Từ A - Z cách làm bánh trung thu atiso gạo lứt vừa ngon vừa healthy hết sảy từ cô nàng 9x, độc đáo nhất nhì mùa trăng 2020
Tin liên quan
Không chỉ là bánh trung thu nhân thập cẩm, nhân đậu xanh, nhân trứng muối,... những năm trở lại đây, ngày càng xuất hiện nhiều món bánh trung thu có hương vị độc đáo, mới lạ ra đời. Vậy đã bao giờ bạn nghe thấy bánh trung thu atiso gạo lứt chưa? Sự đam mê và sức sáng tạo đã giúp cô bạn Thảo Nguyên (27 tuổi, TP HCM) cho ra đời mẻ bánh trung thu atiso gạo lứt mới lạ cả về hình thức lẫn hương vị.
Được sự cho phép của Thảo Nguyên, hôm nay Emdep.vn sẽ chia sẻ cho độc giả cách thức làm món bánh trung thu atiso gạo lứt cực kỳ ngon mắt và bổ dưỡng này:
Cách làm bánh trung thu atiso gạo lứt:
Nguyên liệu:
Phần nhân (atiso đỏ):
- 200 gr đậu đỏ
- 100 gr syrup atiso đỏ
- 75 gr dầu hướng dương
- 30 gr đường
- 30 gr mứt atiso đỏ
Phần vỏ bánh:
- 245 gr bột bánh nướng
- 160 gr nước đường bánh nướng
- 35 gr dầu hướng dương
- 1 lòng đỏ trứng
- 10gr bơ đậu phộng
Phần hỗn hợp quét mặt bánh:
- 1 lòng đỏ trứng
- 15 ml nước lọc
- 5 ml dầu hướng dương
Cách làm:
Phần nhân atiso đỏ:
- Ngâm đậu 30p, cho nước chỉ vừa ngập đậu và đun đến khi đậu đỏ chín mềm. Sau đó mang phần đậu đi xay cùng với phần syrup cho nhuyễn mịn, lọc qua rây và cho vào chảo không dính, cho đường và dầu vào để bắt đầu sên nhân.
- Khi nhân bắt đầu sệt cho lửa thật nhỏ để tránh làm nhân cháy khét dính ở phần đáy nồi hoặc chảo.
- Trong lúc chờ nhân đạt thì cắt nhỏ phần mứt atiso đỏ. Với phần nhân sốt tan chảy, dùng syrup atiso đỏ tự làm có vị chua thanh mát đun sệt và cấp đông để làm phần syrup tan chảy, rất phù hợp với nhân bánh.
- Chúng ta sên tương tự như sên nhân bánh nướng truyền thống (không dùng bột bánh dẻo), sên tới khi hỗn hợp đứng lại và vê thành viên mà không chảy là đạt.
- Tắt bếp cho phần mứt atiso đã cắt nhỏ vào trộn đều.
- Cho phần nhân đã sên xong hoàn chỉnh ra đĩa rồi dùng màn bọc thực phẩm bọc kín lại để tránh bị khô.
Trong thời gian chờ nhân nguội, sẽ tiếp tục chuẩn bị phần vỏ bánh nướng.
Phần vỏ bánh nướng gạo lứt:
- Rây bột mì và bột gạo lứt vào âu, dùng phới trộn đều và tạo khoảng trống ở giữa, cho trứng, dầu ăn và nước đường vào, nhồi cho thành một hỗn hợp dẻo mịn vừa tay (ở giai đoạn này phải dùng tay cảm độ mịn của bột để có được vỏ bánh ngon đóng khuôn được sắc nét). Cho bột nghỉ khoảng 30 phút, lúc này chúng ta tiến hành đóng bánh.
- Đóng bánh:
Bột sau khi nghỉ khoảng 30 - 40 phút là sẵn sàng cho khâu đóng bánh. Lúc này bột sẽ khá dẻo và ít dính hơn như khi mới trộn xong.
Bạn có thể làm bánh nướng với tỉ lệ 7:3 (nhân 7, vỏ 3) hoặc tăng tỉ lệ lên thành 6:4 nếu thích vỏ dày.
- Chia nhân ra thành từng viên tròn nhỏ 85gr, và tương tự với phần vỏ bánh sao cho tương ứng với tỉ lệ nhân. Phần sốt đã cấp đông thì cho vào giữa tương tự như trứng muối khi làm nhân truyền thống.
- Rửa sạch tay và lau khô. Dùng một chút bột mì xoa đều vào hai tay. Lấy một viên vỏ bột và vê thành hình tròn. Nếu cảm giác dính tay thì có thể dùng thêm một lượng bột nhỏ để xoa tay. Cách này giúp chúng ta có thể “áo” bột mà không bị dính quá nhiều bột khô.
- Phủ một lớp bột mỏng lên cây cán bột rồi nhẹ nhàng cán viên bột vỏ thành hình tròn, lưu ý cán phần giữa mỏng hơn phần viền một chút.
- Đặt viên nhân vào giữa, nhẹ nhàng áp vỏ bột với nhân, miết ngón tay từ phần dưới đáy của viên nhân lên trên. Thông thường vỏ sẽ không bao hết mà chỉ một phần nhân, việc miết và kéo sẽ giúp cho phần bột ở mép vỏ bao kín hết viên nhân.
Làm tương tự đến khi bọc hết nhân.
- Dùng một chút bột mì khô để chống dính khuôn. Cho phần bánh đã được bọc nhân lên thớt gỗ hoặc mặt phẳng sạch đã được áo một lớp bột mỏng, sau đó dùng khuôn đóng như bánh thông thường.
Nướng bánh:
- Bật lò ở 170 độ trước trong 10p.
- Đóng bánh xong, cho khay bánh vào lò ở nhiệt độ này trong 10 phút.
- Sau đó mang bánh ra khỏi lò và chờ cho nguội, trong lúc này chúng ta chuẩn bị hỗn hợp phết mặt bánh.
- Trộn đều 1 lòng đỏ trứng, dầu và nước lọc thành hỗn hợp hoà quyện với nhau.
- Lưu ý dùng cọ nhỏ phết thật mỏng và thật nhẹ nhàng lên bánh.
- Tiếp tục bật lò 170 độ và nướng 10p cho lần thứ hai.
- Lặp lại quá trình chờ bánh nguội và phết mặt bánh.
- Nướng lần cuối cùng ở 180 độ trong 8p , lúc này vỏ bánh khi nướng xong sẽ vàng vừa phải và không quá ẩm.
- Nên đợi bánh nguội hẳn rồi mới đóng gói.
Lớp vỏ thơm thoang thoảng mùi gạo lứt hoà quyện với lớp sốt chua ngọt chực trào ra khi cắt bánh có thể chinh phục khẩu vị của những ai khó tính nhất. Chúc bạn thành công!
Góc tác giả:
Nàng chủ bếp Thảo Nguyên sinh ra và lớn lên ở TP HCM, nhưng sau 1 chuyến du lịch ngắn ngày ở thủ đô, Nguyên đã bén duyên và gắn bó với Hà Nội 4 năm nay. Công việc chính của Nguyên là Marketing, ngoài niềm đam mê với công việc ra thì cô nàng còn có sở thích nấu ăn, vẽ, viết lách và du lịch.
Nguyên tự nhận trước đây mình chẳng hề thiết tha với việc bếp núc, nội trợ. Niềm đam mê nấu nướng chỉ bắt đầu khi cô nàng sống xa gia đình và ở một mình. Một ngày đẹp trời, Nguyên được người bạn tặng cho một chiếc lò nướng và thế là sở thích làm bánh được khơi nguồn từ đó.
Khi tận mắt ngắm những chiếc bánh trung thu xinh xắn, ngon mắt do chính Nguyên làm, ít ai nghĩ rằng hồi ấu thơ, món bánh trung thu lại là món khiến cô nàng "dị ứng" nhất bởi độ ngọt khắt. Nguyên kể: "Hồi bé mỗi lần trung thu, ở nhà mọi người cắt bánh ra mình chỉ toàn ăn mỗi phần trứng muối, cứ nghe đến mùi bánh là mình sợ vì mình không phải là đứa ưa đồ ngọt. Mình không thích bánh nhân đậu xanh, tất cả các loại nhân đậu xanh luôn. Bánh trung thu ngoài nhân đậu xanh ra thì các loại khác hay có mùi rất ngọt. Nhưng sau này đến khi tự làm thì mình tự ý điều chỉnh các thành phần một chút, nên tự nhiên lúc thử bánh mình cảm thấy nó ngon và không như ngày xưa mình thấy".
Nhiều chị em yêu bếp đều công nhận rằng làm bánh trung thu không phải dễ dàng. Lần đầu tiên Nguyên làm bánh trung thu là cách đây hơn 5 năm. Nguyên vẫn nhớ mãi mẻ bánh trung thu đầu tiên tự làm "cười ra nước mắt" đó, trong quá trình chuẩn bị háo hức bao nhiêu thì khi bánh ra lò thất vọng bấy nhiêu: "Trông bánh xù xì xấu xí như cục gạch trông mà muốn khóc ấy. Nhưng sau đó nếm vị thì thấy ngon vô cùng, nên bạn bè và mẹ mình động viên hãy tiếp tục thử lại và sau đó thì mình thành công cũng như bỏ túi được nhiều kinh nghiệm cho bánh trung thu hơn".
Mùa Trung thu năm 2016 rộ lên trào lưu bánh trung thu Lava HongKong, Nguyên rất muốn thử làm nhưng khi đó gần như trên internet không thể tìm được công thức để làm loại bánh này.
Vậy là cô nàng đã thức trắng 2 ngày liền không ra ngoài để làm thử rồi ghi chép lại, tới đêm thứ 2 thì Nguyên đã thành công sau khi bỏ đi gần cả... triệu bạc cho chi phí nguyên liệu vì làm hỏng. "Sau khi làm xong là tầm 4 giờ sáng, mình hào hứng viết lại công thức để chia sẻ cho mọi người nên không ngủ được, lại chờ đến 6 giờ sáng để có ánh sáng ngoài trời để chụp lại ảnh và viết bài chia sẻ cho mọi người. Ở thời điểm đó mình là người duy nhất và đầu tiên chia sẻ công thức loại bánh này, nên các chị các bạn trên các group bánh quý mình lắm", Nguyên vui vẻ kể. "Vì cũng là một người tự tìm tòi và làm bánh mà không qua một trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào, nên thật sự mình rất hiểu và muốn chia sẻ những công thức hay ho đến với mọi người".
Sau một thời gian Nguyên cũng đã từng nghĩ: "Thôi chán rồi, không làm bánh nữa, bỏ đi blog nấu ăn cũ, bỏ hết...". Vậy mà như một mối duyên, giờ nàng Marketer 9x lại quay về bếp bánh với fanpage "Ngủ quên trong bếp" để chia sẻ những công thức làm bánh hay ho.
Ban biên tập mục Ăn ngon xin chân thành cảm ơn Thảo Nguyên đã nhiệt tình chia sẻ với bạn đọc về công thức làm món bánh trung thu atiso gạo lứt độc đáo này. Hy vọng Thảo Nguyên sẽ luôn tìm thấy niềm vui trên hành trình làm bánh của mình!
Sep
Ảnh: NVCC (Page Ngủ quên trong bếp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất