Lương y “mách” mẹ những món ăn dân gian cực dễ nấu để con gái giảm đau bụng kinh ngày “đèn đỏ"
Tin liên quan
Lương y “mách” mẹ những món ăn dân gian cực dễ nấu để con gái giảm đau bụng kinh ngày “đèn đỏ”
Làm mẹ, bạn có thể giúp con gái vượt qua cơn đau bụng kinh bằng những món ăn dân gian dễ làm tại nhà.
Trẻ nghỉ học chỉ vì cơn đau bụng kinh
Con gái chị Nguyễn Thị Thủy (Q. Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên khi bé học lớp 4. "Con lúng túng không biết thay băng vệ sinh thế nào. Hầu hết đều phải nhờ mẹ. Thành thử mẹ phải tranh thủ giờ nghỉ trưa ở cơ quan về thay cho con", chị Thủy tâm sự. Nhưng điều khiến chị xót xa hơn cả là con rất đau bụng mỗi khi kỳ kinh đến. Có đêm chị phải xoa bụng, xoa lưng cho con bớt khó chịu.
Còn chị Lê Trang (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì ám ảnh kỳ kinh của con gái không kém. Lượng máu kinh quá nhiều và cơn đau bụng khiến con chị chỉ có thể nằm bẹp tại nhà rên hừ hừ, không học hành gì được. Thậm chí có lần chị Trang phải hủy đi du lịch chỉ vì đúng lúc con gái đến kỳ kinh.
Cơn đau bụng kinh là nỗi ám ảnh của trẻ trong suốt tuổi dậy thì. Ảnh minh họa.
Trẻ gái đang có xu hướng dậy thì ngày càng sớm. Có những bé gái 9 - 10 tuổi đã bước vào tuổi dậy thì. Chảy máu ở vùng kín và những cơn đau bụng kinh khi tuổi còn quá non nớt thường khiến trẻ rất lúng túng, ngại ngùng, mệt mỏi mỗi khi kỳ kinh đến.
Thạc sỹ - Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung nhận định, trục trặc lớn nhất trong vấn đề kinh nguyệt tuổi dậy thì là ngày kinh thất thường, chu kỳ lúc ngắn, lúc dài và đau bụng kinh.
“Chứng đau bụng kinh có thể xảy ra trước – trong – sau khi hành kinh, với các biểu hiện như đau quặn thắt, đau bụng dưới và đau lâm râm kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu là do nội tiết tố trong cơ thể trẻ chưa ổn định, khí huyết vận hành không lưu thông”, Lương y Vũ Quốc Trung lý giải.
Tử cung phải tiết ra prostaglandin - chất gây co thắt tử cung để đẩy máu kinh ra ngoài và từ đó gây ra đau bụng kinh.
“Thường trục trặc này sẽ diễn ra trong vài năm, đến khi cơ thể thực sự trưởng thành thì kinh nguyệt của các em sẽ bình thường như hầu hết các phụ nữ trưởng thành khác. Tuy nhiên, những cơn đau bụng kinh dù ít hay nhiều cũng làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, thậm chí nhiều em phải nghỉ học vì những cơn đau dữ dội và kỳ kinh trở thành nỗi ám ảnh trong cả giai đoạn tuổi dậy thì”, Lương y Vũ Quốc Trung nói.
Những món ăn giảm đau bụng kinh
Theo lương y Vũ Quốc Trung, người mẹ có thể lựa chọn một chế độ ăn uống phù hợp và điều độ nhằm giúp điều hòa khí huyết, giảm chứng đau bụng kinh cho con gái. Có một số món ăn dân gian với nguyên liệu dễ kiếm có tác dụng giảm đau bụng kinh trong ngày “đèn đỏ” mẹ hoàn toàn có thể nấu tại nhà.
Đầu tiên là những món ăn từ lá ngải cứu
“Ngải cứu có mùi thơm, vị đắng, tính ấm, là một trong những vị thuốc có tác dụng tốt nhất trong việc điều hòa khí huyết, trị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều”, Lương y Vũ Quốc Trung phân tích.
Ngải cứu là món ăn có tác dụng giảm đau bụng kinh rất hữu hiệu. Ảnh minh họa.
* Cháo ngải cứu nấu gạo tẻ
- 50gram lá ngải cứu tươi(khô 30gram)
- 100gram gạo tẻ
-Thái vụn ngải cứu, cho nửa lít nước, đun sôi khoảng 30 phút, chắt lấy nước cốt
- Cho 100gram gạo tẻ nấu cùng nước cốt thành cháo
-Ăn nóng, khi ăn cho đường vừa phải và ăn liên tục 3 – 5 ngày.
* Canh ngải cứu nấu thịt nạc:
- 200gram thịt nạc heo băm nhỏ, ướp hạt nêm.
- 100gram lá ngải cứu.
- Thịt heo xào thơm, nêm nước, đun sôi, cho rau ngải cứu. Canh sôi đều, nêm vừa miệng, bắc ra ăn nóng.
* Trứng gà ngải cứu
- 20gram lá ngải cứu, gừng tươi 15g, trứng gà 2 quả
- Ngải cứu rửa sạch, thái nhỏ; gừng tươi rửa sạch, đập giập.
- Cho tất cả vào nồi, thêm 300ml nước luộc cho trứng chín, bóc vỏ trứng và ăn ngày 1 lần, ăn liền 3 - 5 ngày trước kỳ kinh.
Những món canh hầm:
Món ăn hầm vừa dễ tiêu hóa, vừa có tác dụng giúp trẻ bớt mệt mỏi vì đau bụng kinh. Ảnh minh họa.
* Gà ác hầm hoàng kỳ
- 1 con gà ác
- 50gram hoàng kỳ. Đây là một vị thuốc có tác dụng trị khí hư, mệt mỏi khi hành kinh. Bạn có thể mua tại các hiệu thuốc Đông y, phòng chẩn trị y học cổ truyền.
- Làm sạch gà, mổ moi, bỏ phủ tạng
- Cho hoàng kỳ vào bụng gà, rồi hấp cách thủy.
- Ăn nóng
*Đương quy, gừng tươi hầm thịt dê
- 150 – 200gram thịt dê.
- 50g đương quy. Đương Quy là thuốc đầu vị trong các chữa bệnh của phụ nữ, đồng thời dùng nhiều trong các đơn thuốc bổ và thuốc chữa các bệnh khác. Chủ yếu dùng chữa bệnh kinh nguyệt không điều, đau bụng kinh, người thiếu máu, tay chân đau nhức và lạnh.
- Vài lát gừng tươi.
- Tất cả rửa sạch, thái nhỏ và hầm kỹ.
- Ăn thịt, uống nước và bỏ bã thuốc.
“Trong những ngày này, tốt nhất mẹ nên chế biến cho con ăn những món ăn có tính ôn ấm, tránh ăn những đồ ăn có tính hàn, dễ gây lạnh cho cơ thể như cua, ốc,... hoặc gia vị cay, nóng khiến con thêm mệt mỏi, khó chịu”, Lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất