Tiền lì xì là gì? Nguồn gốc tiền lì xì? Có thể lì xì cho trẻ bằng thứ khác ngoài tiền được không?

Minh LT 2023-01-12 10:35
- Lì xì hay mừng tuổi đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt. Vậy tiền lì xì là gì, nguồn gốc tiền lì xì và có thể lì xì cho trẻ bằng thứ khác ngoài tiền được không? Xem ngay bài viết dưới đây của Emdep.vn để có lời giải đáp chính xác nhất, bạn nhé!

Tiền lì xì là gì?

"Lì xì" có gốc là từ 利市 (lợi thị) trong tiếng Trung, phiên âm kiểu pinyin là lì shì, được biết đến với 3 ý nghĩa là được lợi, có tiền hay may mắn. Như vậy, tiền lì xì có nghĩa là tiền mang đến may mắn, điều lành, những điều tốt cho người nhận (đặc biệt là trẻ em) trong ngày đầu năm.

Ý nghĩa của tiền lì xì không chỉ nằm ở số tiền mà quan trọng về mặt thiện ý, lời chúc tốt đẹp cho một năm mới. Tiền lì xì hay tiền mừng tuổi đầu năm thường là số tiền nhỏ, được bỏ trong phong bao màu đỏ, vàng kín đáo. Sau đó, sẽ được mọi người gửi trao cho nhau trong ngày đầu năm mới. Thông thường, lì xì hay mừng tuổi thường dành cho đối tượng trẻ nhỏ, Tuy nhiên hiện nay, lì xì không chỉ dừng lại là món quà đầu năm cho trẻ nhỏ, mà còn có thể là món quà cho người lớn, đặc biệt là người cao tuổi trong nhà như một lời chúc Tết, chúc sức khỏe đầu năm.

Nếu tiền lì xì tượng trưng cho điều may mắn, tốt lành trong ngày đầu năm mới thì chiếc phong bao lì xì tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn người nhận so bì, tị nạnh. Đây cũng là lý do tại sao, người nhận lì xì không mở phong bao trước mặt người tặng.

Tiền lì xì Tết

Lì xì Tết

Nguồn gốc của tiền lì xì Tết

Phong tục lì xì ngày Tết đã xuất hiện từ xa xưa, bắt nguồn từ Trung Quốc với nhiều câu chuyện khác nhau giải thích về sự ra đời của nó. Nhưng có lẽ phổ biến nhất là câu chuyện về con quỷ hay xoa đầu trẻ nhỏ.

Tương truyền, xa xưa tại vùng Đông Hải có một con yêu quái tên là "Sui" rất thích xoa đầu trẻ em. Sui thường xuất hiện vào đêm giao thừa khi trẻ đã ngủ ngon, nó sẽ xoa đầu trẻ khiến trẻ thức, khóc thét đến sốt cao và trở nên ngốc nghếch.

Để giữ an toàn cho trẻ, cha mẹ thường đốt đèn và canh trẻ hết đêm giao thừa. Đây cũng là nguồn gốc tục lệ thức qua đêm giao thừa.

Truyện kể có một gia đình nọ đã ngoài 50 tuổi mới hạ sinh được một bé trai bụ bẫm nên rất để ý và cưng chiều câu bé. Một hôm vào đêm giao thừa có 8 vị tiên đi ngang và trông thấy con yêu quái tên Sui đang tìm cách xoa đầu cậu bé này.

Nhận thấy cha mẹ cậu bé là người hiền lành, tâm tốt nên 8 vị tiên bèn ra tay cứu gúp bằng cách biến thành 8 đồng tiền và dặn cha mẹ cậu bé hãy gói 8 đồng tiền này vào bao đỏ và đặt kế bên cậu bé.

Nguồn gốc của lì xì

8 vị tiên hóa thành 8 đồng tiền, sau đó được gói vào bao đỏ và đặt kế bên cậu bé

Đêm đó, khi con Sui bắt đầu tiến đến gần cậu bé, những bao đỏ bọc đồng tiền liền phát ra hào quang, đánh đuổi con yêu quái chạy mất. Tiếng lành đồn xa, kể từ đó, vào mỗi đêm giao thừa, nhà nhà đều gói đồng tiền vào giấy đỏ rồi tặng cho con cháu để cầu bình an và khỏe mạnh. Cũng từ đó mà tục lì xì cho trẻ em vào ngày Tết đã ra đời.

Phong tục lì xì Tết ngày nay của người Việt

Theo phong tục, cứ giao thừa hoặc mùng một, các gia đình người Việt sẽ tụ họp, cùng thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và quây quần bên nhau cùng vui đùa, ăn uống chúc mừng năm mới.

Đây cũng là dịp mà con cháu trong nhà gửi những lời chúc Tết tốt đẹp đến ông bà, cha mẹ và nhận lì xì, mừng tuổi từ ông bà, cha mẹ. Phong bao lì xì màu đỏ bên trong có chứa một số tiền nhỏ sẽ tượng trưng cho lời chúc may mắn, khỏe mạnh, thành công trong học tập, công việc mà người lớn trong nhà muốn gửi đến trẻ nhỏ.

Ngày ngày, việc lì xì, mừng tuổi cũng không còn giới hạn trong đêm giao thừa, ngày mùng một hay ba ngày đầu năm, mà chỉ cần còn không khí Tết hay chỉ cần bạn muốn thì vẫn có thể lì xì cho con cháu của mình. Ý nghĩa của lì xì nằm ở lời chúc tốt đẹp của nó mà không nằm ở giá trị hay thời điểm.

Ngoài ra, phong tục lì xì Tết của người Việt ngày nay cũng không chỉ còn giới hạn với đối tượng là trẻ nhỏ nữa. Mà đối tượng nhận lì xì có thể là cha mẹ, ông bà. Chỉ cần là người đã đi làm, có thu nhập thì bạn cũng có thể lì xì cho ông bà, cha mẹ như một cách gửi trao may mắn, cầu an, khỏe mạnh cho ông bà, cha mẹ. Bên cạnh đó, phong tục lì xì ngày Tết không chỉ gói gọn với người thân trong gia đình mà còn mở rộng sang bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm cũng có thể lì xì Tết cho nhau. Trở thành một phong tục, nét đẹp văn hóa ngày Tết.

Phong tục lì xì Tết ngày nay

Lì xì Tết ngày nay không chỉ dành cho trẻ em mà còn có thể là ông bà, cha mẹ

Tiền lì xì bao nhiêu là đủ?

Trước đây, người Việt thường đặt các tờ tiền mệnh giá 500đ và 10.000đ trong phong bao bì lì, bởi lúc đó cả 2 tờ tiền này đều có màu đỏ mang ý nghĩa cầu mong may mắn, bình an và khỏe mạnh cho con cháu. 

Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, phát triển hơn thì mệnh giá tiền trong phong bao lì xì cũng có sự thay đổi tùy theo điều kiện của người tặng và cấp bậc của người nhận. Chẳng hạn như với ông bà, cha mẹ, người Việt thường tặng những phong bao lì xì có giá trị cao hơn để thể hiện lòng biết ơn cũng như mong muốn cha mẹ luôn khỏe mạnh, bình an.

Dù phong bao lì xì có mệnh giá bao nhiêu thì ý nghĩa lì xì vẫn luôn như vậy, là lời chúc may mắn, sức khỏe và bình an đến người được nhận trong ngày đầu năm mới.

Tiền lì xì bao nhiêu là đủ

Tiền lì xì tùy theo điều kiện của người tặng và cấp bậc của người nhận

Có thể lì xì cho trẻ bằng thứ khác ngoài tiền được không?

Là đối tượng chủ yếu được nhận lì xì trong ngày Tết nhưng trong nhiều trường hợp tiền lì xì lại không thực sự phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đặc biệt là với trẻ dưới 6 tuổi thì việc sử dụng tiền lì xì vẫn cần sự hướng dẫn và giám sát của người lớn. Vậy có thể lì xì cho trẻ bằng thứ khác ngoài tiền được không?

Câu trả lời là có và tùy theo đối tượng trẻ nhỏ mà bạn có thể cân nhắc lì xì cho trẻ bằng tiền hay quà tặng. Và dù là quà tặng hay tiền thì đều mang ý nghĩa là gửi trao may mắn, lời chúc đầu năm mới đến người được nhận. Đồng thời cũng là sự trân trọng và thấu hiểu tâm lý người nhận đang cần gì.

Chẳng hạn như với các bạn nhỏ đang trong độ tuổi đi học thì tiền lì xì cũng có thể giúp trẻ có thêm khoản tiền để đóng học phí, mua sắm sách vở, bút mực,.... Còn với các bạn nhỏ dưới 6 tuổi, bạn cũng có thể cân nhắc mua quà tặng phù hợp với độ tuổi của bé, chẳng hạn như quần áo, sữa bột,... vừa ý nghĩa vừa có giá trị sử dụng, phù hợp với các bé.

Và dù là quà tặng hay tiền lì xì thì của cho vẫn không bằng cách cho, quan trọng nhất vẫn là tình cảm và sự chân thành mà bạn gửi đến người được nhận.

Lì xì ngày Tết là một phong tục lâu đời và cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt trong những ngày đầu xuân năm mới. Mặc dù, cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng ý nghĩa lì xì Tết vẫn không thay đổi, vẫn là lời chúc mừng năm mời, cầu bình an, khỏe mạnh đến người được nhận. Mong rằng với những chia sẻ từ Emdep.vn, các bạn không chỉ tìm được lời đáp cho câu hỏi tiền lì xì là gì mà còn hiểu rõ hơn về phong tục lì xì ngày Tết của người Việt.

Emdep xin chúc bạn và gia đình một năm mới bình an, khỏe mạnh và thật nhiều may mắn!

Minh LT (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 cách an toàn và dễ làm để rã đông thịt