Mẹ đảm 9X chia sẻ thực đơn ăn dặm để bé bữa nào cũng ăn hết sạch sành sanh
Tin liên quan
Với mong muốn cô con gái nhỏ có những bữa ăn thật vui vẻ và hạnh phúc, chị Lê Thu Hường (27 tuổi, hiện sống tại TP.HCM) đã dành thời gian đọc sách, tìm hiểu rất nhiều trước khi bắt tay vào công cuộc cho con ăn dặm. Cuối cùng, chị đã lựa chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật chủ đạo và sẽ kết hợp thêm Baby Led Weaning (BLW) ở giai đoạn sau.
Hai mẹ con chị Thu Hường và bé Nếp.
Chia sẻ về lý do kết hợp như thế, chị Thu Hường cho biết: “ Mình muốn áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật trong thời gian đầu để giúp con có thể phân biệt được mùi vị của từng loại thực phẩm và để biết là con có dị ứng với loại nào không. Kiểu ăn dặm này cũng giúp con có thêm phản xạ nhai và nuốt khi tăng dần độ thô của thực phẩm. Còn hiện tại, khi con đã được 9 tháng tuổi, mình kết hợp thêm phương pháp BLW nữa nhằm rèn tính tự lập trong ăn uống như là tự ngồi ăn, cầm và tự đút đồ ăn vào miệng… ”.
Nhờ có mẹ chăm chỉ, lại siêng năng tìm hiểu và cất công chế biến nhiều thực đơn ăn dặm ngon, mới lạ, hấp dẫn nên bé Nếp có thói quen ăn uống rất tốt, thường “chén sạch sành sanh" khẩu phần từng bữa của mình. Bé hiện đang ở giai đoạn 3 của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, có thể ăn được nhiều loại thực phẩm mà không sợ bị dị ứng, nên chị Thu Hường bắt đầu cho bé ăn thêm các loại thịt bò, tôm, cua… để bổ sung đầy đủ hơn về dưỡng chất cho con.
Mỗi bữa ăn, chị Thu Hường đều chuẩn bị rất hấp dẫn cho con.
Trong quá trình chế biến, chị luôn đảm bảo bữa ăn của con có đầy đủ ba thành phần chính: tinh bột (cháo, mì, nui, bánh mì, bún, miến, khoai lang, khoai tây...), chất xơ (rau, củ quả...) và chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa...). Và vì bé Nếp đã có thể nhai bằng lợi nên khi nấu, chị Thu Hường cũng để thức ăn thô hơn trước. Ví dụ như rau củ không phải nghiền nữa mà chỉ cần cắt nhỏ và hầm kĩ, cháo cũng nấu đặc hơn (thường với tỉ lệ 1:4), còn thịt bò hay tôm thì chỉ cần băm nhuyễn hay xé nhỏ là được…
Đặc biệt, chị Thu Hường cũng nghiên cứu kỹ các loại thực phẩm không thể kết hợp được với nhau để tránh chế biến cho con. Có thể kể đến như: thịt lợn tránh thịt bò, các loại thịt tránh đậu nành, cà rốt tránh củ cải, thịt bò tránh đỗ đen/lươn, thịt gà tránh cá chép, tôm tránh cải bó xôi, khoai tây/khoai lang tránh cà chua, gan tránh cà rốt/rau cần…
Mỗi món ăn đều tuân theo những nguyên tắc chế biến nhất định.
Cũng theo bà mẹ trẻ, khi bé bắt đầu ăn dặm, các mẹ chỉ cần nhất là rây, máy xay, cốc đo định lượng và cân nhỏ đo định lượng. Nên tránh mua các set đầy đủ của các hãng, vì sẽ vừa tốn tiền vừa bị thừa, lãng phí.
Bình thường, chị Thu Hường dành một tiếng buổi sáng để chuẩn bị bữa trưa và 30 phút buổi trưa để chuẩn bị bữa chiều cho con. Buổi sáng, chị cũng sẽ chuẩn bị cháo cho cả ngày vì mẹ còn bận đi làm công sở. Còn những món còn lại như món ăn kèm (thịt, canh, súp…) hoặc các loại sữa hạt, bánh, chè… thì chị chế biến và cho con ăn ngay trong buổi đó. Vì tính chị khá cầu kỳ, không muốn để đồ ăn của con trữ lạnh qua ngày.
Dưới đây là một số thực đơn ăn dặm kiểu Nhật mà chị đã chuẩn bị cho bé Nếp:
Một bữa ăn dặm kiểu Nhật gồm có: Cháo (tỷ lệ 1:7) phô mai, gà nấu hành tây, canh rau ngót và sữa chua (làm từ sữa mẹ) trộn xoài.
Cháo, cá hồi sốt đậu hũ cà chua, sữa khoai lang, bí.
Cháo, khoai lang hấp nghiền, mướp hương hấp và sữa mè đen ngô nếp.
Cháo, súp cá lóc đậu bắp, chè đậu đỏ.
Mì somen cải bó xôi nấu tôm, canh mồng tơi và sữa chua làm từ sữa mẹ.
Cháo hạt sen bí đỏ ăn với thịt gà hấp.
Cháo, tôm xào lặc lày, canh rau muống và nước dashi.
Cháo hạt sen, trứng chiên tôm, cà rốt sốt cam và canh hẹ nước dashi.
Cháo, trứng nấu súp sơ và cà rốt nghiền nước dashi.
Cháo phô mai rắc, canh cà rốt súp lơ, thịt heo hấp, bánh flan phô mai.
Cháo, cá hồi hấp gừng, tôm sốt bầu và canh cải thảo.
Công thức nấu 1 số món cháo, mì, súp cho các bé
1. Mì somen sốt gà
Nguyên liệu: Thịt gà, mì somen, nước dashi
Cách làm: Thịt gà luộc lên lóc xương, xé/bằm nhỏ. Mì somen đun sôi 4 phút, lấy ra cắt sợi ngắn dài tùy theo độ ăn thô của bé. Cho dầu olive vào chảo, đảo thịt gà qua, đổ nước dashi cùng mì somen vào.
2. Súp bánh mì táo
Nguyên liệu: 2 lát bánh mì, vài miếng táo.
Cách làm: Bánh mì bỏ phần viền ngoài. Cho nước dashi vào nồi, bỏ bánh mì vào đánh đều đến khi quyện lại, bỏ vào bát. Táo hấp rồi rây/nghiền, bỏ lên súp bánh mì.
3. Bánh khoai lang phô mai
Nguyên liệu: 1 củ khoai lang tím, 1 muỗng bột mỳ, 4 miếng phô mai con bò cười.
Cách làm: Hấp khoai lang chín mềm. Trộn khoai lang với bột mỳ tán mịn đều. Vắt thành viên rồi bỏ phomai làm nhân, viên thành viên tròn hoặc vuông. Hấp cách thủy 10-15 phút.
4. Cháo hạt sen phô mai
Nguyên liệu: Cháo (tỷ lệ 1:6), phô mai rắc, hạt sen (6-7 hạt).
Cách làm: Hạt sen đun nhuyễn, bỏ lõi xay rồi trộn chung cùng cháo, cho phô mai rắc lên trộn đều.
5. Súp cá lóc bí đỏ
Nguyên liệu: Cá lóc (1 khoanh nhỏ), bí đỏ (2 thanh), hành tây (1 lát nhỏ), dầu olive, nước dashi.
Cách làm: Cá lóc hấp cùng gừng, lóc xương dằm nhỏ. Bí đỏ, hành tây hấp/luộc mềm, rây hoặc cắt khúc nhỏ. Bỏ ít dầu olive vào chảo, đảo cá quả sơ qua rồi cho nước olive, bí đỏ, hành tây rây vào. Đun sôi liu riu, bỏ bột ngô (pha qua nước lạnh) cho hỗn hợp sệt rồi tắt bếp.
6. Súp gà nấm
Nguyên liệu: Thịt gà (1 miếng nhỏ kích thước bằng bao diêm), nấm hương (2 cái).
Cách làm: Thịt gà luộc mềm, xé bằm nhỏ tuỳ theo độ ăn thô của bé. Nấm hương ngâm cùng nước ấm, nở mềm rồi bằm nhỏ. Cho nấm hương vào nước luộc gà, đun liu riu gần cạn rồi cho thịt gà vào.
7. Súp cá hồi khoai tây
Nguyên liệu: Cá hồi, khoai tây, bột bắp Topvalu.
Cách làm: Cá hồi ngâm qua với sữa tươi tầm 5-10 phút cho khử mùi tanh, rửa sạch, hấp cùng gừng. Cá chín nghiền/rây theo độ ăn thô của bé. Khoai tây luộc/hấp. Cho nước dashi vào nồi, đun sôi, cho khoai tây đã rây mịn vào, rồi cho cho cá hồi vào, bột bắp pha loãng cho vào khuấy đều cùng hỗn hợp cho sền sệt. Chuẩn bị tắt bếp, bỏ ít hành lá cắt nhỏ vào.
8 . Bún thịt gà
Nguyên liệu: Bún sợi khô , bí đỏ, mướp Nhật (quả lặc lày), thịt gà.
Cách làm: Luộc bún sợi khô 4-5 phút cho mềm, vớt ra, cắt nhuyễn tùy theo độ ăn thô của bé. Bí đỏ, mướp nhật hấp/luộc chín, rây/nghiền. Thịt gà luộc cùng tí gừng cho thơm, cắt nhỏ/xay. Cho nước dashi vào nồi, nước sôi cho bún, thịt gà, bí đỏ, mướp nhật vào, để tầm 1 phút tắt bếp. Để nguội tầm 40 độ cho thêm dầu olive/dầu mè trộn đều.
9. Nui sốt bò bằm
Nguyên liệu: Nui xoắn Wakodo, thịt bò xay, cà chua, hành tây, dầu olive, bột bắp Topvalu.
Cách làm: Luộc nui 5-7 phút cho mềm, vớt ra. Cà chua bỏ hạt xay mịn. Hành tây cắt/băm nhỏ theo độ ăn thô của bé. Cho 1 thìa dầu olive vào chảo, cho hành tây vào xào đều, khi hành trong cho thịt bò vào xào. Đổ cà chua xay vào hỗn hợp thịt bò, có thể cho thêm ít bột bắp pha loãng để sền sệt.
10. Súp cá hồi đậu nành
Nguyên liệu: Cá hồi, đậu nành Adamame, nước dashi, bột ngô.
Cách làm: Cá hồi hấp chín, nghiền/rây/xay theo độ ăn thô của bé. Đậu nành Adamame luộc sơ qua, nghiền/bằm/xay dựa vào độ ăn thô của bé. Cho nước dashi vào nồi, rồi cho cá hồi, đậu nành vào, khi hỗn hợp sôi, bỏ bột ngô quấy đều sánh lại rồi tắt bếp.
Theo PV/Trí Thức Trẻ
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất