“Trần trụi trước mắt thám tử, doanh nhân thành đạt chỉ là người cha đang thảng thốt tìm lại hạnh phúc”

Thu Hà 2017-09-15 07:00
- Bức tranh gia đình thành thị với nhiều uẩn khúc đã được vén lên qua lăng kính của thám tử H.N (Hà Nội), người có 12 năm dấn thân vào nghề thám tử từ thuở còn sơ khai.

 Nỗi sợ bị kỳ thị và...lộ tẩy

Dấn thân vào nghề thám tử, họ đã đi vào con đường ly kỳ đến gian nan, đứng giữa những lằn ranh đúng - sai, được - mất. Ẩn sau đó là những nỗi niềm không phải ai cũng hiểu.    

Năm 2000, H.N tốt nghiệp ngành Luật và Tâm lý học. Trong lúc bế tắc vì ngành học xin việc rất khó, một người bạn rỉ tai H.N: “Có một công ty Sherlock Home đầu tiên ở Việt nam vừa ra đời”.

Được sự chỉ dẫn của bạn, H.N bước chân vào nghề thám tử đầy lạ lẫm mà sau này anh mới biết, nó chứa nhiều gian nan cũng như trải nghiệm mà không phải nghề nào cũng chứng kiến. 

Có lẽ, bất cứ bà mẹ nào khi đọc những dòng chia sẻ của thám tử H.N sẽ phải GIẬT MÌNH nhìn nhận lại những gì đang diễn ra trong cuộc sống gia đình và tâm tư của con cái, đặc biệt là trẻ đang ở độ tuổi "ẩm ương" nổi loạn. 

“Những năm 2000, nghề thám tử chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ. Người làm nghề chỉ được phổ biến các vấn đề cơ bản mình phải giải quyết cho khách hàng như: Ngoại tình và vấn đề ngoại tình là gì? Bạo hành gia đình và kỹ năng can thiệp? Trẻ con bỏ nhà đi thì làm như thế nào? Rất may, các kiến thức về luật pháp, tâm lý học đã giúp tôi đến 50% về nghiệp vụ. 50% còn lại là tự học bằng sự nhạy cảm và trải nghiệm của mình.

Năm 2001, ở Hà Nội bắt đầu làn sóng chơi heroin trong học sinh cấp 3 kèm theo việc bỏ nhà, lập hội. Là người đi theo dõi người khác, nhưng mỗi lần ra khỏi nhà, tôi không tránh khỏi cảm giác tò mò và sợ hãi.

“Trần trụi trước mắt thám tử, doanh nhân thành đạt chỉ là người cha đang thảng thốt tìm lại hạnh phúc”

"Công cụ" vào nghề thám tử chính là sự kiên nhẫn và tình yêu thương. Ảnh minh họa.

Hãy hình dung một loạt việc thám tử phải làm để theo dõi một đứa trẻ bỏ nhà. Thứ nhất, cậu ấy hay vào rất nhiều ngõ nhỏ trong “xóm liều”, toàn dân bờ bụi để mua thuốc. Nguy hiểm sẽ đến với thám tử đến từ bảo vệ, bảo kê khu vực đó.

Thứ hai, đứa trẻ luôn phóng nhanh vượt ẩu. Để theo sát được đứa trẻ đó, tai nạn có thể đến với thám tử bất cứ lúc nào.

Thứ ba, khi màn đêm buông xuống, trẻ sẽ nhập đoàn đua xe, thám tử phải theo hoặc biết cách chặn chốt. Nếu công an bắt đoàn đua mà trong đó có thám tử, trong trường hợp đó phải khéo léo để được thả mà không ai biết bạn là ai, kể cả công an.

Thứ tư, trẻ bỏ nhà đi rất manh động, tính bầy đàn và hay quan sát. Con đường đi tìm bằng chứng chẳng ai nói trước được điều gì. Lành dữ mong manh. Nguy hiểm nhất là khi thám tử bị lộ.

Chỉ cần bị phát hiện, đứa trẻ cùng hội nhóm chúng sẽ cho thám tử “ăn đòn” ngay lập tức.

Cuối cùng là áp lực từ phía thân chủ, tức phụ huynh. Họ luôn lo lắng và có thể oán trách thám tử nếu có chuyện không hay xảy ra với con họ. Nếu ức chế và thiếu lòng thương yêu bọn trẻ, thám tử có thể bỏ cuộc giữa chừng.

Tấm mặt nạ “đeo” hàng ngày được lột bỏ

“Nếu theo dõi một đối tác kinh doanh gian lận, bị phát hiện, thám tử có thể bị xã hội đen đến tấn công, hoặc các công cụ khác để bẫy bạn vào vòng lao lý. Có lần tôi theo chân một đối tượng hay trộm, tráo hàng của công ty, về tận quê anh ta thì bị lộ, tôi bị cả đám thanh niên bao vây. Lúc ấy, tôi chỉ còn nước giấu xe vào bụi rậm, chạy như bay ẩn náu trong một cánh rừng và phát hiện ra mình đang nằm gần một ổ rắn xanh…

Tôi từng bị dọa giết hoặc nhận được những tin nhắn “đánh bom cả nhà”. Họ là dân xã hội đen được thuê đề dằn mặt thám tử.

Nhưng tôi luôn nghĩ thực ra bản chất ai cũng có phần lương thiện cả, cách giải quyết lúc này là chủ động gặp họ nói chuyện đàng hoàng. Khi đó, họ cũng “chơi đẹp”. Tôi rút ra bài học “Phải tử tế và có kỹ năng thoát nạn, nếu không bạn phải chấp nhận kết cục tồi”.

Những vụ việc rắc rối, phức tạp là cơ hội để chúng tôi hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cũng như nâng cao thu nhập. Nhưng sâu thẳm trong lòng, những điều tai nghe mắt thấy, va đập với mặt trái của cuộc sống xã hội hiện đại khiến tôi nhói lòng. Thám tử mới vào nghề thường rơi vào phẫn uất, đau lòng trước những tình huống, hoàn cảnh xấu, vô lý của cuộc sống. Bức tranh gia đình thành thị với nhiều mối uẩn khúc được vén lên trong nỗi đớn đau, tủi nhục.

“Trần trụi trước mắt thám tử, doanh nhân thành đạt chỉ là người cha đang thảng thốt tìm lại hạnh phúc”

Nhiều gia đình trẻ đang thảng thốt tìm lại hạnh phúc. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, đã làm nghề và muốn trụ lại với nghề, thám tử không thể cứ đau đớn như vậy. Nghề thám tử cho tôi cái nhìn chân thực, rõ ràng và sống động về bản chất con người - đằng sau chiếc mặt nạ mà họ “đeo” hàng ngày.

Khi thân chủ nói chuyện với thám tử, họ không còn là doanh nhân thành đạt, quan chức cấp cao, diễn viên nổi tiếng hay là người bán mũ vỉa hè bị bầm dập, họ trở về với chính mình, đang thảng thốt đi tìm hạnh phúc bị chính họ đánh cắp.

Họ thực sự trần trụi trước mặt thám tử. Trong cái trần trụi ấy, cả thám tử lẫn thân chủ bỗng có cái nhìn chính xác hơn về bản thân mình. Hay ít ra, khi đã chấp nhận nói thật, tâm lý họ cũng được giải tỏa, sống thật với chính mình và vấn đề gia đình mình đang gặp phải. Ai vượt qua chính mình thì họ thì sẽ có một cuộc sống hoàn toàn mới, suy nghĩ và hành động có trách nhiệm hơn với tổ ấm và những đứa con bé bỏng”.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Scandal Ngô Diệc Phàm tạo nên cuộc 'phong sát' lớn nhất và lập kỷ lục trên mạng xã hội