'Nhắm mắt' kiếm tiền từ những giọt máu quý giá... 'điếc không sợ súng'

2016-12-26 07:09
- Hiến máu là điều tốt góp phần cứu sống nhiều người bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có không ít người đi bán máu để kiếm tiền tiêu xài để rồi khi đi quá giới hạn dẫn đến bệnh tật và phải điều trị lâu dài.

Bán máu kiếm tiền không phải là một ngành nghề chính thức trong xã hội nhưng lại là giải pháp kiếm thêm thu nhập.

Trong đó, có nhiều người trẻ bán máu với mục đích chính là để kiếm thêm thu nhập, có thêm tiền tiêu xài. Không ít người chủ quan và nghĩ bản thân còn trẻ nên không quá lo lắng khi rút tiểu cầu quá gần nhau.

Cơ thể còm cõi vì bán máu quá nhiều

Nguyễn Huy Hoàng - sinh viên năm 3 ở Hà Nội đã phải tạm xin nghỉ học do sức khỏe không đảm bảo. Nguyên nhân xuất phát từ việc Hoàng đã đi bán máu liên tục 2 lần mỗi tháng trong gần nửa năm, dẫn đến cơ thể suy nhược nặng.

Hoàng cho biết: "Bản thân tôi là một người rất chuyên cần tham gia hiến máu tình nguyện, mỗi lần đi hiến chỉ nhận tiền xăng xe và đồ ăn nhẹ. Nhưng trong một lần theo bạn chơi cá độ bóng đá đã "cắm" mất chiếc xe máy nên phải kiếm tiền để chuộc xe".

Vì thường xuyên lui tới các bệnh viện để tham gia các chiến dịch hiến máu tình nguyện nên Hoàng biết rõ nếu bán máu sẽ có được một khoản tiền. Bằng việc bán máu, Hoàng đã chuộc xe được xe, nhưng vì "ngựa quen đường cũ" nên trong những tháng sau đó Hoàng tiếp tục bán máu để có tiền.

Hậu quả là sau 3 tháng, từ một chàng trai khỏe mạnh nặng 60kg, Hoàng gầy rộc lại chỉ còn nặng hơn 50kg, da mặt luôn nhợt nhạt, thường xuyên mệt mỏi. Trong một buổi học, Hoàng đã ngất xỉu và được đưa đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán, Hoàng bị thiếu máu do thiếu sắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể.

Nhiều người trẻ có xu hướng bán máu để kiếm thêm tiền tiêu xài mà bỏ qua những quy tắc trong việc cho máu (Ảnh minh họa)

Một trường hợp khác, anh Phúc Hưng (25 tuổi, quê ở Hà Nam) đang làm công nhân xây dựng tại quận Thanh Xuân đã đi bán máu, bán tiểu cầu tại nhiều bệnh viện lớn nhỏ ở Hà Nội. Có thâm niên bán máu gần 1 năm nay, anh Hưng có rất nhiều "mánh" để qua mắt các bác sĩ.

"Khi bán máu xong thì hẵng đi bán tiểu cầu. Nếu bán tiểu cầu xong mới bán máu sẽ bị phát hiện và bị đuổi về vì họ sẽ xét nghiệm ra lượng tiểu cầu trong máu quá thấp. Bằng cách này, có thể hiến được 2 lần liên tiếp" - anh Hưng chia sẻ bí quyết của mình.

Bán máu, bán tiểu cầu liên tục nhiều lần, sau 1 năm, anh đã sụt mất hơn 10kg, đôi mắt anh vàng quạch, móng tay trắng bệch, da cũng đã ngả vàng.

"Dịp nghỉ về quê thăm nhà, ai cũng ngạc nhiên vì thấy tôi gầy đi nhiều quá, chắc là do bán máu. Nhưng mà tôi kệ, lúc cần thì phải bán để kiếm thêm tiền thôi, lương công nhân nhiều khi không đủ để sống 1 tháng ở Hà Nội" - anh Hưng cười ha hả cho biết.

Mắc đủ thứ bệnh máu vì bán máu không ngừng nghỉ

Bạn Nguyễn Thị Dung (19 tuổi) quê ở Lạng Sơn, sau khi học xong cấp 3 đã quyết định lên Hà Nội làm thuê kiếm tiền. Trong một lần không đủ tiền trả tiền thuê nhà trọ, Dung đã tìm đến viện Huyết học - Truyền máu TW để bán máu. Sau này, mỗi khi thiếu tiền, Dung lại đến tìm đến các bệnh viện để bán máu.

Dung kể lại: "Lúc mới bắt đầu bán máu, tôi nghe rất rõ lời y tá nói rằng tối thiểu 3 tháng mới được hiến lại. Nhưng sau đó, một người bà con mách nước rằng chỉ cần uống nhiều viên sắt có thể nhanh hồi máu, bán máu được nhiều lần hơn mà không lo ảnh hưởng sức khỏe". Nghe lời người bà con, Dung mua 10 vỉ thuốc sắt giá 5.000 đồng/vỉ về để uống.

Trong tháng đầu, Dung đến 2 bệnh viện khác nhau để bán máu và tiểu cầu, tổng số tiền kiếm được mỗi tháng khoảng 600.000 đồng. Sau 2 tháng đi bán máu như vậy, Dung cảm thấy rất mệt mỏi, người còm cõi, thường xuyên buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, tóc rụng rất nhiều.

Dung chia sẻ: "Khi thấy hiện tượng như vậy, tôi nghĩ là do thiếu máu nên cứ uống thêm sắt vào. Đến hôm đi bán máu ở bệnh viện Huyết học - Truyền máu TW, tôi bị từ chối vì không đủ điều kiện huyết sắc tố. Nhưng khi bước ra đến cửa, tôi bị ngất luôn".

(Ảnh minh họa)

Một trường hợp khác nguy hiểm hơn, anh H.A (28 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bị mắc bệnh rối loại sinh máu từ năm 2014 do bán máu liên tục và nhiều lần. Từ khi mắc bệnh đến nay, anh H.A thay vì đi bán máu lại phải đi truyền máu đều đặn tại bệnh viện và điều trị bằng thuốc đặc hiệu để đảm bảo sức khỏe.

Anh cho biết, vì thiếu tiền tiêu nên tìm đến con đường bán máu. Ban đầu, anh bán máu rất ít, nhưng càng về sau bán càng nhiều. Sau mỗi lần bán, anh đều tặc lưỡi nghĩ đây là lần cuối, nhưng ngay khi vết ven trên bắp tay lành lại thì anh lại đi bán máu.

"Tôi bán máu nhiều lần, không điều độ, không đúng chu kỳ nên đã khiến tủy xương phải làm việc liên tục để sinh máu mới, bù đắp cho lượng máu thiếu hụt. Về sau, tủy xương giảm sinh máu, lại sản sinh ra các tế bào máu bất thường nên giờ bị thiếu máu. Hệ miễn dịch cũng ảnh hưởng nên giờ tôi hay bị mắc bệnh vặt lắm" - anh Huy Anh chua chát nói.

Vậy việc kiếm tiền từ bán máu và không tuân theo quy định đảm bảo sức khỏe sẽ để lại hậu quả gì. Trong bài viết sau bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương sẽ giải đáp vấn đề này. Mời quý độc giả đón theo dõi trên Emdep.vn

Lương Chi

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những mỹ nhân Việt sở hữu nhan sắc 'đại phú quý'