chủ yếu về phía lớp 6/8 nên 16 trong số 18 học sinh thương vong đều thuộc lớp này. 

Khoảng 6h22' ngày 26/5, cây phượng cổ thụ tại khuôn viên trường THCS Bạch Đằng (phường 14, quận 3, TP.HCM) trốc gốc đè nhiều học sinh đang vào lớp. 

Nạn nhân tử vong là học sinh N.T.K., nhập viện lúc 6h50 phút, trong tình trạng toàn thân tím lạnh, vết thương dưới kheo chân trái kích thước 3x10 cm, dập nát cơ, vết thương nông ngang bờ sườn trái 5 cm. Bệnh nhi được chẩn đoán ngưng tim, ngưng thở trước giờ nhập viện. 

Theo Zing.vn

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 cách an toàn và dễ làm để rã đông thịt