Baby Three không có lỗi nhưng cơ chế 'thao túng tâm lý' cha mẹ cần cẩn trọng

Tin liên quan
Thời gian gần đây, chắc hẳn bố mẹ và các bé đã quá quen thuộc với những cụm từ như "Bây bi chi", "sít rịt", "mắt nước", "mắt lé", "mắt lè khe", "mắt rưng" vang lên khắp cõi mạng. Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng bị cuốn hút bởi những hộp "túi mù" đầy bí ẩn, khó lòng cưỡng lại.
Cơn sốt Baby Three không thua kém gì Labubu hay Capybara, khi sở hữu sức hấp ngưdẫn đặc biệt khiến nhiều người đắm chìm. Bên cạnh sự yêu thích, trào lưu này cũng gây ra nhiều tranh cãi, từ việc lãng phí tiền bạc đến những mâu thuẫn gia đình khi trẻ con lấy tiền mua đồ chơi nhưng bố mẹ lại cho rằng đây là món đồ vô bổ.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, Baby Three đơn thuần chỉ là một món thú nhồi bông. Vấn đề không nằm ở bản thân món đồ chơi mà ở cách người ta tiếp cận và sử dụng nó. Không thể phủ nhận rằng Baby Three có cơ chế thao túng tâm lý mạnh mẽ, dễ dàng cuốn hút cả trẻ em lẫn người lớn. Điều đáng suy ngẫm là bố mẹ nên làm gì để con không bị cuốn theo trào lưu này một cách thiếu kiểm soát?
Túi mù - Cơ chế gây nghiện như trò chơi đỏ đen
Bác sĩ Anh Nguyễn (tác giả cuốn Làm mẹ không áp lực) chia sẻ một câu chuyện khiến nhiều phụ huynh phải suy ngẫm. Trong một lần gọi điện về Việt Nam, cô nghe cháu gái hào hứng khoe: "Con vừa mở hộp được Baby Three hiếm nè cậu!" với đôi mắt sáng rực. Khi tò mò hỏi "Hiếm là sao con?", bé nhanh nhảu trả lời: "Là Baby Three mắt rưng! Bộ sưu tập chỉ có vài con hiếm thôi, mà con may mắn mở trúng một con!"
Gia đình chị của bác sĩ khá nghiêm khắc, ít khi cho con tự do mua đồ chơi, và đây là món quà mà bé được tặng. Nhưng điều bất ngờ hơn là cả lớp cháu ai cũng mê mẩn trào lưu này. Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, cháu còn tự tạo một phiên bản "túi mù" của riêng mình - bỏ những món đồ chơi nhỏ vào túi kín rồi mang lên lớp bán như một hoạt động trải nghiệm kinh doanh. Kết quả? Cháu kiếm được 700.000 đồng chỉ từ những chiếc túi mù tự chế!
Cha mẹ phải làm gì để con không bị thao túng?
Bản thân búp bê Baby Three không có lỗi – nó chỉ là một món đồ chơi. Nhưng những cơ chế thao túng tâm lý ẩn sau trào lưu này thực sự nguy hiểm. Cấm đoán không phải là giải pháp duy nhất. Điều quan trọng là giúp trẻ hiểu và tự bảo vệ mình.
Tránh vội phủ định hoặc la mắng con
Khi trẻ chia sẻ về một trò chơi mới, thay vì bác bỏ hay trách mắng, hãy lắng nghe và tìm hiểu cùng con. Nếu không, trẻ sẽ coi bạn là “người cản trở” và có thể giấu giếm những điều tiếp theo.
Cẩn trọng khi mua đồ chơi theo xu hướng
Trước khi mua món đồ cho con, cha mẹ cần suy nghĩ kỹ về:
Mức độ an toàn của món đồ (về chất liệu và tác động tâm lý).
Liệu món đồ này có thể dẫn đến thói quen tiêu xài thiếu suy nghĩ?
Dạy trẻ tư duy phản biện
Khuyến khích trẻ tự hỏi mình:
“Món đồ này có thực sự cần thiết không?”
“Với số tiền này, con có thể mua thứ gì có ý nghĩa hơn không?”
Khi trẻ biết tự đặt câu hỏi, việc thao túng tâm lý sẽ khó mà có hiệu quả.
Khuyến khích sưu tầm những thứ có giá trị
Thay vì khuyến khích sưu tầm đồ chơi đắt đỏ, bạn có thể hướng trẻ đến việc sưu tầm sách, tem, hay tự làm đồ chơi handmade để phát triển khả năng sáng tạo.
Giải thích về cơ chế "chờ đợi hồi hộp"
Giúp trẻ hiểu rằng sự hấp dẫn của túi mù không đến từ giá trị thực sự của món đồ bên trong, mà là hiệu ứng tâm lý. Bạn có thể thử cùng trẻ tạo ra “túi mù” tại nhà với những món đồ nhỏ có sẵn, giúp trẻ nhận ra rằng điều thú vị nằm ở trải nghiệm chứ không chỉ ở vật phẩm.
Dạy trẻ về tài chính cá nhân
Hướng dẫn trẻ cách quản lý tiền tiêu vặt thông qua phương pháp chia lọ (mua sắm - tiết kiệm - từ thiện). Khi trẻ muốn mua túi mù, bạn có thể hỏi: “Con muốn một túi mù không chắc chắn, hay một món đồ con thực sự muốn?”
Anh Chi (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
