Mẹ đảm mát tay làm vườn rau trái “gì cũng có” ở Hà Nội, thu hoạch mỏi tay mỗi ngày
Cách đây 6 năm, chị Văn Thị Ngọc (SN 1982) quyết định "phủ xanh" sân thượng ở ngôi nhà thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội thành khu vườn nhỏ để trồng rau, dưa, thỏa mãn thú vui nhà nông.
Sân thượng rộng khoảng 50m2, được phân chia thành 2 khu vực. Phần diện tích phía trước được chị Ngọc bố trí chủ yếu trồng hoa hồng, xen kẽ với các loại hoa theo mùa khác. Nữ gia chủ thiết kế thêm bộ bàn ghế nhỏ làm nơi thư giãn, ngắm cảnh và thưởng trà cho các thành viên trong gia đình. Còn khu vực phía sau được dành làm không gian trồng rau và các loại cây ăn quả.
Khu vườn trên cao xanh mướt, tràn ngập các loại rau xanh và trái cây của gia đình chị Ngọc.
Để tiết kiệm diện tích, tận dụng lớp không gian trên cao và trồng được nhiều loại rau trái, chị còn làm giàn cho các cây thân leo như bầu, mướp.
Để hạn chế sâu bệnh và thuận tiện chăm sóc, chị Ngọc ưu tiên trồng rau theo mùa, mùa nào thức nấy. Đây cũng là những giống rau dễ trồng, nhanh cho thu hoạch như rau muống, mồng tơi, mướp và một số giống rau thơm, cây gia vị như sả, nghệ, hành.
Ngoài các loại rau, trong vườn còn có một số giống cây ăn trái như ổi, nho, đu đủ, táo mỹ nhân. Chị Ngọc cũng mạnh dạn chinh phục nhiều loại dưa khác nhau trên sân thượng dù đây là giống cây ưa nắng, khó trồng, khó chăm, đòi hỏi quá trình chăm sóc tỉ mỉ, kỳ công.
"Việc đầu tiên là phải chọn được giống dưa chất lượng từ cơ sở bán giống uy tín. Sau khi trồng, mình nhận thấy dưa lê xanh Trung Quốc, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột giống tự thụ phấn là những loại cây có khả năng phát triển khỏe, cho trái ngon, ngọt. Mỗi loại dưa lại có cách chăm sóc khác nhau, như dưa lê cần rất nhiều nắng, phải trồng ở nơi có nắng chiếu trực tiếp ít nhất 8 tiếng/ngày. Đất trồng dưa phải đảm bảo tơi xốp và giữ ẩm tốt", chủ nhân khu vườn chia sẻ.
Vườn được chăm sóc theo phương pháp hoàn toàn hữu cơ nên đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe con người.
Phần lớn diện tích được nữ gia chủ dành để trồng các loại dưa – loại trái cây mà cả gia đình đều yêu thích vì có hương vị thơm ngon.
Chị cũng tiết lộ, về giá thể, chị không trộn quá nhiều phân để tránh tình trạng cây bị lốp lá, thối thân cây con hoặc cháy lá rụt ngọn. Thay vào đó, chị sử dụng đất trộn gồm 40% đất thịt, 20% trùn quế, bò, gà viên, 10% xơ dừa, 20% trấu hun, trấu sống, 10% nấm trichoderma, nấm xanh. Đồng thời phủ một lớp rơm mỏng, xơ dừa hoặc vỏ lạc hay cây cỏ khô… để giữ ẩm trên bề mặt đất.
Ngoài ra, chị còn thường dùng các dung dịch hỗn hợp như tinh dầu Neem; nấm trichoderma; tinh vôi 98; thuốc lào tỏi ớt; dầu ăn và nước rửa bát; nước súc miệng Listerine; soda baking; tinh dầu quế,... để phòng bệnh cho dưa. Tuy nhiên, nên phun phòng bệnh cho cây vào chiều mát vì ban ngày thời tiết nắng nóng, khi phun dễ làm cây bị cháy lá và trôi mất phấn hoa.
"Khi cây trưởng thành, chú ý bấm ngọn từ lá thứ 6 cho cây phát triển nhiều nhánh, chỉ giữ lại 3 nhánh khỏe nhất còn các nhánh yếu và lá già, bị bệnh thì loại bỏ. Từ nhánh sẽ ra hoa cái nhiều hơn, khi đậu quả ngắt luôn ngọn đầu nhánh cách quả một lá. Nhánh nào không có hoa cái tiếp tục vặt ngọn cho cây phát nhánh. Cứ tiếp tục quy trình như vậy để dưa cho được nhiều trái nhất", chị Ngọc nói.
Khi cây đậu quả, một cây có thể nuôi được từ 2-4 quả dưa, tùy vào chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu giữ lại nhiều trái, thường chỉ một trái phát triển còn các trái còn lại sẽ bị đui hoặc chậm lớn.
Khi thu hoạch hết lứa dưa đầu tiên, nếu cây khỏe thì những quả chậm lớn sẽ tiếp tục phát triển nên chị thường không vặt bỏ, giữ nguyên.
Hàng ngày, chị Ngọc tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi lúc sáng sớm và chiều mát để lên chăm vườn. Những hôm thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, chị phải tranh thủ cả buổi trưa để tưới nước cho cây, tránh tình trạng cây bị héo vì mức nhiệt quá cao trên sân thượng.
Ngoài các khâu chăm sóc như tỉa lá già, lá bệnh, phun phòng định kỳ, thụ phấn và bọc quả, chị còn chú ý bổ sung dinh dưỡng cho cây. Khi quan sát thấy rễ ăn lên bề mặt đất, chị tiến hành bổ sung đất mới cho dưa. Mỗi tháng 1-2 lần, chị lại rắc thêm phân trùn hoặc phân gà viên. Ngoài ra tưới nước rác ủ (nếu có), dung dịch trứng, chuối, sữa đều đặn 1-2 lần/tuần giúp cây phát triển khỏe mạnh hơn.
Chị Ngọc cho hay, dưa lưới trồng khó hơn dưa lê và cần nhiều kỹ thuật phức tạp cho mỗi giai đoạn như phun phòng, đi phân, cắt nước,...
Mỗi vụ thu hoạch, mẹ đảm Hà Thành lại bội thu các loại dưa, trái cây, thoải mái để gia đình thưởng thức.
Nhờ được chăm sóc khoa học mà vườn dưa chuẩn hữu cơ của chị Ngọc ra trái to, ngon, ngọt đậm, giúp gia đình có thể thưởng thức nguồn trái cây sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Chị thừa nhận, làm vườn sân thượng tuy hạn chế được sâu bệnh hơn so với dưới đất nhưng khó khăn trong việc vận chuyển đất và phân lên vườn. Bên cạnh đó, để đảm bảo làm vườn hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến kết cấu trần nhà, vợ chồng chị còn phải xử lý sàn chống thấm, thiết kế khung giàn inox rồi mới trồng cây.
Mỗi lần thu hoạch, chị lại chia sẻ thành quả lao động với bạn bè, người thân cũng như chế biến nhiều món ngon chiêu đãi cả gia đình.
Con gái chị thích thú lên vườn sân thượng, phụ giúp mẹ thu hoạch rau, trái cây.
Khu vườn không chỉ là nguồn cung cấp rau, củ, quả sạch mà còn là nơi thư giãn, gắn kết tình cảm, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. "Nhiều lúc mệt mỏi hay căng thẳng, mình chỉ cần lên vườn tưới cây, ngắm nghía một lúc là cảm thấy như mọi lo lắng, muộn phiền đều tan biến hết. Khu vườn chính là nguồn năng lượng tích cực cả về vật chất lẫn tinh thần cho cả nhà", chị Ngọc bày tỏ.
Ngọc Anh - Ảnh: Văn Thị Ngọc
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất