Tâm sự đẫm nước mắt của bà mẹ từng có tuổi thơ bị bạo hành, đánh đập và điều phụ huynh nên làm với con mình

Tuấn Anh 2021-04-02 16:21
- Chia sẻ của một người phụ nữ (nay đã làm mẹ) từng có mẹ nghiện cờ bạc, bố vô tâm khiến chị có một tuổi thơ dữ dội, từng có hành vi tự tử, bỏ học, nghiện game, tìm đến tình dục sớm,… sẽ phần nào thức tỉnh lối sống của nhiều bậc phụ huynh hiện nay.

Mẹ mình là một người nghiện cờ bạc, ba mình là một người vô tâm. Tuổi thơ của mình đầy những trận cãi vã, những trận đòn, những lời mắng nhiếc của ba mẹ nhưng luôn thiếu vắng những cái ôm hôn, những lời hỏi han hay những lời dạy bảo.

7 tuổi, mình bỏ nhà đi, nhà không còn là tổ ấm. 10 tuổi, mình có hành vi tự tử, cuộc đời không còn đáng sống. Mình bỏ học, tìm đến tình dục sớm và nghiện game ở tuổi thiếu niên, thế giới là một hố đen trống rỗng” – Đó là những chia sẻ rất thật và đẫm nước mắt của người phụ nữ hơn 30 tuổi, có tên là Vương Hoàng P., đang nhận được rất nhiều đồng cảm trên cộng đồng mạng Facebook những ngày gần đây.

Theo lời của chị P., hồi bé, chị đã bị bạo hành cả thể xác và tinh thần. “Bạo hành về thể xác như đánh đập, hành hạ, từ mức độ nhẹ đến nặng, từ những cái bạt tai, hay những trận đòn roi mà ba mẹ thường dùng để dạy con. Điều đó đã làm cho đứa trẻ như mình sợ hãi và cảm thấy cơ thể mình không đáng trân trọng. Còn bạo hành về tinh thần như thờ ơ, bỏ mặc, sỉ nhục, phủ nhận cảm xúc, lấy làm trò đùa, so sánh, hà khắc...”.

“Đến bây giờ ba mẹ mình hay nhiều bậc phụ huynh khác vẫn không xem đó là bạo hành, mà dùng những từ như dạy dỗ, yêu cho roi cho vọt hay đùa tí thôi, nhưng đó là những hành động và lời nói gây tổn thương cho 1 đứa trẻ. Bởi đây là giai đoạn định hình nhân cách của trẻ, nên nếu chúng bị tổn thương, chúng sẽ nghĩ bản thân mình không đáng được trân trọng nên ba mẹ, người khác mới đối xử với mình như vậy” – chị P. nói.

Là một đứa trẻ bị bạo hành cả thể xác và tinh thần, chị P. cho biết: “Mình không hề ghét ba mẹ, mà mình cảm thấy ghét chính mình. Trong đầu mình luôn có một giọng nói, mày chẳng làm được việc gì cho ra hồn cả, mày là đứa con gái tồi tệ, mày chẳng có gì tốt đẹp, mày không xứng đáng được yêu thương, mày không nên sống trên đời này, mày tệ lắm nên ba mẹ mới đối xử với mày như vậy, mày đáng bị vậy. Mình làm tổn hại đến cơ thể mình, mình không phân biệt được đâu là mối quan hệ lành mạnh và mối quan hệ độc hại. Mình đã rất khó khăn để nhìn nhận giá trị của bản thân, để cảm thấy hài lòng và yêu chính mình”.

Đến khi mình làm mẹ của một đứa trẻ hồn nhiên với một tâm hồn thuần khiết, chị P. đã rất bối rối với các câu hỏi “mình sẽ là một người mẹ thế nào?! Mình muốn gieo vào lòng con những điều gì?”. Chị đã mất rất nhiều thời gian, mò mẫm đi tìm một con đường khác với những gì chị đã trải qua trong quá khứ.

 

“Đừng đối xử tệ với trẻ” và tâm sự đẫm nước mắt của một bà mẹ từng bị bạo hành, đánh đập

 

Sau những đớn đau đã từng chịu trong quá khứ, người mẹ Phụng hiện nay luôn dành thật nhiều yêu thương cho con gái bé bỏng của mình.

Hiện tại, con đường mình đi vẫn chưa có kết quả rõ ràng, nhưng có một điều mình chắc chắn, rằng mình sẽ không để con mình lớn lên với những suy nghĩ, những tổn thương mà mình đã từng.

Mỗi ngày, mình luôn cố gắng truyền cho con thông điệp rằng, sự tồn tại của con trên thế giới này vốn là một giá trị tuyệt vời. Con xứng đáng có mặt trên đời này và con xứng đáng được yêu thương. Vì mình biết, chỉ khi nào mình khiến con tin vào những điều ấy, con mới cảm thấy yêu bản thân và sống lành mạnh” – chị P. nhắn nhủ.

Ngoài những lời “có cánh” như “con là món quà tuyệt vời nhất của mẹ”, “mẹ rất vui vì con đã đến bên mẹ”, “con có một tâm hồn rất đẹp, mẹ rất tự hào về con”... chị P. cũng thường xuyên tỏ thái độ trước mặt con rằng: mẹ hạnh phúc vì sự hiện diện của con.

Không cần con phải ngoan, phải vâng lời, chỉ cần con có mặt trên đời này là một điều tuyệt vời rồi, những lời ấy không chỉ nói cho con nghe mỗi ngày, mà còn phải nói khi có con và mẹ trong nhóm bạn của mẹ, nói khi có mặt họ hàng, người thân bởi vì đó như một lời khẳng định trước thế giới, giúp bé càng tin vào những lời ấy, bé sẽ tin hơn vào chính mình” – chị P. chia sẻ.

“Đừng đối xử tệ với trẻ” và tâm sự đẫm nước mắt của một bà mẹ từng bị bạo hành, đánh đập

Theo chị P, "mỗi khi bạn đối xử tệ với một đứa trẻ, hãy nhớ rằng: Chúng sẽ không ghét bạn, mà chúng trở nên ghét chính bản thân chúng

Thêm vào đó, theo chị Phụng, trong cuộc sống hàng ngày, nếu chẳng may không kiềm chế được, có lúc đánh con thì ngay lập tức, các bậc làm cha, làm mẹ nên thẳng thắn nhận lỗi.

Giống như một hành động ăn sâu vào trong tiềm thức, khi mình bất lực, mình không biết xử lý tình huống ấy như thế nào, mình đã đánh con. Nhưng khi bình tĩnh lại, mình đã nói với con: “mẹ xin lỗi con, nãy mẹ nóng giận quá”. Mình tự nói rằng: Mẹ đánh con không phải vì lỗi của con, mà vì mẹ nóng giận và không kềm chế được. Khi mình nhận trách nhiệm việc đánh con là do mình nóng giận, thì lần sau mình có cơ hội hành xử khác đi, chứ không để cho cơn giận điều khiển nữa. Và khi xin lỗi con, đó là biểu hiện của việc tôn trọng con, xem con là một con người có nhân cách, chứ không phải xem con là cái bao cát để trút giận!”.

Từ những đau thương trong quá khứ mà chị đã phải hứng chịu, chị P. đã rút ra một kinh nghiệm thấm thía, cũng là lời cảnh tỉnh cho các ông bố, bà mẹ thời hiện đại rằng: “Mỗi khi bạn đối xử tệ với một đứa trẻ, hãy nhớ rằng: Chúng sẽ không ghét bạn, mà chúng trở nên ghét chính bản thân chúng. Không có gì tồi tệ hơn việc căm ghét chính mình, và điều ấy sẽ dẫn chúng đến những hành vi rắc rối, tổn hại đến bản thân với những biểu hiện rất khó nhận biết và chữa lành, nên xin bạn đừng làm tổn thương những tâm hồn non nớt ấy”.

Tuấn Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mẹ chồng quốc dân