Chi bạc triệu mua vitamin 'xách tay', con vẫn còi cọc chỉ vì mẹ không hề biết điều này

2017-03-14 14:20
- Vitamin rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nhưng ngược lại, vitamin sẽ trở thành “thuốc độc” nếu mẹ mua phải hàng “rởm” và cho con uống một cách bừa bãi.

Chỉ tin vào… vitamin xách tay

Cho con uống bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin hàng xách tay đang là trào lưu của các bà mẹ công sở. Các mẹ bổ sung vitamin cho con với mong muốn con sẽ cao lớn, tăng sức đề kháng chống chọi với thời tiết, nhất là kiểu thời tiết thay đổi thất thường.

Mẹ lạm dụng vitamin xách tay, con dễ bị ngộ độc

Cho trẻ uống vitamin xách tay đang là trào lưu của các bà mẹ công sở. Ảnh minh họa

Con 5 tuổi mà vẫn hay ốm, dùng triền miên kháng sinh, vóc dáng còi nhỏ nên chị Minh Trang (29 tuổi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội) đã bổ sung cho con rất nhiều loại vitamin trong và ngoài nước.

Ban đầu, nghe mọi người nói bé ốm có thể do thiếu canxi, chị liền bổ sung canxi. Hai tháng uống canxi, con ốm vẫn hoàn ốm, chị ra hiệu thuốc mua ống kẽm cho con uống. Lý do bởi chị đọc trên mạng thấy các mẹ mách “con hay bị bệnh đường hô hấp do thiếu kẽm”.

Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của con chị Trang cũng không được cải thiện. Nghe một người bạn trong hội nuôi con nhỏ rỉ tai uống vitamin xách tay “nhiều chất hơn” giúp con hết bệnh đường hô hấp, tăng cân, cao lớn, chị Trang đã đầu tư tiền triệu mua vitamin xách tay cho con.

“Mỗi ngày 5ml “thuốc bổ” xách tay, tốn kém chừng nào tôi cũng mua, miễn là con khỏe”, chị Trang chia sẻ.

Rất nhiều bà mẹ hiện đang bị cuốn vào trào lưu dùng vitamin xách tay như chị Trang. Chị Bích Thủy (24 tuổi, Q. Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị cũng cho con uống vitamin xách tay từ khi con được 4 tháng tuổi vì nghe nói “tốt hơn vitamin bán ở hiệu thuốc”.Thậm chí, chị chấp nhận mua dự trữ vitamin xách tay rồi giữ gìn như “báu vật” vì người bán nói hàng đang rất… khan hiếm (!). 

Trước thực trạng hàng giả tràn lan, hiện các bà mẹ cũng đã có ý thức mua vitamin ở địa chỉ quen thuộc, uy tín. Tuy nhiên, đa số đều bổ sung vitamin cho con theo lời mách, rỉ tai. Đón được tâm lý đó, rất nhiều shop online đã “ăn nên làm ra” từ việc bán vitamin hàng xách tay.

Có shop còn khẳng định vitamin tổng hợp này “đặc biệt thích hợp cho trẻ lười bú, lười ăn rau”. Việc cho con khám dinh dưỡng, xem con thiếu hụt chất nào rồi mới bổ sung theo chỉ định là rất hiếm! Thậm chí nhiều mẹ còn lầm tưởng chỉ cần uống vitamin hàng ngày thì có thể “bất chấp” thời tiết thay đổi, không cần coi trọng chế độ ăn nữa.

Thừa còn nguy hiểm hơn cả thiếu vitamin

Bác sĩ Lê Thị Hải, Nguyên giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trẻ không bị thiếu vitamin và khoáng chất nếu trẻ có sức khỏe bình thường, được bú mẹ và ăn uống đầy đủ, hấp thụ tối đa dinh dưỡng có trong sữa mẹ và thức ăn bổ sung.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp như trẻ sinh non, sinh đôi, trẻ lớn quá nhanh, chất lượng bữa ăn không bảo đảm, không được bú sữa mẹ, bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, mắc các bệnh lý... sẽ bị thiếu vitamin và khoáng chất. Những trẻ đó cần phải bổ sung vitamin để đảm bảo cơ thể phát triển được bình thường.

Việc bổ sung vitamin khi trẻ bị thiếu là hết sức cần thiết. Nhưng bổ sung một cách bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ, lạm dụng vitamin có khi còn nguy hiểm hơn cả việc thiếu.

Cha mẹ thường nghĩ vitamin là thuốc bổ và tự ý bổ sung với tâm lý “càng bổ càng tốt”. Mà không biết rằng việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ phải hết sức thận trọng để tránh bị thừa vitamin. Vì chúng cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn như bất kỳ thuốc chữa bệnh nào. Nhóm vitamin tan được trong chất béo bao gồm: A, D, E, K. Còn lại là nhóm vitamin tan trong nước như: C, B1, B2, B6,B12, axit folic, biotin… Vitamin tan trong nước nếu trẻ không hấp thụ hết có thể đào thải hàng ngày qua phân, nước tiểu, mồ hôi. Còn vitamin chỉ tan trong dầu, mỡ nếu không hấp thụ hết sẽ ứ đọng ở gan. Nếu lạm dụng những vitamin này lâu ngày sẽ gây ngộ độc cho trẻ. Chưa kể các loại thuốc tương tác thành phần với nhau và gây tai biến khó lường”, bác sĩ Hải cảnh báo.

Cụ thể, thừa vitamin A có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu. Thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin. Do không có hiện tượng tích lũy nên hầu như không gặp thừa vitamin C, nhưng nếu dùng liều cao theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy. Thừa vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, gây sỏi thận tiết niệu.

Các bậc phụ huynh quan niệm “càng nhiều canxi càng tốt” nhưng thực chất, thừa canxi sẽ phản tác dụng. Đó là xương cốt hoá sớm và trẻ dễ bị thấp chiều cao., táo bón, sỏi thận tiết niệu

Thiếu hoặc thừa vitamin đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. “Tốt nhất, cha mẹ muốn bổ sung vitamin cho con nên có thăm khám, chỉ định của bác sĩ để tránh bị thừa vitamin cũng như các tác dụng phụ, gây hậu quả đáng tiếc cho trẻ. Chỉ nên mua vitamin tại những địa chỉ uy tín, không mua vitamin trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải vitamin giả”, bác sĩ Hải khuyến cáo.

Chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh cho dù bổ sung vitamin nhưng cha mẹ vẫn cần thiết kế cho con một chế độ ăn cân bằng, đầy đủ các nhóm thực phẩm. Bởi vitamin không thể thay thế được thức ăn.

Khánh An

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Sài Gòn đi đâu mùa Giáng Sinh?