Cách đơn giản giúp mẹ "đánh bại" hăm tã cho con

N.L 2015-05-07 16:28
- Mùa hè nóng nực, làn da nhạy cảm của bé nếu không biết chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến hăm tã. Dưới đây là những cách điều trị hăm tã ở trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân trẻ bị hăm tã

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hăm tã nhưng phổ biến nhất là do nước tiểu của bé đọng lại quá lâu nếu mẹ ít thay tã. Hăm cũng có thể xảy ra do khi tắm xong, người bé còn ẩm mà mẹ đã vội quấn tã...

Một nguyên nhân hay gặp nữa là do lạm dụng phấn rôm. Nhiều mẹ rất thích thoa một lượt phấn rôm cho bé sau khi bé tắm xong. Cảm giác bé thơm tho, mát mẻ khiến mẹ lầm tưởng rằng phấn rôm có thể làm mát da mát thịt, chống rôm sẩy và chống hăm. Thực chất phấn rôm dễ làm bít tắc lỗ chân lông, gây khó khăn cho việc thoát ẩm của da và khiến hăm da xuất hiện.

Ngoài ra, hăm da ở bé còn do một số nguyên nhân khác như da bị kích ứng với chất liệu của tã lót, tã lót của bé không được sạch sẽ, quấn tã quá chặt, bé ăn thực phẩm mới, bị tiêu chảy kéo dài...

Cách xử trí khi bé bị hăm tã

Các bé có làn da nhạy cảm, khi nước tiểu hay tã lót chạm vào da quá lâu sẽ khiến da bé bị đau rát và ửng đỏ.

Biểu hiện

Khi trẻ bị hăm tã, thường xuất hiện những dấu hiệu sau: đỏ da ở vùng quấn tã và xung quanh bộ phận sinh dục. Vùng da đỏ có thể bắt đầu từ hậu môn của bé sau đó lan dần ra tới mông và đùi, da căng và có lốm đốm đỏ.

Nặng hơn có thể loét đỏ, chảy nước, chảy máu, diễn tiến có mủ. Trẻ bị hăm da thường đau lúc đi tiêu, quấy nhiều, thậm chí kém ăn, ít ngủ dẫn đến sụt cân.

Cách xử trí khi trẻ bị hăm tã

- Bước 1: Làm sạch

Thường xuyên kiểm tra độ ẩm ướt của tã và thay cho bé. Nên rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm, sạch, rồi thấm khô bằng khăn bông, tránh mạnh tay khiến da bé bị xây xước nhiều hơn.

- Bước 2: Giữ khô thoáng

Mẹ cần lưu ý đợi làn da bé khô ráo mới mặc tã. Đừng vội quấn tã và quấn kín mít khiến bé đổ mồ hôi dễ làm hăm tã ngay cả ở trong mùa lạnh. Nếu cần, mẹ có thể cho bé để da trần, tạo cảm giác thông thoáng, khô ráo trước khi mặc tã mới.

- Bước 3: Bôi kem chống hăm tã có tính bảo vệ và ngăn ngừa

Mẹ cần bôi một lớp mỏng kem chống hăm tã, nhất là các loại có hoạt chất giúp se lành vết thương và tái sinh da, giúp tạo màng bảo vệ cho da bé. Chú ý nếu ngón tay nào bạn đã chạm vào vùng da bị hăm thì phải dùng ngón khác để lấy thêm kem trong hũ. Không nên thoa kem quá dày, vừa lãng phí vừa không hiệu quả.

Cách xử trí khi bé bị hăm tã

Lưu ý:

Nếu được phát hiện sớm và xử lý ngay thì vùng da hăm sẽ nhanh chóng lành lặn. Quan trọng nhất là chú trọng vệ sinh cho bé. Phải rửa vùng kín cho bé ngay sau khi bé đi vệ sinh xong bằng nước ấm, sạch, rồi thấm khô bằng khăn bông và thay tã mới. Khi rửa cần nhẹ nhàng, tránh để bé đau và xây xước da thêm. Dùng khăn ướt có thể làm khô da bé, bạn cần cẩn thận chọn loại không cồn và không mùi.

Không dùng chung kem chống hăm cho nhiều bé. Nếu ngón tay bạn đã chạm vào vùng da bé bị hăm thì bạn không dùng lại ngón tay đó để lấy kem trong hũ nữa mà dùng ngón tay khác để lấy thêm kem. Nếu có thể, bạn nên để da bé tiếp xúc với không khí trong khoảng thời gian ngắn sau khi thay bỉm. Việc này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn và các vết hăm cũng sẽ mau lành hơn.

Bên cạnh đó, mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với da bé và nhớ kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện khi tã lót của bé ướt.

N.L - Theo PN
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bụng 3 ngấn cũng phải tự mà phẳng mà thon nhờ nước ép giảm cân thần thánh