Nghĩ ngưới lớn khó bị thủy đậu, người đàn ông bị biến chứng phổi nặng nề

2017-02-16 10:00
- “Do người dân chưa nhận thức đầy đủ về căn bệnh thủy đậu. Cho nên không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ cũng đang chủ quan với căn bệnh này”, TS Đỗ Duy Cường cho biết.

Bị biến chứng do chủ quan

Theo TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), khoảng 5-7 năm về trước số lượng bệnh nhân thủy đậu rất ít. Bệnh đang có xu hướng tăng và xảy ra nhiều vào mùa Đông – Xuân. Nguyên nhân tăng số ca mắc bệnh là do người dân chưa nhận thức đầy đủ về căn bệnh nên thường chủ quan và dẫn tới biến chứng.

Cách đây 1 tháng, Khoa Truyền nhiễm có tiếp nhận một bệnh nhân nam 38 tuổi bị biến chứng viêm phổi do mắc thủy đậu. Bệnh nhân tới viện khám trong tình trạng sốt cao tái đi tái lại nhiều lần, ho nhiều, khó thở.

Điều tra tiền sử bệnh được biết, gia đình bệnh nhân trước đó đã có cháu nhỏ bị mắc thủy đậu. Nhưng cả gia đình bệnh nhân không thực hiện phòng bệnh nên đã bị lây.

 “Chúng tôi đã chỉ định bệnh nhân đi chụp phổi. Phim chụp cho thấy phổi có những khối tổn thương đám mờ rải rác hai phổi. Bệnh nhân phải thở bằng máy hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc kháng vi rút. Sau khi điều trị tích cực 7 ngày, bệnh nhân đã hồi phục”, TS. Đỗ Duy Cường nói.

Chủ quan với bệnh thủy đậu bệnh nhân 38 tuổi bị biến chứng viêm phổi

Bác sĩ Đỗ Duy Cường

Bác sĩ Đỗ Duy Cường cho hay, không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ đang chủ quan với căn bệnh thủy đậu. Theo quan niệm dân gian, bệnh thủy đậu chỉ cần kiêng gió kiêng nước sẽ khỏi. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh bị bội nhiễm thì không thể tự khỏi mà có thể để lại biến chứng.

TS. Đỗ Duy Cường cho biết: “Do không có kiến thức về căn bệnh, cho nên không ít người kiêng nước 5-7 ngày không tắm, khiến cho vi khuẩn có điều kiện thuận lợi phát triển. Không ít những trường hợp bệnh nhân thủy đậu khi tới bệnh viện khám lại ngụy trang như ninja khiến cho bội nhiễm càng nặng”.

Những biến chứng thủy đậu ở người lớn dễ gặp phải như bội nhiễm, viêm phổi, viêm não. Phụ nữ bị thủy đậu khi đang mang thai dễ bị sảy thai. Nếu mẹ bị thủy đậu trong 3 tháng đầu, thai nhi có thể bị dị tật.

Thủy đậu có thể bị nhầm với bệnh khác

TS. Đỗ Duy Cường cho hay, triệu chứng của bệnh thủy đậu dễ nhận ra do có những phát ban, nốt phỏng trên mặt, trên người, tay, chân. Các nốt phỏng thường đa hình thái và có kèm theo sốt. Nốt phỏng không được chăm sóc tốt  sẽ dẫn tới nhiễm trùng sẽ để lại sẹo, biến chứng ít gặp khoảng 1% các trường hợp.

“Triệu chứng của bệnh thủy đậu rất điển hình không dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán sai dễ nhầm thành sốt phát ban, dị ứng. Bệnh nhân bị chẩn đoán sai sẽ bị điều trị sai và nguy cơ biến chứng thường sẽ rất cao. Trên thực tế đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị tại các chuyên khoa khác sau đó mới tìm tới khoa truyền nhiễm”, TS. Đỗ Duy Cường chia sẻ.

Bệnh thủy đậu sẽ dễ mắc ở người lớn khi hệ miễn dịch bị suy giảm đặc biệt là người già, người mắc bệnh mãn tính (tim mạch, suy thận, cao huyết áp). Thủy đậu trên nền tảng bệnh nhân mắc bệnh mãn tính sẽ làm cho bệnh lý mãn tính trở lên nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao.

 

Người lớn bị thủy đậu cần phải được cách ly:

Thủy đậu là bệnh lây qua đường hô hấp vì vậy khi trẻ nhỏ và người lớn bị thủy đậu đều cần phải cách ly để chăm sóc.

Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh bằng cách cả người bệnh và người không bệnh đều phải đeo khẩu trang.

Chăm sóc cho bệnh nhân thủy đậu xong cần phải rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn.

Tắm xong lau khô người bôi xanh methylen. Không bôi thuốc kháng sinh hay thuốc mỡ lên vùng da có nốt phỏng.

Tiêm phòng vắc xin để phòng ngừa nhiễm bệnh.

 

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Chốt thời gian nghỉ Tết của học sinh Hà Nội