Bà mẹ 8X mách cha mẹ cách cực đơn giản để kéo con ra khỏi màn hình điện thoại trong vui vẻ

Tuấn Anh 2021-04-07 07:00
- 90% dân số mê điện thoại, cả người lớn và trẻ nhỏ. Làm cách nào để nhấc điện thoại khỏi tay con trẻ mà con không “khiêu chiến” với bố mẹ, không lăn đùng ra nhà gào thét hay không cần đến bất kỳ một chiêu trò gì để đánh lạc hướng trẻ?

Thông thường khi con đang mải mê với chiếc điện thoại, bố mẹ thường làm đứa trẻ cảm thấy rất khó chịu với những câu nói “đập tan cảm xúc của trẻ” như: "Thôi ngay, xem quá nhiều rồi. Con có biết là xem nhiều thì hại thế nào không. Đầu óc mụ mị ngu si đi" hay "Suốt ngày chỉ có điện thoại với điện thoại. Không nghĩ được cái gì hay ho cả". Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ còn gắt gỏng, quát tháo con: "Im ngay, không khóc lóc gì hết. Hôm nay mẹ cho con khóc hết nước mắt thì thôi" hoặc giận dữ, nổi nóng với con "Không là không. Con đừng có lằng nhằng. Không có điện thoại gì nữa".

Kết quả là bạn và trẻ mất kết nối cảm xúc. Bạn là tác nhân ngăn cản trẻ tiến tới mục tiêu là sử dụng điện thoại. Trẻ phát điên, khóc lóc. Còn bạn thì khổ sở để bảo vệ lẽ phải và mong muốn giúp con tốt hơn. Hầu hết nhiều bậc phụ huynh đều bất lực với việc tách con ra khỏi chiếc điện thoại.

Nhưng với chị Phạm Phương Thảo - sáng lập viên, Phó Tổng Giám đốc của Vườn ươm Nắng, bà mẹ của 2 bạn nhỏ 8 và 3 tuổi thì cách “cai” điện thoại lại luôn rất nhẹ nhàng, vui vẻ.

Bà mẹ 8X mách cha mẹ cách cực đơn giản để kéo con ra khỏi màn hình điện thoại trong vui vẻ

Theo chị Thảo, muốn cai điện thoại cho con, nhất thiết phải cần cha mẹ tận tâm chơi cùng con.

Chị Thảo kể về cách mà chị đã khiến Đỗ Quang (bé trai gần 3 tuổi) của chị “phê” với cảm xúc của mình đến nỗi không còn mơ màng đến cái điện thoại nữa.

“Buổi chiều bố hay đón Quang về trước. Bố cũng hay cho Quang xem điện thoại. Bố bận rộn nấu cơm nên cũng khá mệt khi phải chơi với cậu bé nhiều năng lượng, bố cũng sợ phải hứng chịu trận ăn vạ đòi chơi điện thoại của Đỗ Quang.

Nhưng ngay khi thấy mẹ Thảo về thì bố liền tịch thu luôn điện thoại của con vì bố biết là kiểu gì mẹ cũng có cách. Mẹ vào ôm con cũng là lúc Quang nước mắt nước mũi dữ dội. Quang đang tức giận lắm, bực mình lắm, khó chịu, bởi Quang chỉ thích điện thoại thôi.

Lúc này, mẹ ân cần dang tay ôm lấy Quang. Ôm mãi mới được vì Quang còn vùng vằng, giậm chân giậm tay. Mẹ nói thật chậm, tiếp xúc mắt: "Ố, Đỗ Quang đang khó chịu lắm đây này. Em khó chịu đến nỗi em khóc rất to. Ai mà chẳng khó chịu chứ. Đang xem điện thoại, muốn xem thật lâu cơ. Thế mà bây giờ chả có điện thoại mà xem nữa. Chán ơi là chán".

Mẹ vừa nói vừa xoa lưng em an ủi. Quang khóc to lắm, đến đây chỉ giảm độ to đi một tý thôi.

Mẹ tiếp: "xem điện thoại là thích lắm đấy. Điện thoại có cái video xe cẩu, ô tô, máy bay".

Mẹ vừa nói vừa nhẹ nhàng ôm Quang ngồi xuống bên đống đồ chơi. Tay mẹ với lấy chiếc ô tô gần đó, kéo đi kéo lại: "Đây này, trong cái video đó có những cái ô tô kiểu như thế này này. Nhiều loại luôn, nhiều màu luôn. Thích ơi là thích. Có cái video thế này nhé. Có 1 cái ô tô không có màu gì, chạy trên một đường ray, xong nó lao ùm xuống thùng sơn màu đỏ. Ô tô biến thành màu đỏ luôn. Rồi lại có một cái ô tô không có màu gì. Nó chạy chạy, xong nó lao ùm xuống thùng sơn màu vàng. Ô tô biến thành màu vàng. Thích cực kỳ luôn".

Mẹ nói chậm để diễn tả bằng lời những cảm xúc vui thích trong lòng Đỗ Quang. Khi thấy mẹ thực sự hiểu mình thì Đỗ Quang dừng khóc, lắng nghe mẹ hơn và cùng mẹ hòa vào trò chơi vui nhộn ấy cùng những tiếng cười sảng khoải, thích thú”.

Bà mẹ 8X mách cha mẹ cách cực đơn giản để kéo con ra khỏi màn hình điện thoại trong vui vẻ

 Con trai chị Thảo - bé Đỗ Quang dễ dàng từ bỏ điện thoại khi mẹ luôn bày cho các trò chơi thích thú.

Với cách dẫn dắt nhẹ nhàng như vậy, mẹ Thảo đã chuyển từ bi kịch chuyển thành hài kịch trong nháy mắt! Thậm chí còn lôi cả bố vào cuộc vui, khiến cả gia đình sống trong cùng một thế giới cảm xúc, bình an và vui vẻ - Thế giới đó hay hơn thế giới điện thoại thật gấp nhiều nhiều lần!

“Vì vậy, để giúp con cai điện thoại bền vững, nhất thiết phải cần cha mẹ tận tâm, dành thời gian cho con, cùng chơi với con. Một điều tuyệt vời hơn là nếu bạn và con có thể hoà mình trong cùng một thế giới cảm xúc thì bạn vẫn luôn luôn có thể sát cánh bên con, là người khơi nguồn hạnh phúc cho con ở giai đoạn phức tạp của tuổi teen hay trưởng thành”.

Cũng theo mẹ Thảo thì bố mẹ nên “Giáo dục cảm xúc” thay vì chỉ chú ý tới “Chủ nghĩa hành vi”.

“Giáo dục cảm xúc tức là bố mẹ LUÔN LUÔN TÌM CÁCH HIỂU CẢM XÚC của trẻ trong từng tình huống tương tác với con, công nhận cảm xúc đó, giúp con nhận diện và xử lý cảm xúc, từ đó trẻ dễ dàng thực hiện hành vi đúng. Khi trẻ khóc lóc, ăn vạ, dỗi hờn, stress... là lúc trẻ mang một cảm xúc như: tức giận, bất công, ghen tị, xấu hổ, buồn bã, sợ hãi, ... cần dược giải toả. Và khóc là một trong những cách trẻ xả được cảm xúc không mong muốn ra ngoài. 

Bà mẹ 8X mách cha mẹ cách cực đơn giản để kéo con ra khỏi màn hình điện thoại trong vui vẻ

Luôn thấu hiểu cảm xúc của trẻ chính là cách bố mẹ gần gũi, kết nối yêu thương với con.

Vì vậy, trẻ nhõng nhẽo, ỉ ôi không phải là đứa trẻ hư, thực ra là đứa trẻ cần sự giúp đỡ, cần thấu hiểu cảm xúc, mong muốn và đang khát sự yêu thương, chăm sóc của bố mẹ! Những câu nói thể hiện của giáo dục cảm xúc mà bố mẹ nên đồng cảm, chia sẻ với con là: “Ồ, buồn nhỉ, ngại quá, xấu hổ thiệt, tức thế chứ, chẳng thoả mái tý nào, con mong là, ước gì,...”. Từ đó thấu hiểu, kết nối chữa lành nỗi đau cho trẻ.

Ngược lại, bố mẹ không nên NHÌN NHẬN VÀO HÀNH VI của trẻ, nhận xét đúng sai, có thể đặt câu hỏi phản biện hoặc trực tiếp hướng dẫn trẻ hành vi đúng để mong trẻ tốt hơn vào lần sau. Những câu nói thể hiện của Chủ nghĩa hành vi là: sai rồi, theo con thế nào là tốt, bị mắng là đúng rồi, như thế là không được, không đồng ý, tại sao,....” – mẹ Thảo nhấn mạnh.

Tuấn Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 kiểu mũ hot hit của mùa đông năm nay, nàng nào cũng nên sở hữu ít nhất 1 item để phong cách được nâng tầm