Giá đỗ là thực phẩm chứa nhiều chất dinh dương tốt cho sức khỏe như vitamin đặc biệt là vitamin C, giàu khoáng chất, amino acid, protein... Chính vì vậy giá đỗ được chị em nội trợ bổ sung thường xuyên vào thực đơn hàng ngày của gia đình.
Cách làm giá đỗ không khó, tham khảo cách làm giá đỗ dưới đây của chị Lã Thu Giang (Hà Nội) để làm cho gia đình thưởng thức, vừa ngon vừa đảm bảo vệ sinh nhé!
Nguyên liệu:
- 100gram đỗ xanh loại nhỏ.
- Vải xô hoặc giấy ăn loại dai, dày
Cách làm:
Ngày 1:
- Cho đỗ xanh vào bát, ngâm với nước ấm khoảng 50 độ C. Bạn có thể pha tỉ lệ 2 sôi, 3 lạnh để ra nước ấm như ý (ngâm với nước ấm giá đỗ sẽ nhanh nảy mầm hơn). Ngâm đỗ từ 8 - 10 tiếng qua đêm.
- Chuẩn bị cái rổ thưa, sau đó ngâm ướt miếng khăn xô hoặc giấy ăn loại dai trước rồi phủ xuống lòng rổ.
- Đậu sau khi ngâm qua đêm vớt ra rồi xả qua nước lạnh, để hơi ráo.
- Cho đậu lên miếng khăn xô đã lót trong rổ, dàn đều đỗ xanh sau đó phủ thêm một lớp khăn xô lên trên lớp đậu. ( Lớp này khăn này không cần quá dày, khiến đậu xanh bí, khó lấy được không khí)
- Tiếp theo bạn rưới nước lên bề mặt khăn xô để khăn ướt và giữ ẩm cho giá đỗ, đặt rổ lên một cái bát/ nồi để hứng phần nước chảy xuống.
- Cuối cùng đặt một cái đĩa nặng lên trên bề mặt khăn xô để nén, việc này giúp cho giá đỗ không mọc lung tung và quá dài, gầy. Nếu bạn muốn giá mập mạp và ngắn hơn có thể đặt thêm 2-3 cái bát.
Lưu ý: Khi làm giá đỗ, cần phải để trong bóng tối thì giá mới trắng. Nếu để ở ngoài sáng, giá sẽ chuyển sang màu xanh vàng, ăn giá có vị hơi đắng. Do đó nếu nhà không có phòng tối hoàn toàn thì các bạn có thể phủ một chiếc túi nilon màu đen lên trên. Không được phủ quá kín làm giá đỗ không thở được và chết.
- Cứ lần lượt mỗi ngày, các bạn tưới nước cho giá đỗ từ 2-3 lần, sáng - trưa - tối. Nếu không có thời gian có thể tưới buổi sáng và tối. Sau khi tưới lại chèn vật nặng lên và cất vào chỗ tối.
- Đến ngày thứ 4 là có thể lấy giá ra ăn và chế biến các món ăn yêu thích.
Chúc các bạn thực hiện thành công!
Thảo Vy
Ảnh: NVCC
Top 5 tập tục hôn nhân dị nhất Việt Nam