3 SAI LẦM KHI ĐI ĐẺ làm mẹ kiệt quệ không còn sức rặn con
Tin liên quan
Hôm qua em mới vô bệnh viện thăm con bạn thân vừa sinh con. Nó thấy em vào là lật đật ngồi dậy để tám. Mẹ nó la bắt nằm xuống thì nó mới chịu nằm, nhỏ này mà một ngày không tám chắc nó chịu không nổi quá.
Nó kể chuyện đi đẻ của nó. 12 giờ đêm thì ối vỡ. Nó gào lên, chồng nó tái xanh tái mét, mà lúc đó cũng dại lắm, đâu có nhớ ra mà kêu taxi, vậy là chở vợ đi đẻ bằng xe máy mới ghê. Nó kể, vào bệnh viện nằm chờ mòn mỏi rồi cũng tới lúc đẻ, nó còn bảo: “Nghĩ lại cũng thấy ngại ngại mày ơi. Lúc đó đau quá tao la quá trời còn khóc nữa chớ, mà phòng bên cạnh tao cũng có người la to lắm. Khóc quá trời, kêu cả tên chồng ra chửi luôn đó. Tao bị bác sĩ mắng cho, biểu la vậy làm sao còn sức mà đẻ. Ờ mà la xong mệt quá, ê nhưng mà đau lắm mày ơi, tao tởn tới già không đẻ nữa đâu”. Nó nói trót sai là la to gào khóc đến kiệt sức nên giờ nghĩ tới đẻ mà hãi.
Mà đúng vậy, có nhiều sai lầm khi đi đẻ mà nhiều mẹ hay mắc lắm nè, mẹ nào sắp vỡ chum thì đọc mà tránh nha, đừng để kiệt sức không đẻ nổi còn gây rối làm bác sĩ không đỡ đẻ được ha.
1/ Nằm ngửa, gồng người lên
Nhiều mẹ sau khi sinh con thì phát biểu “Không có gì đau như đau đẻ”. Khi mẹ bầu chuyển dạ, cơn gò tử cung khiến vùng thắt lưng đau đớn. Đây là lý do nhiều mẹ bầu thường muốn nằm ngửa, hai tay nắm chặt và gồng lên để đỡ đau đớn, khó chịu mà không hề biết rằng tư thế nằm này vô cùng nguy hiểm vì trọng lượng của em bé sẽ dồn hết lên cột sống của người mẹ và chặn đường lưu thông của máu. Đó là chưa kể tư thế này còn đẩy mẹ bầu vào vị trí chống lại lực hấp dẫn, khiến cơn đau đẻ nghiêm trọng hơn, quá trình sinh nở khó khăn hơn.
Tư thế mẹ bầu nên chọn khi chuyển dạ:
Khi chuyển dạ, mẹ bầu nên chọn tư thế đứng thẳng, ngả người về phía trước bất cứ lúc nào có thể. Nếu cảm thấy mệt mỏi và muốn nằm, mẹ bầu hãy tránh tư thế nằm ngửa và mà chọn tư thế nằm nghiêng sau mỗi cơn co thắt và nghỉ ngơi, thư giãn giữa các cơn đau. Để thoải mái, hãy đặt gối vào hai chân. Khi mẹ bầu nằm nghiêng bên trái, giúp tối đa lượng máu đến tử cung và em bé cũng như hỗ trợ nâng đỡ bụng bầu, giảm đau lưng.
2/ Khóc lóc, la hét
Những cơn co thắt khiến mẹ bầu đau đớn. Sai lầm khi đi đẻ của nhiều mẹ là khóc lóc, la hét, gào thét thậm chí có người còn mắng chửi, vì các mẹ nghĩ làm thế sẽ xoa dịu được cơn đau. Các mẹ nên nhớ, vượt cạn là cả một quá trình tốn sức và kéo dài khá lâu, nếu không muốn mất sức thì đừng la hét, gào khóc. Đó là chưa kể việc mẹ bầu gào khóc trong phòng sinh sẽ gây ồn ào, ảnh hưởng đến bác sĩ, y tá.
Mẹ bầu nên làm gì để đối phó với cơn đau chuyển dạ:
Ngay từ trước khi sinh, mẹ bầu nên tham gia các lớp tiền sản. Ở đây, mẹ sẽ được học cách thở để giảm bớt đau đớn trong quá trình chuyển dạ.
Trong giai đoạn chuyển dạ, do mệt mỏi, đau đớn, nhiều mẹ thường mất kiểm soát hơi thở do đó thường thở gấp, ngắt quãng dẫn đến căng cơ, làm tăng cơn đau chuyển dạ và việc thở không đều còn làm thai nhi thiếu oxy. Rất nhiều mẹ mắc sai lầm này khi đi đẻ vì quá đau đớn và sợ hãi, thậm chí có mẹ hoảng loạn.
Thở thế nào để hạn chế cơn đau?
Mỗi một cơn gò tử cung thường có 3 thì: thì co, thì kéo dài và thì nghĩ. Ở thì co, thai phụ thường cảm giác bụng cứng lên, cảm giác đau đớn tăng dần, đau đạt đỉnh điểm ở thì kéo dài, sau đó cảm giác đau giảm dần và không thấy đau nữa ở thì nghĩ. Khoảng cách giữa các cơn gò tử cung là thì nghĩ, đó là những thời điểm để thai phụ phục hồi sức lực, chuẩn bị tập trung vào thì co và thì kéo dài để chịu đau và rặn có hiệu quả.
Dựa theo tính chất chu kỳ của cơn gò tử cung, mẹ bầu sẽ chú ý, tập trung vào hơi thở:
- Khi bắt đầu đau, nghĩa là khi bắt đầu thì co, có cơn co xuất hiện mẹ nên tập trung vào hơi thở để tập thở nhanh dần. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Cơn đau càng tăng thì thở càng nhanh hơn và nông hơn, tần suất nhịp thở tăng dần ở thì kéo dài. Cảm nhận đau càng nhiều thì thở càng nhanh hơn. Ở thì thở ra làm sao tạo được tiếng rít gần như tiếng rít, tiếng huýt sáo nhỏ. Khi bớt đau thì thở chậm lại và sâu hơn, tần suất nhịp thở giảm dần.
- Ở thì nghĩ giữa các cơn co tử cung, nên thở sâu và nhẹ nhàng bình thường để lấy lại năng lượng đã bị mất khi thở nhanh, nông ở thì co và để dành năng lượng cho lần thở của cơn đau kế tiếp.
Các tư thế làm giảm đau khi chuyển dạ:
Ngồi trên ghế, lắc lư người:
Mẹ bầu có thể ngồi trên một chiếc ghế, mép giường hoặc quả bóng và cả bàn chân xuống đất sau đó, nhẹ nhàng lắc lư người ra phía trước, rồi phía sau để giảm đau lưng.
Tựa vào người thân:
Mẹ bầu có thể đứng hoặc đi bộ để giảm cường độ của cơn co thắt. Có thể dựa vào chồng hoặc người thân trong tư thế đứng thẳng, hai tay vòng qua cổ họ, nhẹ nhàng lắc lư người và nhờ họ massage lưng.
Gục đầu vào thành ghế:
Mẹ bầu có thể ngồi ngược trên ghế, gục đầu vào thành ghế và nhờ người thân massage lưng.
Gác chân lên ghế:
Mẹ bầu có thể nghiêng người một chút về phía trước trong khi đứng thẳng, nâng cao một chân đặt trên ghế, đổi chân khi thấy mỏi.
Ngồi kê một chân:
Mẹ bầu ngồi trên một chiếc ghế, kê một chân lên chiếc bục có độ cao vừa phải, thỉnh thoảng đổi chân.
Quỳ gối:
Mẹ bầu có thể quỳ xuống và đặt tay lên thành giường để vừa giúp giảm đau, vừa làm khung xương chậu mở ra nhanh hơn.
Ngồi xổm:
Sử dụng một chiếc ghế, ngồi xuống và vịn tay vào thành ghế, kiễng chân hoặc nhờ người thân ngồi lên ghế, mẹ bầu vịn tay vào hai đầu gối của họ.
Ngồi tựa lưng:
Mẹ bầu có thể kê thêm gối hoặc nhờ người thân ngồi phía sau. Trong mỗi cơn co, gập-duỗi đầu gối.
Quỳ gối, chống tay:
Tư thế này giúp giảm đau lưng và giúp bé xoay về tư thế sinh chuẩn.
Nói chung, làm gì thì làm, mẹ đừng quá áp lực khi đi đẻ, càng áp lực, căng thẳng, sợ hãi thì quá trình vượt cạn sẽ càng khó khăn hơn, hãy thả lỏng và thư giãn, nghĩ đến giây phút được gặp thiên thần mà bớt lo lắng nhé.
Theo Webtretho
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất