"Vỡ chum" đúng dịp Tết Nguyên đán, mẹ bầu phải nhớ những lưu ý sống còn này!

2019-02-01 13:52
- Nếu ngày dự sinh rơi đúng vào dịp Tết Nguyên đán, mẹ bầu cần chuẩn bị kĩ lưỡng hơn cả về đồ đạc và tâm lý để con chào đời khỏe mạnh, suôn sẻ.

Những ngày cận Tết nguyên đán, gia đình nào cũng đang tất bật sửa sang, trang hoàng nhà cửa, mua sắm đồ đạc để chuẩn bị đón năm mới. Trong lúc này, nhiều mẹ bầu còn bối rối và lo lắng hơn nếu có ngày dự sinh rơi đúng vào những ngày nghỉ Tết.   

Trên thực tế, những vật dụng mẹ cần chuẩn bị khi sinh con ngày Tết và ngày thường trên cơ bản là như nhau. Vậy nhưng bên cạnh đó, mẹ cũng phải lưu ý những vấn đề dưới đây để ca vượt cạn trong dịp Tết Nguyên đán được suôn sẻ.  

Sẵn sàng tâm lý "vỡ chum" ngay cả trong thời khắc giao thừa  

Bước vào tháng cuối thai kỳ, chắc hẳn mẹ bầu đã biết được ngày dự sinh của mình. Nếu ngày đó rơi vào từ 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng âm lịch thì mẹ hãy chuẩn bị sẵn sàng tâm lý có thể sinh con bất cứ lúc nào bởi ngày dự sinh chỉ là phép tính tương đối.   

 Vỡ chum đúng dịp Tết Nguyên đán, mẹ bầu phải nhớ những lưu ý sống còn này!

Ngày dự sinh chỉ là tương đối nên mẹ bầu có thể "vỡ chum" bất cứ lúc nào. (Ảnh minh họa)  

Ngoài những đồ đạc cần thiết khi đi sinh, các mẹ bầu cần lên kế hoạch, sắp xếp trước người thân đi cùng khi chuyển dạ để được chăm sóc chu đáo và chủ động vì ngày Tết công việc bộn bề, mọi người có thể không xoay sở kịp.   

Chuẩn bị đồ dùng cho mẹ và bé   

Nếu dự sinh vào dịp Tết Nguyên đán, chắc chắn mẹ bầu đã chuẩn bị sẵn sàng đồ đạc cho mẹ và bé. Tuy nhiên, mẹ hãy kiểm tra lại một lần cuối bởi ngày Tết muốn mua thêm đồ sẽ rất khó.  

Đồ cho em bé  

- Quần áo trẻ sơ sinh (3 bộ): Khi ở viện, thường thì bé sẽ dùng tất cả đồ của bệnh viện nhưng để đề phòng trường hợp bé thường xuyên tè, ị, trớ sữa… mẹ vẫn nên chuẩn bị thêm đồ từ nhà mang đi. Nếu sinh mổ, chị em có thể phải ở bệnh viện thời gian dài hơn nên cần chuẩn bị thêm đồ cho bé.  

- Chăn cho bé (2 chăn): Mặc dù ở khá viện ấm áp nhưng mẹ vẫn nên đắp riêng chăn cho bé kẻo khi mẹ rời giường, bé có thể bé bị lạnh.  

- Tã lót (5-7 cái): Trẻ sơ sinh có thể tè 12 lần trong ngày vì vậy mẹ nhớ chuẩn bị tã giấy loại dùng cho trẻ sơ sinh, tã vải loại dán hoặc tã chéo.  

- Băng rốn: 3 bộ.  

- Mũ, bao tay chân: khoảng 3-5 bộ. Bao tay chân của bé mẹ nhớ lộn trái, cắt hết những sợi chỉ thừa. Đã từng có trường hợp bé bị chỉ thừa của những bao tay chân này quấn quanh tay siết chặt dẫn đến hoại tử ngón tay.  

- Khăn sữa: khoảng 20 chiếc để lau cho bé và lau ngực cho mẹ.  

- Sữa bột cho bé: Nếu sữa mẹ chưa thể về ngay, các mẹ có thể cho em bé bú thêm 1-2 cữ sữa ngoài.  

- Các đồ dùng khác: rơ lưỡi, dụng cụ lấy ráy tai cho bé, tấm lót chống thắm, kem chống hăm, ly nước nhỏ và muỗng inox dành cho trẻ sơ sinh. Mẹ chú ý không được dùng những muỗng mỏng có thể làm rách miệng của bé.  

 Vỡ chum đúng dịp Tết Nguyên đán, mẹ bầu phải nhớ những lưu ý sống còn này!

Mẹ hãy kiểm tra thật kỹ đồ đạc của mẹ và bé khi đi sinh vì dịp Tết sẽ khó mua đồ hơn. (Ảnh minh họa)  

Đồ cho mẹ  

- Trang phục: mẹ nên mang áo có cúc và váy rời. Khi sinh, các sản phụ sẽ mặc trang phục của bệnh viện nhưng sinh xong mẹ được phép mặc đồ của mình mang theo. Nếu mẹ mang quần sẽ không tiện cho việc thăm khám, khi đó mẹ sẽ phải mặc váy của bệnh viện. Mẹ nhớ mang thêm 1-2 bộ quần áo đặc biệt là áo khoác, áo ấm để dành mặc khi xuất viện.  

- Đồ vệ sinh cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, lược chải đầu...  

-  Băng vệ sinh: băng vệ sinh thường (3 chiếc) dùng khi chuyển dạ, bỉm cho mẹ (5 chiếc) dùng cho hai ngày đầu sau sinh, băng vệ sinh dày cho bà đẻ (1 gói) dùng cho những ngày tiếp theo.  

- Quần lót và áo ngực cho con bú: tốt nhất là mẹ nên mang theo quần lót giấy, sử dụng một lần.  

- Miếng lót thấm sữa phòng khi sữa chảy nhiều, rỉ sữa.  

- Dụng cụ hút sữa phòng khi chưa thể cho con bú trực tiếp.  

- Một chiếc gối mềm dành khi cho con bú hay khi mẹ cần nghỉ ngơi.  

- 2-3 chai nước lọc, sữa tươi để bổ sung năng lượng khi mẹ đói giữa đêm khuya.  

Đồ cho người thân  

Không chỉ có mẹ mà gia đình đều rất lo lắng, hồi hộp cho ca sinh nở. Có thể là bố hay bà ngoại, bà nội bé... sẽ chăm sóc mẹ và bé trong những ngày lưu lại bệnh viện sau sinh. Hãy chuẩn bị một số vật dụng để dành cho "hậu phương vững chắc" này:  

- 1-2 bộ quần áo để thay đổi.  

- Đồ dùng cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt...  

- Dép đi trong nhà.  

- Thức ăn nhẹ phòng khi đói bụng giữa đêm khi chăm sóc hai mẹ con.  

- Máy ảnh, máy quay, điện thoại di động... để lưu lại những khoảnh khắc quý giá khi đón bé yêu chào đời, đặc biệt là khi đúng vào dịp Tết nên mẹ sẽ có nhiều giây phút đáng nhớ để ghi lại.   

 Vỡ chum đúng dịp Tết Nguyên đán, mẹ bầu phải nhớ những lưu ý sống còn này!

Chuẩn bị kĩ càng cả đồ đạc và tâm lý, mẹ chắc chắn sẽ có một ca "vượt cạn" suôn sẻ. (Ảnh minh họa)  

Chuẩn bị giấy tờ trước khi đi sinh   

Bên cạnh đồ đạc và tâm lý thì giấy tờ cũng là vấn đề mẹ bầu cần quan tâm khi chuẩn bị sinh. Bao gồm:   

- Tất cả các loại hồ sơ, sổ khám thai, kết quả xét nghiệm, siêu âm kể từ ngày bắt đầu đi khám thai để bác sĩ có thể xem lại lịch sử phát triển của thai nhi. Những giấy tờ này sẽ giúp bác sĩ đánh giá đúng hơn tuổi cũng như các tình trạng khác của thai, bệnh lý của mẹ.  

- Các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, bảo hiểm y tế. Nên photocopy sẵn hai bản và mang theo cả bản gốc đề phòng trường hợp bệnh viện yêu cầu.  

- Tiền để đóng phí tạm ứng và chi tiêu những khoản phát sinh khi nằm viện (lưu ý mang theo cả tiền lẻ, không nên chỉ mang tiền chẵn bởi ngày Tết ít người ở viện sẽ rất khó đổi tiền).

Theo Ngọc Linh (thoidaiplus.giadinh.net.vn)  

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 bài tập mông đơn giản với dây kháng lực