Chuyên gia 'vạch mặt' sự lầm tưởng tai hại của bố mẹ khi mơ hồ về sữa hạt đang sốt xình xịch

2017-04-27 06:40
- Danh từ sữa hiện nay bị lạm dụng quá nhiều. Sữa là chất lỏng do tuyến vú của các động vật có vú tiết ra. Một sản phẩm khi được gọi là sữa thì hàm lượng đạm phải đủ tiêu chuẩn nhất định.

Đừng lạm dụng danh từ sữa

Sợ sữa động vật có hoóc môn tăng trưởng, nguy cơ gây ra dậy thì sớm. Trên mạng xã hội nhiều mẹ truyền nhau hàng chục công thức làm sữa hạt “thần thánh”. Nhiều mẹ cho rằng dùng các loại hạt kết hợp với nhau sẽ giúp cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng không cần tới uống sữa bò.

“Sữa hạt” tốt đến đâu giá trị dinh dưỡng ra sao và nó có thể thay thế được sữa bò hay không? Để giải đáp những câu hỏi trên, chúng tôi đã nhờ tới sự tư vấn của Ths. BS Lê Thị Hải, Nguyên giám đốc Trung tâm dinh dưỡng (Viện dinh dưỡng Quốc gia).

Ths. BS Lê Thị Hải cho biết, danh từ sữa hiện nay bị lạm dụng quá nhiều. Sữa là chất lỏng do tuyến vú của các động vật có vú tiết ra. Một sản phẩm khi được gọi là sữa thì hàm lượng đạm phải đủ tiêu chuẩn nhất định.

Chuyên gia khuyến cáo “sữa hạt” không phải là sữa đừng lầm tưởng

"Sữa hạt" không phải phải sữa chỉ là thức ăn bổ sung dinh dưỡng không thể thay thế sữa bò.

“Hiện nay, các mẹ “tự” sản xuất các loại sữa từ các loại hạt. Theo tôi sản phẩm đó gọi là súp thì đúng hơn. Vì tất cả các sản phẩm hạt được xay ra sau đó lọc pha loãng với nước thêm đường cho trẻ uống. Cách chế biến như vậy tôi xếp “sữa hạt” là thực phẩm bổ sung thêm dinh dưỡng không phải là sữa như mọi người đang gọi và suy tôn”, Ths. BS Lê Thị Hải khẳng định.

Loại “sữa hạt” các mẹ đang sản xuất cho trẻ nhỏ hiện nay được chia làm hai nhóm. Nhóm 1, sản xuất từ các loại hạt giàu chất béo và giàu chất đạm. Ví dụ, các hạt đậu đỗ, hạnh nhân, hạt óc chó … Trong nhóm này chỉ có các hạt thuộc họ đậu đỗ (đậu xanh, đậu tương, đậu nành, đậu đỏ) hàm lượng protein cao. Trong đó cao nhất là đậu nành, vì vậy sữa đậu nành vẫn được coi là thực phẩm bổ sung khá phổ biến hiện nay.

“Tuy nhiên, so sánh nhóm “sữa hạt” giàu chất béo và đạm này với sữa bò thì hàm lượng đạm vẫn rất thấp. Nếu dùng sản phẩm “sữa hạt” này để thay thế sữa bò cho trẻ là không hợp lý”, Ths. BS Lê Thị Hải nói.

Nhóm “sữa hạt” thứ 2 được Ths. BS Lê Thị Hải nhắc tới chính là “sữa” từ các loại hạt ngũ cốc như: yến mạch, gạo lứt, khoai lang, ngô… Những sản phẩm này nếu xay ra và lọc thì không khác gì ăn cháo loãng.

“Tôi khẳng định thứ nước uống các mẹ gọi là sữa từ hạt ngũ cốc không phải là sữa mà là cho con ăn bổ sung thêm cháo loãng. Cháo loãng sản xuất từ ngũ cốc thì không thể đủ chất đạm, vi chất dinh dưỡng cho một đứa trẻ phát triển toàn diện”, Th.s Lê Hải Thị Hải chia sẻ.

Đạm thực vật khó hấp thu với trẻ nhỏ

Ths. BS Lê Hải Thị Hải cho hay: “Dù các loại “sữa hạt” giàu đạm và chất béo nhưng nó lại có nguồn gốc thực vật. Theo khuyến cáo, của tổ chức y tế thế giới trẻ em dưới 6 tháng phải ăn chất đạm 100% có nguồn gốc động vật. Có nghĩa là em bé dưới 6 tháng tuổi phải bú sữa mẹ hoàn toàn. Trong trường hợp mẹ mất sữa, thiếu sữa phải dùng sữa bột công thức từ các loại động vật (sữa bò, sữa trâu, sữa dê) thay thế tuyệt đối không dùng “sữa hạt”. Đạm có nguồn gốc động vật cân đối và đầy đủ các axit amin thiết yếu. Trong khi đó đạm thực vật thường không cân đối axit amin và thường thiếu axit amin thiết yếu”.

Đối với nhóm trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên ngoài sữa mẹ ra trẻ sẽ phải ăn thức ăn bổ sung. Trẻ sẽ làm quen ăn với các loại ngũ cốc (trong ngũ cốc có đạm thực vật) và phải ăn 70% có đạm nguồn gốc động vật.

Bài tiếp theo: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ khi dùng "sữa hạt" thiếu cân nhắc cho trẻ nhỏ. Kính mời quý độc giả đón đọc.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Review 4 loại kem dưỡng ẩm cho da dầu trong mùa đông hanh