Cận cảnh hình ảnh Đại Nội, Kinh Thành Huế nhìn từ trên cao, dân mạng trầm trồ thả nghìn like vì màu xanh ấn tượng

2023-03-20 15:04
- Màu xanh trong bức ảnh chụp cảnh Đại Nội Huế từ trên cao đã gây ấn tượng với mọi người.

Kinh Thành Huế còn lại đến ngày nay là công trình mang giá trị lịch sử vô giá. Đến nay, nhiều di tích bên trong Kinh Thành Huế vẫn được giữ gìn và bảo tồn giúp du khách và người dân địa phương hiểu phần nào về cuộc sống chốn cung đình xưa.

Mới đây, cư dân mạng chia sẻ hình ảnh về toàn cảnh khu Đại Nội của Kinh Thành Huế nhìn từ trên cao. Khung cảnh xanh ngắt với lối quy hoạch đẹp, ấn tượng thể hiện tầm nhìn của cha ông từ xưa. 

Không phải ngẫu nhiên mà nhìn từ trên cao, Đại Nội Huế có màu xanh dẹp như vậy. Bởi, trong lối thiết kế kiến trúc cảnh quan các khu vực di tích Huế thì các thành tố mặt nước, cây xanh, sân vườn, cây kiểng luôn là những thành phần không thể thiếu để tạo nên bố cục cảnh quan chung của công trình. Chúng góp phần tạo ra những nét rất riêng cho lối kiến trúc cung đình của mảnh đất thần kinh.

Đặc biệt, hệ thống cây xanh là một trong những nhân tố chính của cảnh quan khu di tích, những hàng cây xanh đồ sộ, hùng vĩ lớn dần theo thời gian tồn tại của nó góp phần tạo màu xanh, bóng mát, tăng tính thâm nghiêm, cổ kính cho các công trình kiến trúc của di tích, đồng thời chúng còn mang những ý nghĩa văn hóa lịch sử, thông qua những nét đặc thù riêng về chủng loại và phân bố ở từng khu vực.

Ngoài tận dụng phong cảnh có sẵn của xứ Huế, Kinh Thành Huế và Đại Nội còn có  hàng loạt khu vườn Thượng uyển với quy mô lớn, tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao được lập nên và các loài hoa thơm, cỏ lạ, cây cảnh đẹp, độc đáo từ khắp nơi trong cả nước được huy động về để phục vụ cho nhu cầu trang trí cảnh quan chốn Cung đình.

Đến nay, nhiều cây xanh hàng trăm năm tuổi vẫn còn lại trong Đại Nội Huế. Ví dụ, ở phía Tây Điện Thái Hòa còn có 2 cây tếch được trồng từ thời vua Minh Mạng. Sau điện Thái Hòa, có 2 cây ngô đồng. Đây là 2 cây đầu tiên được vua Minh Mạng mang từ Quảng Đông Trung Quốc về trồng sau điện Thái Hòa và trước điện Cần Chánh.

Cây thông cổ ở Thế Miếu trong Đại Nội.

Cung Diên Thọ có cây la hán tùng (vạn niên tùng) cổ thụ được xếp vào hàng bậc nhất Việt Nam với tuổi thọ trên 100 tuổi. Khác với loại tùng ở miền Bắc, cây tùng này có lá nhỏ hơn và rất khó trồng. La hán tùng mặc dù sống lâu năm nhưng bộ lá của cây thì mãi mãi xanh tượng trưng cho sự trường thọ.

Ngoài ra, ở Thế Miếu còn có cây thông cổ từ thời vua Minh Mạng. Đại Nội còn có nhiều cây cổ thụ khác như 2 cây bàng cổ ở hai bên cổng Hiển Lâm Các (Thế Miếu),, hai cây vải cổ thụ được trồng ngay ngắn trong bồn trước sân điện chính Cung Diên Thọ…

Khu Đại Nội Huế được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới UNESCO từ năm 1993. Toàn cảnh Đại Nội Huế còn lưu giữ nhiều dấu ấn đặc sắc của phong kiến triều đình nhà Nguyễn hàng trăm năm. 

Năm 1803 thời kỳ vua Gia Long lên ngôi, ông nhận thấy vùng đất Huế là chốn thanh bình phong cảnh lại thơ mộng trữ tình bên dòng sông Hương. Từ đó, vua Gia Long đã nảy ra ý định chọn vùng đất này là vùng đất làm cố đô của triều đình nhà Nguyễn. Sau 30 năm khởi công xây dựng với bao nhiêu công sức, tổng thể công trình kinh đô mới chính thức được hoàn thành trọn vẹn, Đại Nội Huế mang vẻ đẹp hữu tình, hòa hợp với vẻ đẹp của thiên nhiên.

Đại Nội Huế có hai khu vực chính là Hoàng thành và Tử Cấm thành, mỗi khu vực lại bao gồm nhiều công trình khác nhau. Khu Hoàng thành gồm có cổng Ngọ Môn, Điện Thái Hòa. Tử Cấm thành là khu vực dành riêng cho vua và hoàng tộc, gồm Đại Cung Môn, Tả Vu và Hữu Vu, Điện Cần Chánh, Thái Bình Lâu, Cung Diên Thọ...

Thu Trang 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Gửi người từng phản bội: Chỉ một lần quay đi, anh mãi mãi chẳng có đường quay trở lại!