Hiểu tiếng khóc của con: Phương pháp luyện ngủ độc đáo nhưng hiệu quả không ngờ của mẹ 9X giúp con ngủ ngoan đến sáng
Tin liên quan
Chị Dương chia sẻ: “Việc luyện ngủ cho con sẽ rất khó, nếu như mẹ không hiểu con. Mình cho rằng, chỉ cần mẹ hiểu hết được những nhu cầu con muốn thông qua tiếng khóc, thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Nhờ đó mà Bé Bắp đã 5 tháng tuổi, con đã hoàn toàn có thể tự ngủ trong các giấc ngủ ngày (khoảng 2-3h/cữ) và đêm (từ 8h tối và 10h đêm dậy ti một lần) mà mẹ không cần dỗ dành nhiều. Thay vào đó, mẹ chỉ cần đảm bảo môi trường ngủ cho bé và vỗ nhẹ là được”.
Bé Bắp vô cùng kháu khỉnh và đáng yêu (Ảnh: NVCC)
Chị Dương cho biết, trước khi bắt đầu được mẹ luyện ngủ, bé Bắp cũng giống như hầu hết các em bé khác ở tính gắt ngủ. Con khó đưa mình vào giấc ngủ, hay khóc và cáu kỉnh. Bên cạnh đó, bé cũng chưa phân biệt được ngày đêm nên dậy liên tục, khiến mẹ nhiều lần phải thức đêm cùng.
Sinh con, nuôi con đã vất vả, nhưng lại thường xuyên phải thức đêm khiến cơ thể mệt mỏi vô cùng. Vì vậy, chị Dương đã quyết tâm bắt tay vào công việc điều chỉnh lại lịch sinh hoạt cho con. Chỉ mất khoảng 2 tuần là bé đã có thể tự ngủ được.
“Mình không áp dụng tuyệt đối phương pháp luyện con tự ngủ hiện hành nào cả. Mình cho rằng, vấn đề ở đây chính là hiểu được tiếng khóc của con thể hiện nhu cầu gì để đáp ứng.
Mình tin rằng điều các mẹ cần làm khi giúp con là phải hiểu, nắm chắc lịch sinh hoạt cũng như các nhu cầu của con. Bởi bé sơ sinh gần như chỉ có 3 nhu cầu chính là: ăn – ngủ - chơi, tuy nhiên vì chưa biết nói nên mọi nhu cầu đó đều chỉ thể hiện qua tiếng khóc. Nếu như mẹ nắm chắc được và tự tin hiểu bé khóc vì nhu cầu gì, thì việc giúp bé ngủ sẽ rất dễ dàng", chị Dương bày tỏ.
Nhờ hiểu được tiếng khóc của con, chị Dương đã thiết lập giờ giấc sinh hoạt của bé được khoa học (Ảnh: NVCC)
Theo đó, chị Dương đã chuẩn bị một quyển sổ nhỏ để ghi chép và nắm được giờ bé ăn, ngủ mỗi ngày. Nhờ đó chị cũng hiểu được tiếng khóc của con là vì nhu cầu gì.
"Ví dụ sau khi bú mẹ khoảng 2 tiếng con mới đói. Do đó, nếu Bắp mới bú lúc 6h, mà đến 6h30, 6h45 phút con khóc thì không phải vì con đói. Mình sẽ không cho con bú nữa dù ai nói gì. Tiếp đó, mình sẽ kiểm tra các vấn đề khác như bỉm có bẩn không, con có bị sốt không, ánh sáng trong phòng có chói quá không…Nếu tất cả những điều đó được loại trừ rồi thì lý do con khóc có thể chỉ vì buồn ngủ", chị Dương giải thích.
Bên cạnh đó, mẹ trẻ 9X cũng liệt kê ra một số dấu hiệu buồn ngủ của con như: Con giảm các hoạt động lẫy, chơi ê a,… bỗng yên ắng hơn, con nằm im, người bắt đầu mềm ra, nhìn mẹ chằm chằm hoặc cười… mà vẫn đang hoàn toàn thức. Con ngáp khi đang chơi, ngáp xong vẫn chơi. Con bắt đầu khóc, khó chịu, vặn vẹo, cáu gắt, sau đó khóc rất to, dai dẳng, rất khó dỗ.
Bé Bắp hiện tại có nếp sinh hoạt ăn, ngủ rất điều độ (Ảnh: NVCC)
Vì vậy khi nhận thấy con có những dấu hiệu buồn ngủ như trên, thì lập tức chị Dương sẽ cho con đi ngủ. Sau đó, chị sẽ đặt con xuống giường, trấn an con thật khẽ khàng, dùng gối chặn cho con khỏi giật mình, tay vẫn nắm nhẹ vào tay con, cho đến khi con bắt đầu nằm im hoặc ngọ nguậy xung quanh mà không hề khóc. Chị Dương giữ nguyên như vậy khoảng 2-3 phút, rồi nhẹ nhàng đi ra ngoài đứng quan sát con từ xa.
Nếu con vẫn ngọ nguậy, vặn vẹo mà không khóc, hoặc khóc hờn muốn gọi người vào, chị sẽ không vào can thiệp, dần dần bé sẽ tự ngủ. Nếu con khóc to, giãy mạnh, càng lúc càng gào to, chị sẽ vào trấn an rồi đi ra. Cũng có những khi trấn an rồi mà con vẫn khóc lớn, chị Dương sẽ vào bế bé lên, lặp lại quy trình ngủ như trên. Lần này, chị sẽ chỉ nằm cạnh, tuyệt đối không nhìn vào mắt bé, không nói gì, không phản hồi lại bất kỳ tín hiệu nào của con phát ra, mà chỉ nằm cạnh phát ra tiếng "sh, sh, sh…" cho tới khi con bình tĩnh hơn, chịu nằm yên và dần dần lim dim đi vào giấc ngủ.
Thao tác ấy cứ lặp đi lặp lại trong vòng 2 tuần thì chị Dương thu được kết quả. Bé Bắp không còn thức đêm, quấy đêm mà ngủ ngoan đến sáng, khiến mẹ cũng được nhàn nhã hơn bao giờ hết.
Thông qua hành trình giúp con tự ngủ, chị Dương cũng đưa ra lời khuyên đến các mẹ đang muốn luyện ngủ cho con rằng, nên bình tĩnh khi con khóc.
Điều quan trọn chính là theo dõi con, để tự tin biết lý do bé khóc là vì nhu cầu gì. Bên cạnh đó, hãy giữ vững lập trường, khuyên mọi người xung quanh cùng giúp bé bằng cách đừng can thiệp vào quá trình tự ngủ của con. Nếu điều đó xảy ra, sẽ khiến việc luyện ngủ của con sẽ khó khăn hơn. Cuối cùng, mẹ hãy bình tĩnh và thả lỏng, thoải mái trong việc luyện ngủ cho con, chỉ khi tâm lý của mẹ thoải mái, không bị áp lực thì mọi việc sẽ trở nên suôn sẻ, thuận lợi hơn.
Văn Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất